BOJ quyết duy trì chính sách lãi suất siêu thấp bất chấp đồng Yên giảm mạnh
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 11:50, 22/09/2022
Theo đó, BOJ đã quyết định giữ lãi suất ngắn hạn ở mức âm (-) 0,1% và tiếp tục hướng lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%. Đồng thời, cơ quan này cũng giữ cam kết thực hiện các bước nới lỏng hơn nữa mà không do dự nếu cần thiết.
Động thái của đồng Yên đã biến động ngay sau quyết định chính sách. Đồng Yên đã vượt qua ngưỡng 145 quan trọng về mặt tâm lý, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998.
Sự giảm giá nhanh chóng của đồng Yên gần đây phản ánh khoảng cách giữa lãi suất của Nhật Bản và Mỹ ngày càng rộng. Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ ngày 21/9 đã tăng lãi suất chuẩn của mình lên 0,75 điểm phần trăm, với nhiều đợt tăng dự kiến vào cuối năm nay để chống lại lạm phát tăng cao. Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ có thể sẽ làm theo ngay trong ngày.
Những người theo dõi BOJ đã mong đợi không có sự điều chỉnh chính sách nào lần này. Thống đốc Haruhiko Kuroda đã loại trừ việc tăng lãi suất trong thời gian ngắn và mục tiêu chính sách của BOJ là đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách ổn định và bền vững, không nhằm vào tỷ giá hối đoái.
Tuy nhiên, sự sụt giảm không ngừng của đồng Yên so với đồng USD xuống mức thấp nhất trong 24 năm đã làm dấy lên lo ngại về một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế và dẫn đến một số suy đoán trên thị trường về việc điều chỉnh chính sách.
BOJ cho biết: “Cần phải quan tâm đúng mức đến những diễn biến trên thị trường tài chính và ngoại hối cũng như tác động của chúng đến hoạt động kinh tế và giá cả của Nhật Bản”.
BOJ sẽ tiếp tục mua các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) với giới hạn mua trên là 12 nghìn tỷ Yên một năm (83 tỷ USD).
BOJ phải đối mặt với nhiệm vụ to lớn: chứng minh lập trường ôn hòa của mình là đúng. Chính sách lãi suất cực thấp của nước này nhằm hỗ trợ sự phục hồi kinh tế, vẫn được coi là mới đạt được một nửa sau khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, và để đạt được mức lạm phát mục tiêu được hỗ trợ bởi tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ.
Tuy nhiên, lập trường này cũng mang theo rủi ro là việc tiếp tục trượt giá của đồng Yên, làm tăng chi phí nhập khẩu vào thời điểm mà tỷ lệ lạm phát toàn phần của nước này đã duy trì trên mục tiêu 2% trong 5 tháng liên tiếp, ảnh hưởng đến các hộ gia đình, bất chấp quan điểm của ngân hàng trung ương rằng đó chỉ là tạm thời.
Sau khi đồng Yên gần chạm ngưỡng 145 so với đồng USD vào đầu tháng này, Thống đốc Kuroda cho biết diễn biến nhanh của đồng Yên là không thuận lợi, nhấn mạnh nhiều yếu tố bất lợi hơn là lợi ích cho nền kinh tế.
Khả năng can thiệp mua đồng Yên, bán USD của chính quyền Nhật Bản đã khiến những người tham gia thị trường tiền tệ cảnh giác, sau khi BOJ đưa ra yêu cầu với các nhà giao dịch về tỷ giá USD/Yên vào tuần trước (kiểm tra giá bán ra và mua vào), được coi là dấu hiệu báo trước cho sự can thiệp thực tế.
Quan điểm của BOJ cho rằng lạm phát gần đây chủ yếu là do chi phí năng lượng và nguyên liệu thô cao hơn và do đó chỉ là tạm thời nên đã được giám sát chặt chẽ hơn.
Lạm phát tiêu dùng lõi của nước này, không bao gồm biến động của giá thực phẩm tươi sống, đã tăng 2,8% trong tháng 8, tốc độ nhanh nhất trong gần 8 năm và cao hơn mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương trong 5 tháng liên tiếp.