Theo chân FED, một loạt các ngân hàng trung ương điều chỉnh tăng lãi suất
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 11:00, 25/09/2022
Ngày 22/9, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 2,25%, mức cao nhất trong vòng 14 năm trở lại đây với quan điểm cần phải thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa để kiểm soát lạm phát.
Lạm phát tại Anh dự kiến đạt đỉnh vào tháng 10 |
BoE ước tính kinh tế Anh sẽ thu hẹp 0,1% trong quý III/2022, sau khi giảm 0,1% trong quý II/2022. Hai quý suy giảm GDP liên tiếp đồng nghĩa với việc kinh tế Anh rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật.
BoE thừa nhận, nền kinh tế Anh đã rơi vào suy thoái, tuy nhiên ngân hàng trung ương này không còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục nâng lãi suất để kiềm lạm phát, hiện vẫn đang sát ngưỡng cao nhất trong vòng 40 năm. BoE dự kiến lạm phát sẽ đạt đỉnh dưới 11% vào tháng 10, thấp hơn mức đỉnh 13,3% mà ngân hàng này dự báo vào tháng trước.
Khi đi đến quyết định nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, các quan chức BoE đã tránh lựa chọn phương án nâng lãi suất với biên độ lớn hơn, điều mà nhiều chuyên gia đã dự báo. BoE tiếp tục thể hiện những bước đi thận trọng hơn trong cuộc chiến chống lạm phát so với một số ngân hàng trung ương khác, những nhà hoạch định chính sách đang ngày càng cuốn theo chiến lược nâng lãi suất mỗi lần từ 75 điểm cơ bản trở lên của FED.
Các ngân hàng trung ương liên tục buộc phải tăng lãi suất để kìm chế lạm phát. |
Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) hôm 22/9 thông báo điều chỉnh tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên mức 0,5% sau khi sau khi lạm phát ở nước này ghi nhận 3,5% vào tháng trước, mức cao nhất trong ba thập kỷ. Dự kiến, mức lãi suất mới này của Thụy Sỹ sẽ có hiệu lực từ ngày 23/9. SNB cũng nêu rõ không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới để bình ổn giá trung hạn
Với quyết định nâng lãi suất lần này của SNB, châu Âu chính thức không còn quốc gia nào duy trì chính sách lãi suất âm.
Nhiều quốc gia tại châu Âu cũng đã có những bước đi tương tự. Cùng ngày 22/9, Ngân hàng trung ương Na Uy thông báo tăng lãi suất từ 1,75% lên 2,25%.
Trước đó, Đan Mạch cũng đã kết thúc chính sách lãi suất âm kéo dài gần một thập kỷ của mình vào ngày 8/9 khi ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm lên 0,65%. Tương tự, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển đã tăng lãi suất lên 1,75% vào ngày 20/9.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 8/9 đã nâng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm từ mức 0%, bước nhảy lớn chưa từng có trong lịch sử ECB. Cơ quan này đồng thời cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Thị trường đang tin chắc rằng, ECB sẽ tiếp tục lãi suất lần nữa vào ngày 23/10 và mức tăng được dự báo không nhỏ hơn 0,5 điểm phần trăm.
Tại châu Á, các ngân hàng trung ương của Philippines và Indonesia trong chiều 22/9 cũng đồng loạt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản. Với động thái này, lãi suất của Philippines hiện đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2019 là 4,25%.
Trong khi đó, đây là tháng thứ 2 liên tiếp, Ngân hàng Trung ương Indonesia tăng lãi suất cơ bản đề kiềm chế lạm phát và bình ổn đồng nội tệ, điều nằm ngoài dự báo của phần lớn các chuyên gia phân tích.
Chính quyền đặc khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, lên 3,5%, mức cao nhất trong vòng 14 năm qua.
Quý II vừa qua đánh dấu lần thứ 2 trong vòng 3 năm qua đặc khu Hong Kong rơi vào suy thoái, chủ yếu do các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt gây đình trệ các hoạt động kinh tế. Chính quyền Hong Kong cảnh báo nhiều khả năng tình trạng kinh tế suy thoái sẽ kéo dài ít nhất là hết năm nay.
Trong khi một loạt nước tăng lãi suất sau quyết định của FED tăng lãi suất, Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới, đến nay vẫn chưa có động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ. Trong khi đó, Nhật Bản hiện là nền kinh tế lớn cuối cùng có ngân hàng trung ương ở mức âm, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức âm 0,1% hôm 22/9.
Tuy nhiên, chiều cùng ngày, BoJ đã quyết định can thiệp vào thị trường tiền tệ để chặn đà mất giá của đồng yên. Đây là lần đầu tiên sau 24 năm kể từ năm 1998, Nhật Bản thực hiện động thái này.
Lạm phát tăng nóng trên toàn cầu trong hơn một năm qua và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nếu tình trạng này càng kéo dài, lạm phát có nguy cơ trở thành một đặc điểm ăn sâu vào nền kinh tế, khiến tiền lương phải đuổi theo giá cả và giá cả phải đuổi theo tiền lương. Điều này đã từng xảy ra vào những năm 1970, khi nền kinh tế Mỹ hứng chịu những đợt tăng giá ngoài tầm kiểm soát trong nhiều năm và FED đã phải hy sinh tăng trưởng để kìm hãm lạm phát,
Tờ New York Times cho rằng, cuộc đua nâng lãi suất của ngân hàng trung ương có thể sẽ gây ra nhiều hậu quả. Điển hình là việc FED dự báo, các động thái thắt chặt mạnh tay hiện tại sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lên 4,4% vào năm 2023, từ mức 3,7% hiện tại.
Lãi suất leo thang đang làm cho việc vay tiền để mua một chiếc xe hơi hoặc một ngôi nhà ở nhiều quốc gia trở nên đắt đỏ hơn. Lãi suất thế chấp ở Mỹ lần đầu tiên trở lại vượt ngưỡng 6% kể từ năm 2008 trong bối cảnh thị trường nhà ở đang hạ nhiệt.
“Thị trường tài chính chao đảo trong năm nay trước cuộc đua nâng lãi suất gay gắt từ các ngân hàng trung ương, vốn liếng của doanh nghiệp bốc hơi và tài sản của các hộ gia đình cũng giảm sút. Hậu quả đầy đủ có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm để cảm nhận được”, New York Times bình luận.
Bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế hiện hữu, cả FED và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang coi nhiệm vụ kiên quyết là chống lại lạm phát.
“Lần đầu tiên sau bốn thập kỷ, các ngân hàng trung ương cần chứng minh họ quyết tâm bảo vệ ổn định lạm phát đến như thế nào”, Isabel Schnabel, thành viên ban điều hành của ECB, nói.