Đảm bảo sự nhất quán trong điều hành các công cụ chính sách tiền tệ

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 15:48, 04/10/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng và công tác truyền thông. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Ban lãnh đạo NHNN chủ trì Hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị thuộc NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, lãnh đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam,…

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đảm bảo an toàn hệ thống được đặt lên hàng đầu

Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, bối cảnh hiện nay vô cùng khó khăn thách thức. Kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường và chưa có tiền lệ khi sau 2 năm bị tác động bởi dịch COVID-19, các chính phủ và NHTW trên thế giới thực hiện nhiều gói hỗ trợ tài khóa và nới lỏng tiền tệ.

Hiện tại, lạm phát gia tăng đang diễn ra trên toàn cầu nhất là nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, các nước khu vực đồng tiền chung euro,… Để ứng phó với lạm phát, các NHTW trên thế giới đã và đang tăng nhanh và mạnh các mức lãi suất điều hành.

Ngân hàng Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã điều chỉnh liên tiếp lãi suất với tốc độ cao, gần đây Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm và là lần tăng thứ 3 liên tiếp. Đáng chú ý, Fed tuyên bố kỳ vọng đến năm 2023 có thể lãi suất duy trì ở mức 4,6% đến hết năm 2023 trước khi lạm phát được kiểm soát. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng phải liên tiếp tăng lãi suất sau 11 năm… Theo thống kê, NHTW các nước phản ứng rất mạnh đối với biến động này, phải tăng lãi suất rất mạnh với khoảng trên dưới 200 lượt tăng lãi suất ở mức cao.

Tại Việt Nam, do độ mở cửa kinh tế rất lớn, nhu cầu vốn phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng nhiều… Do đó, công tác điều hành vĩ mô trong đó công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN chịu nhiều áp lực…

Trong bối cảnh đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: “chúng ta phải điều hành để vừa góp phần kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường ngoại hối là nhiệm vụ vô cùng quan trọng”.

Hiện nay, NHNN đang phải thực hiện nhiều giải pháp mục tiêu. Trong đó, mục tiêu chung, căn cơ, dài hạn là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô – không chỉ cho năm nay mà còn cho các năm sau. “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, việc đảm bảo an toàn hệ thống luôn phải đặt lên hàng đầu”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Ban Lãnh đạo NHNN chủ trì Hội nghị

Về tăng trưởng tín dụng, từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 14%, có điều chỉnh theo thực tế. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lưu ý: “điều hành tín dụng là công cụ rất quan trọng để vừa tập trung kiểm soát lạm phát cả năm nay và năm sau”.

Theo Thống đốc, năm nay hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4% nhưng hiện nay chỉ số lạm phát cơ bản tăng mạnh, lạm phát cơ bản tháng 8 so với cùng kỳ hơn 3%, tháng 9 có thể 3,6% so với cùng kỳ. Từ đầu năm, lạm phát được đánh giá chủ yếu có nguyên nhân do cầu kéo, chi phí đẩy, nhưng hiện tại kỳ vọng lạm phát đang ở mức rất cao.

“Do vậy, tất cả các công cụ chính sách của NHNN phải đảm bảo sự nhất quán; việc kiên định mục tiêu tín dụng vừa kiểm soát tác động lạm phát thực tế vừa kiểm soát kỳ vọng đồng thời ổn định tỷ giá. Việc NHNN kiên định mục tiêu tín dụng vừa qua là phù hợp để đảm bảo sự nhất quán, điều này được các tổ chức quốc tế, đặc biệt IMF đánh giá cao”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Tiếp tục triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất và đẩy mạnh truyền thông

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá cao kết quả hoạt động công tác tín dụng và truyền thông toàn ngành Ngân hàng từ Trung ương đến địa phương. Nhiều địa phương kịp thời có báo cáo và có những kiến nghị, đề xuất. Nhờ đó, kết quả bước đầu trong triển khai chính sách rất tích cực.

Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị

Để đạt được những mục tiêu, hiệu quả chính sách trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị toàn ngành Ngân hàng tiếp tục làm việc nghiêm túc, hết trách nhiệm bằng tất cả các biện pháp có thể.

Phó Thống đốc yêu cầu chi nhánh NHNN tại các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt mục tiêu, nhiệm vụ chỉ đạo tại Thông tư 03 của NHNN; phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền chính sách để kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ, khả năng tiếp cận chính sách của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn; chủ động báo cáo chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai gói hỗ trợ lãi suất trên địa bàn. Rà soát các khoản vay hiện hữu có thể hỗ trợ lãi suất để triển khai; tiếp tục duy trì hoạt động của đường dây nóng, kiểm tra, giám sát, nắm bắt những vướng mắc của chi nhánh của các ngân hàng trên địa bàn đến Hội sở chính,…

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: “công tác truyền thông chính sách trong giai đoạn này là nhiệm vụ rất quan trọng và không thể tách rời, là trách nhiệm của toàn ngành chứ không phải của riêng NHTW. Chi nhánh NHNN tại các tỉnh, thành phải truyền thông để người dân, doanh nghiệp hiểu được chính sách; chủ động truyền thông và liên hệ với Vụ Truyền thông, các vụ, cục chức năng của NHNN để bổ sung nội dung tuyên truyền”.

Bên cạnh đó, Vụ Truyền thông giữ vai trò đầu mối, thực hiện kế hoạch báo cáo hàng tháng, hàng tuần, chỉ ra những nội dung cần tập trung tuyên truyền hàng tháng, hàng tuần. Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện công tác truyền thông; xây dựng chương trình, kế hoạch trong truyền thông; chủ động tiếp cận với các phương tiện truyền thông trên địa bàn để tuyên truyền những chỉ đạo, điều hành của NHNN và những kết quả triển khai chính sách gắn với đặc thù của địa phương; báo cáo lãnh đạo chính quyền địa phương…

Đặc biệt, Phó Thống đốc cho biết trong thời gian tới, NHNN sẽ thành lập đoàn kiểm tra, giám sát để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong triển khai chính sách tại một số tỉnh, thành phố với sự tham gia của NHNN, lãnh đạo địa phương, thành viên đoàn đại biểu quốc hội…

Báo cáo về triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ Trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (TDCNKT) cho biết, tính đến nay, 59/63 tỉnh, thành đã phát sinh các khoản vay có hỗ trợ lãi suất; 63/63 chi nhánh NHNN tại các tỉnh, thành đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh theo chỉ đạo của NHNN; 15/63 chi nhánh NHNN đã phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội, địa phương tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp về hỗ trợ lãi suất.

Tại các NHTM, có 16/44 ngân hàng phát sinh dư nợ có hỗ trợ lãi suất, chủ yếu ở các nhóm ngành có thỏa thuận cho vay từ ngày 1/1/2022 và có trả lãi trong tháng 5/2022 khoảng 800 nghìn tỷ đồng.

Từ thực tế nhu cầu và hấp thụ chính sách hỗ trợ lãi suất, nhất là dư nợ hiện hữu, NHNN đã có văn bản đề nghị các NHTM báo cáo kết quả triển khai vào cuối tháng 9/2022 và rà soát khách hàng để triển khai gói hỗ trợ lãi suất, khả năng hỗ trợ dự kiến…

“Đến hết tháng 8/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất khoảng 10.700 tỷ đồng với gần 580 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất 9.820 tỷ đồng”, bà Hà Thu Giang chia sẻ.

Công tác truyền thông có nhiều đổi mới, tạo được sự đồng thuận

Phát biểu tại Hội nghị, bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông nhấn mạnh, để công tác truyền thông đạt được mục tiêu hỗ trợ điều hành chính sách hiệu quả, an toàn hoạt động ngân hàng cần tạo được sự đồng thuận trong dư luận về điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng, cũng như giải quyết kịp thời những vấn đề dư luận quan tâm, tránh được những nguy cơ khủng hoảng truyền thông.

Công tác truyền thông trong ngành thời gian qua đã được triển khai mạnh mẽ, tạo sự đồng thuận, chia sẻ trong xã hội về CSTT và hoạt động ngân hàng trong bối cảnh vô cùng khó khăn do quốc tế có diễn biến phức tạp, khó lường và dịch COVID-19 tác động đến mọi mặt kinh tế - xã hội.

Cũng theo bà Lê Thị Thúy Sen, công tác truyền thông thời gian quan đã nhận được sự quan tâm của Ban lãnh đạo, sự triển khai tích cực, trách nhiệm của các vụ, cục chức năng, Chi nhánh và các tổ chức tín dụng. Nội dung truyền thông, hình thức truyền thông phù hợp, phương thức tổ chức thực hiện hợp lý, hiệu quả. Về nội dung truyền thông, đã bám sát định hướng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế và bám sát các mục tiêu của Ngành về điều hành CSTT, hoạt động ngân hàng.

Hình thức truyền thông đã được đa dạng hóa với phương châm dễ hiễu, dễ nhớ, dễ tiếp cận, dễ làm theo. Trong thời gian qua, bên cạnh triển khai những hình thức truyền thông truyền thống, NHNN đã triển khai được một số chương trình truyền thông giáo dục tài chính ghi dấu ấn với cộng đồng.

Trong thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Truyền thông cho biết, ngành Ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về các vấn đề dư luận quan tâm như lãi suất, tỷ giá, tín dụng, thanh toán, tái cơ cấu, truyền thông giáo dục tài chính nhất là chính sách mới, tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp…

Đánh giá về công tác truyền thông, ông Võ Minh, Giám đốc NHNN thành phố Đã Nẵng cho rằng, truyền thông đã thực hiện tốt vai trò của mình, đã phối hợp với các cơ quan truyền thông trong và ngoài Ngành để thông tin đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách, điều hành của NHNN đến với công chúng, tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với hoạt động của ngành Ngân hàng. Nhiều chương trình giáo dục tài chính có sức hút lớn như chương trình Tiền khéo tiền khôn trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam đã cho thấy sự hấp dẫn và thu hút lượng lớn khán giả, cung cấp nhiều kiến thức về tiền tệ - ngân hàng cập nhật, giúp người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng tốt hơn, an toàn hơn.

Tập trung cho mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lưu ý, trong bối cảnh khó khăn, thách thức hiện nay, để đạt được mục tiêu chung là góp phần ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, có sự giải thích, hướng dẫn thống nhất trong quá trình triển khai.

"Việc kiên định mục tiêu tín dụng, kiểm soát tác động của lạm phát, vừa kiểm soát kỳ vọng vừa thực hiện nhiệm vụ ổn định tỷ giá nên tất cả công cụ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN phải đảm bảo sự nhất quán”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Với gói hỗ trợ lãi suất 2%, Thống đốc yêu cầu, NHNN phải rà soát số dư nợ tín dụng, nếu đúng là trong nhóm hỗ trợ lãi suất mà doanh nghiệp không nhận hay vì lý do gì phải báo cáo cụ thể. Các vụ, cục thuộc NHNN phải phối hợp chỉ đạo các chi nhánh để chỉ đạo các TCTD rà soát số dư tín dụng. Toàn ngành Ngân hàng cần tiếp trục đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và thực hiện báo cáo đầy đủ, kịp thời các nguyên nhân từ thực tiễn khách quan.

“Có thể khẳng định, NHNN đã điều hành tốt chính sách tín dụng cho nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh và đặc biệt 'giữ chân' dòng vốn đầu tư nước ngoài. Qua đó cho thấy, chính phủ, các bộ, ngành, NHTW đã có các giải pháp, cách thức điều hành tin tưởng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Cũng theo Thống đốc, bất kể trong hoàn cảnh nào, NHNN luôn đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống lên hàng đầu, bởi nếu như lạm phát không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ người dân nhất là những người dân còn khó khăn nên phải kiên định mục tiêu.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị để giải thích rõ với doanh nghiệp, nếu không ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, doanh nghiệp sẽ là những người gặp khó khăn khi thị trường biến động. Giải thích rõ với doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn hoặc có trường hợp cho vay sẽ khiến ngân hàng chạm ngưỡng tỷ lệ an toàn, không nên “đổ" hết cho room tín dụng…

T.H