Ngân hàng Nhà nước duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cả năm 2022

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 15:15, 23/09/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục duy trì mục tiêu tín dụng khoảng 14%, hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Bên cạnh đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh để tạo động lực tăng trưởng bền vững, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực rủi ro.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định điều này tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2022 tổ chức sáng 23/9. Theo Phó Thống đốc Thường trực, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. 

Trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phẩn kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô. Kiểm soát lạm phát là yêu cầu cao nhất từ nay đến cuối năm, nên NHNN vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại họp báo

Tín dụng được điều hành nhằm tích cực hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. 

“NHNN điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ các chính sách khác, trong đó có chính sách tài khoá, để đảm bảo mục tiêu của Chính phủ cũng như các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác”, Phó Thống đốc Thường trực nhấn mạnh.

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết trong 9 tháng năm 2022, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bám sát định hướng điều hành tín dụng từ đầu năm, NHNN đã chỉ đạo hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; tiếp tục kiểm soát rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.  

Theo đó, trước nhu cầu phục hồi của nền kinh tế, các hoạt động sản xuất – kinh doanh, nhu cầu đời sống trở lại bình thường, tín dụng các ngành, lĩnh vực đều tăng ngay từ đầu năm 2022 và hầu hết tăng cao hơn cùng kỳ 2021, 2020 (là 2 năm chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19).

Tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. 

Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tăng cao hơn nhiều cùng kỳ 2 năm dịch COVID-19, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP.

Tín dụng ngành nông lâm thủy sản tăng 7,31%, ngành công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, ngành thương mại và dịch vụ tăng 10,72%. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao ở một số ngành: công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; thông tin và truyền thông; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; hoạt động dịch vụ khác.

Toàn cảnh buổi họp báo

Tín dụng các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt, một số lĩnh vực tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, phù hợp với định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN.

Cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 8,41%, chiếm tỷ trọng 24,79% tổng dư nợ toàn nền kinh tế; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 7,67%, chiếm 20,17%; xuất khẩu tăng 6,54%, tiếp tục tập trung vào nhóm hàng công nghiệp, chế biến, chế tạo - chiếm khoảng 54,9%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 13,15%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 10,74%.

Đáng chú ý, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tiếp tục được kiểm soát. Theo đó, tín dụng vào chứng khoán giảm 28,7%; tín dụng BOT, BT giao thông giảm 1,72%. Tuy nhiên, tín dụng bất động sản lại tăng 14,69% và cho vay phục vụ đời sống tăng 14,99%.

Trong khi đó, tín dụng chính sách tiếp tục được quan tâm, dư nợ tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đạt 274.162 tỷ đồng, tăng 10,56% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong đó: tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh tạo sinh kế và việc làm chiếm 74,4%; tín dụng phục vụ đời sống chiếm 25,6%. 

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vẫn đang được thực hiện cho đến hết thời gian hiệu lực của chính sách. 

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN

Cũng theo bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, trong thời gian tới, căn cứ mục tiêu, yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng, NHNN định hướng tín dụng ngành, lĩnh vực cần tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Hai là, các NHTM cân đối nguồn vốn để cho vay các dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhất là các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Đảm bảo hài hòa giữa việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất 2% và cho vay đối với các đối tượng khác, phù hợp với chiến lược kinh doanh và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng. Chủ động rà soát, tiếp cận khách hàng để nắm bắt nhu cầu, thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định; thiết lập ngay đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai chính sách theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị 03/CT-NHNN và Văn bản số 6221/NHNN-TD.

Ba là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của NHNN; các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có chủ trương xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân.

Bốn là, chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”, trong đó các công ty tài chính tiêu dùng đã cam kết tích cực phối hợp với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam triển khai hiệu quả chương trình cho vay ưu đãi lãi suất đối với công nhân tại các khu công nghiệp; Tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp.

Năm là, đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng trong các Chương trình Mục tiêu quốc gia; tiếp tục tạo điều kiện cho NHCSXH thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách.

Quỳnh Lê