Nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro danh mục.
Thị trường - Ngày đăng : 09:51, 26/09/2022
|
Trong tuần giao dịch từ ngày 19-23/9, tâm điểm của thị trường là việc FED công bố tăng 75 điểm cơ bản lãi suất điều hành trong cuộc họp chính sách diễn ra ngày 20 - 21/9. Mặc dù mức tăng này đã được thị trường dự báo từ trước, tuy nhiên bài phát biểu sau đó của Chủ tịch FED đã cho thấy quan điểm có phần “diều hâu” của FED về lộ trình tăng lãi suất điều hành trong thời gian tới. Theo đó, các thành viên Ủy ban Thị trường mở (FOMC) của Mỹ dự báo lãi suất điều hành có thể tăng lên mức 4 - 4,5% vào cuối năm 2022 và có thể lên mức 4,5 - 5% vào năm 2023, cao hơn so với dự báo trước đó của thị trường. Sau cuộc họp của FED, đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh, phá đỉnh 20 năm trong khi các thị trường chứng khoán quốc tế chịu áp lực điều chỉnh mạnh.
Trong nước, ngay sau động thái của FED, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định tăng 100 điểm cơ bản lãi suất điều hành. Đây là bước đi quyết liệt và kịp thời của NHNN để hỗ trợ tỷ giá và ổn định vĩ mô trong nước. Tuy vậy, việc lãi suất tăng lên cũng khiến mức định giá thị trường kém hấp dẫn hơn, các chỉ số chứng khoán trong nước duy trì xu hướng điều chỉnh trong tuần qua. Chỉ số VN - INDEX lùi dần về gần mức 1.200 điểm, chốt tuần giảm 30,7 điểm về mức 1.203,3 điểm, tương đương giảm 2,6%. Trong khi đó, chỉ số HNX - INDEX và UPCOM - INDEX cũng đồng loạt giảm, với HNX-INDEX lùi về mức 264,4 điểm (-3,2%) và UPCOM - INDEX giảm về mức 88,6 điểm (-1,0%).
Thanh khoản thị trường cũng giảm mạnh với thanh khoản bình quân trên cả 3 sàn giảm 6,5% về mức 14.063 tỷ đồng/phiên. Điểm tích cực là việc khối ngoại giảm vị thế bán ròng từ 986 tỷ đồng về 353 tỷ đồng trên sàn HOSE. Tương tự, khối ngoại bán ròng 13 tỷ đồng tại sàn HNX-INDEX (-88,4%), và bán ròng lên 124 tỷ đồng tại sàn UPCOM-INDEX (+241,5%).
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty CPCK VNDIRECT đánh giá thị trường chịu áp lực bán gia tăng, đặc biệt là các nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn như ngân hàng và bất động sản. Cụ thể, thị trường lo ngại động thái tăng lãi suất của NHNN có thể khiến mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục tăng lên trong thời gian tới trong khi mặt bằng lãi suất cho vay khó tăng tương ứng sẽ khiến biên lợi nhuận của các ngân hàng bị ảnh hưởng. Do vậy, đa phần cổ phiếu ngân hàng có diễn biến tiêu cực trong tuần qua, phải kể đến như VCB (-5,1%), VPB (-5,9%), TCB (-5%), CTG (-4,6%) và BID (-2,1%). Bên cạnh đó, lãi suất tăng lên khiến triển vọng nhóm ngành bất động sản bị ảnh hưởng do đây là nhóm có tỷ lệ đòn bẩy, vay nợ cao. Nhiều cổ phiếu bất động sản điều chỉnh trong tuần qua như VHM (-4,0%), NVL (-2,2%), KDH (-7,7%) và PDR (-5,1%). Ngược lại, nhóm ngành bảo hiểm được đánh giá là hưởng lợi trong môi trường lãi suất tăng, điều này khiến cho dòng tiền đổ vào nhóm ngành này và giúp cổ phiếu diễn biến tích cực trong tuần qua với BVH (+4,3%), BMI (+5,3%) và MIG (+4,4%) đều tăng điểm ấn tượng.
Nhận định thị trường tuần này, ông Đinh Quang Hinh cho rằng trước những biến động vừa qua, nhà đầu tư cần thời gian để đánh giá lại các số liệu cũng như ổn định tâm lý. Trong ngắn hạn, rủi ro điều chỉnh vẫn hiện hữu và chỉ số VN-INDEX có thể có những thời điểm lùi sâu hơn xuống dưới mốc 1.200 điểm trong tuần tới. Do vậy, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro danh mục trong giai đoạn này. Nhà đầu tư nên chủ động hạ tỷ lệ đòn bẩy để giảm thiểu rủi ro, duy trì tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt ở mức vừa phải (50-70% cổ phiếu).
“Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ cổ phiếu trong những ngành dự kiến ghi nhận kết quả kinh doanh quý III/2022 tích cực như bán lẻ, thực phẩm - đồ uống hoặc có thông tin hỗ trợ mạnh như xây dựng hạ tầng (đẩy mạnh giải ngân đầu tư công) và bảo hiểm (tăng lãi suất). Ngược lại, nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng nhóm cổ phiếu đầu cơ, cổ phiếu “beta cao” để hạn chế rủi ro” – ông Đinh Quang Hinh nói.