Chuyên gia Nguyễn Minh Cường: Để giữ vững sự ổn định chính sách tiền tệ không thể đứng một mình...
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 10:19, 02/10/2022
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) |
Phóng viên: Tại Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) cập nhật 2022, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng của hầu hết các quốc gia trong khu vực nhưng chỉ duy nhất có Việt Nam là ADB không hạ dự báo tăng trưởng. Vì sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Cường: Chúng tôi thấy rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn, nhưng kinh tế Việt Nam phục hồi tốt, tăng trưởng ổn định và nhanh hơn nhiều so với dự kiến nhờ có nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Nền tảng vĩ mô vững mạnh là nét khác của Việt Nam và là nền tảng quan trọng nhất để Việt Nam tiếp tục phục hồi tốt.
Kinh tế vĩ mô ổn định tạo nền tảng để Việt Nam có thể ứng phó với những biến động từ nay đến cuối năm. Dự kiến kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi trong những tháng tới, vì được hỗ trợ bởi những cân đối vĩ mô vững mạnh, chính sách tiền tệ linh hoạt.
Tóm lại, cân đối vĩ mô vững mạnh tiếp tục thúc đẩy kinh tế phục hồi. Vì vậy, báo cáo cập nhật này giữ nguyên dự báo tăng trưởng đã nêu trong ADO 2022 là: 6,5% cho năm 2022 và 6,7% cho năm 2023.
Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về nền tảng cho kinh tế vĩ mô ổn định của Việt Nam?
Ông Nguyễn Minh Cường: Đầu tiên là ngân sách thặng dư, 6 tháng đầu năm ước tính thặng dư 5% GDP, nợ công được kiểm soát tốt và rất tốt so với các quốc gia khác trong khu vực.
Tiếp theo, từ đầu năm đến nay chính sách tiền tệ mở và linh hoạt trên nhiều phương diện, một mặt vừa đảm bảo nguồn tín dụng cho nền kinh tế phục vụ tăng trưởng nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát. Trần tín dụng cũng được sử dụng linh hoạt, đảm bảo các mục tiêu: vừa để giữ ổn định vĩ mô, vừa giữ an toàn cho hệ thống và phục vụ cho phục hồi kinh tế. Cùng với đó là tỷ giá tương đối ổn định, góp phần ổn định thị trường vừa giảm giảm chi phí đẩy trong sản xuất mặc dù đồng tiền của nhiều quốc gia khác mất giá mạnh.
Cuối cùng là kiểm soát tốt giá xăng dầu và giá một số hàng hóa dịch vụ cơ bản, đảm bảo lương thực thực phẩm, từ đó đã kiểm soát được lạm phát.
Phóng viên: Ông có nhắc nhiều đến những đóng góp của chính sách tiền tệ cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Vậy đánh giá của ông và các chuyên gia ADB về điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam thời gian qua như thế nào?
Ông Nguyễn Minh Cường: Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), với vai trò là ngân hàng trung ương đã duy trì thành công chính sách tiền tệ mở rộng nhưng linh hoạt, tạo điều kiện cho vay vốn với chi phí thấp nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế đồng thời kiềm chế lạm phát.
Điều hành tỷ giá của Việt Nam tương đối ổn định so với các nước khác trong khu vực, mức độ mất giá của đồng Việt Nam chỉ 2%.
Nhằm giảm bớt áp lực lạm phát và hỗ trợ tiền đồng, NHNN đã hút vốn khả dụng dư thừa, ước tính khoảng 100 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022, bằng cách bán tín phiếu NHNN thông qua nghiệp vụ thị trường mở, góp phần làm chậm mức tăng tổng phương tiện thanh toán xuống 9,2% so với 14,2% trong 6 tháng đầu năm 2021.
NHNN bắt đầu kiểm soát tác động của việc tăng giá đồng USD bằng cách bán khoảng 7 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2022 để ổn định tỷ giá hối đoái, giúp tiền đồng giảm giá ở mức 2% so với USD, khiến cho tiền đồng ổn định hơn so với các đồng tiền khác ở Đông Nam Á.
Phóng viên: Dù các tổ chức quốc tế đều đánh giá năm 2022, Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra. Nhưng thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát. Để chống lạm phát, nhiều quốc gia trên thế giới đã thắt chặt tiền tệ. Định hướng điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Quan điểm của ông như thế nào?
Ông Nguyễn Minh Cường: Theo tôi, Việt Nam không cần vào cuộc đua thắt chặt tiền tệ và cũng không nên quá vội vàng lo vì sức ép trong cuộc chạy đua thắt chặt tiền tệ của các nước mà vẫn linh hoạt trong điều hành để vẫn giữ được vĩ mô ổn định và tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, cho phục hồi và cho tăng trưởng.
Theo đó, NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng chắc chắn. Như Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã nói: Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, ngân hàng sẽ kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô nhưng "ổn định không có nghĩa là cố định" mà theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp tình hình.
Tuy nhiên dư địa để kiểm soát lạm phát dần dần cũng sẽ hạn chế hơn, thu hẹp lại và nguy cơ sức ép giá xăng dầu sẽ xuất hiện. Vì vậy để giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững thì chính sách tiền tệ không thể đứng một mình mà cần có sự phối hợp nhịp nhàng với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.
Phóng viên: Quan điểm của ông về trần tín dụng mà NHNN đang áp dụng hiện nay như thế nào?
Ông Nguyễn Minh Cường: Trong thời gian trước mắt, việc kiểm soát trần tín dụng vẫn có những tác dụng nhất định. Mức trần tín dụng 14% đã được NHNN tính toán dựa trên những chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể, ví như: kiểm soát lạm phát 4%, tăng trưởng kinh tế từ 6 đến 6,5%. Từ những mục tiêu, chỉ tiêu đó, NHNN đã đưa ra mức trần tín dụng là 14% để vừa kiểm soát lạm phát vừa phục vụ tăng trưởng.
Tuy nhiên, NHNN cũng có những sự điều chỉnh linh hoạt nhất định đối với một số ngân hàng khi mà có nhiều chỉ tiêu như: an toàn vốn, chỉ tiêu về tỷ lệ cho vay ngắn hạn/dài hạn ở mức độ an toàn, NHNN vẫn có thể nới chỉ tiêu tín dụng cho một số ngân hàng. Biện pháp chính sách tín dụng linh hoạt này trong ngắn hạn là tương đối hiệu quả.
Nhưng về dài hạn NHNN cũng nên có lộ trình tiến tới không còn dùng trần tín dụng để quản lý tiền tệ, mà sử dụng biện pháp khác mang tính hiệu quả hơn, cơ bản hơn.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!