Người gửi tiền được Nhà nước, pháp luật bảo vệ ở mức cao nhất
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 17:25, 10/10/2022
Ảnh: Nguồn Internet |
Phóng viên: Thưa luật sư, với trường hợp rút tiền hàng loạt tại SCB vừa qua, ông có khuyến cáo gì với người gửi tiền?
Luật sư Trương Thanh Đức: Tôi thấy rằng như một số vụ việc tương tự xảy ra trước đây, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước rất mạnh mẽ và rõ ràng là sẽ dùng mọi biện pháp để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Do đó, người dân nên hết sức cân nhắc vì nếu rút tiền gửi trước hạn sẽ rất thiệt thòi, không những thế còn gây thêm phần khó khăn, thậm chí là nguy hiểm cho cả hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.
Khách hàng gửi tiền được pháp luật quy định với mức độ ưu tiên đảm bảo an toàn, bảo đảm khả năng chi trả, quyền lợi của người dân ở mức độ cao nhất từ Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Phá sản và các luật khác. Một ngân hàng đang hoạt động bình thường với quy mô lớn với tài sản nhiều và dư nợ cho vay lớn thì chỉ nhanh hay chậm sẽ thu hồi tiền về để trả cho người dân. Quan trọng hơn là thực tế nhiều năm nay, quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước là dùng mọi biện pháp để hỗ trợ để bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, pháp luật quy định tương đối rõ ràng trong Luật các tổ chức tín dụng, khi một ngân hàng có khó khăn, có nguy cơ thì các ngân hàng khác có trách nhiệm cùng tham gia hỗ trợ. Với sự bảo đảm của pháp luật, của cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước, còn các ngân hàng khác vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ sẵn sàng cùng tham gia, hỗ trợ giải quyết vấn đề khó khăn chung. Cho nên người dân có thể yên tâm dựa trên các cơ sở từ quy định pháp lý cho đến cơ chế chính trị, cơ sở thực tế giải quyết các vụ việc tương tự.
Phóng viên: Vậy pháp luật quy định cụ thể ra sao để đảm bảo quyền lợi người gửi tiền?
Luật sư Trương Thanh Đức: Về cơ chế bảo đảm chung, Luật Các tổ chức tín dụng đã có tới 54 lần nhắc đến từ “an toàn” đối với các tổ chức tín dụng nói chung và đối với an toàn tiền gửi của khách hàng nói riêng.
Điều 146 Luật các tổ chức tín dụng quy định như sau: Khi ngân hàng đang thực hiện phương án cơ cấu lại mà có nguy cơ mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống thì sẽ được Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi và các ngân hàng thương mại cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản.
Khoản vay đặc biệt này được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác, kể cả các khoản nợ có tài sản bảo đảm của các ngân hàng (trong bối cảnh bình thường thì khoản nợ có tài sản bảo đảm được ưu tiên cao nhất). Như vậy, các ngân hàng thương mại có cơ sở yên tâm cho vay để hỗ trợ.
Phóng viên: Trong trường hợp ngân hàng thương mại không chi trả được tiền cho khách hàng thì quyền lợi của khách hàng được đảm bảo ra sao?
Luật sư Trương Thanh Đức: Quy định rõ ràng nhất để bảo vệ người gửi tiền là trong Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012. Theo đó, các tổ chức tín dụng đều phải tham gia bảo hiểm tiền gửi. Trong trường hợp ngân hàng thương mại không chi trả được cho người gửi tiền thì Bảo hiểm tiền gửi (tổ chức của Nhà nước) sẽ chi trả tiền bảo hiểm.
Luật Bảo hiểm tiền gửi chứa đựng một mục tiêu mong muốn là “bảo toàn tiền gửi”. Và trên thực tế, nó đã và đang được vận hành để bảo đảm an toàn và giữ vững sự ổn định của cả hệ thống ngân hàng. Nói cách khác, không chỉ dựa vào mỗi khoản bảo hiểm tiền gửi, mà việc chi trả còn được thực hiện bằng nhiều giải pháp khác đã được chứng minh trên thực tế, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Như vậy, có thể nói xét về pháp luật trong bối cảnh thực tế, ngay cả trường hợp xấu nhất thì người gửi tiền sẽ được Nhà nước bảo đảm quyền lợi ở mức cao nhất.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Luật sư!