Tương lai Fintech trong mối quan hệ hợp tác với ngân hàng và các xu thế công nghệ mới

Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 16:07, 12/10/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Là tên gọi của Hội thảo chuyên đề diễn ra vào sáng ngày 12/10 nằm khuôn khổ Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2022 do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Tập đoàn IEC (IEC Group) phối hợp tổ chức.

Nâng cao gắn kết giữa các hệ sinh thái dịch vụ của ngân hàng – Fintech

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA khẳng định, công nghệ tài chính (Fintech) đã trở thành hiện tượng, xu thế phát triển nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp tài chính, các nhà đầu tư cũng như các cơ quan quản lý của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. 

Fintech đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng lớn trên toàn cầu, góp phần thay đổi bộ mặt của lĩnh vực tài chính trên thế giới. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, triển vọng phát triển Fintech tại Việt Nam rất lớn, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo, quản lý rủi ro, đặc biệt là an ninh thông tin và an ninh mạng cho cả ngành tài chính. 

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA, phát biểu khai mạc hội thảo

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, lĩnh vực Fintech của Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều bước tiến đáng chú ý nhờ áp dụng mạnh mẽ các giao thức kỹ thuật số trong kinh doanh, sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử và quyết tâm thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số từ phía Chính phủ. 

Theo bảng xếp hạng trung tâm Fintech toàn cầu năm 2021, điểm Fintech của Việt Nam xếp hạng 70 thế giới, trong đó TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội xếp lần lượt thứ 28 và 33 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là thành quả đáng khích lệ với một thị trường Fintech non trẻ như Việt Nam, cho thấy Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong khoảng thời gian gần đây.

Xu hướng này sẽ còn được tiếp tục khi theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), giá trị thanh toán qua thiết bị di động tại Việt Nam dự kiến tăng gần 4 lần, từ 16 tỷ USD vào năm 2016 lên đến 70,9 tỷ USD vào năm 2025.

Tại Việt Nam, những doanh nghiệp Fintech đầu tiên đã được NHNN cấp phép hoạt động từ năm 2008, song chỉ hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực thanh toán, chuyển tiền. Tuy mới xuất hiện, nhưng các doanh nghiệp Fintech phát triển rất nhanh về số lượng và quy mô. 

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA: "Các công ty Fintech là động lực khiến các ngân hàng thương mại chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng và khắt khe hơn của khách hàng, từ đó thu hút các khách hàng mới và tạo lợi thế cạnh tranh cho ngân hàng".

Theo Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), số lượng các doanh nghiệp Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam hiện nay đã tăng gần 4 lần, từ 40 doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm 2016.

Bên cạnh đó, tính đến ngày 16/11/2021, có 46 tổ chức phi ngân hàng đã được NHNN cấp phép để cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, bao gồm chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử, cổng thanh toán, hỗ trợ chuyển tiền kiều hối, hỗ trợ thu hộ/chi hộ, ví điện tử (NHNN, 2021).

“Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các công ty Fintech trong thời gian qua chắc chắn là một thách thức đối với các ngân hàng truyền thống. Cập nhật xu hướng phát triển của thế giới, ngành Ngân hàng Việt Nam đã và đang tích cực chuyển đổi mô hình sang ngân hàng số. Và để triển khai được mô hình ngân hàng số, đòi hỏi phải có sự phối hợp cùng các công ty Fintech trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng”, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, các công ty Fintech là động lực khiến các ngân hàng thương mại chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng và khắt khe hơn của khách hàng, từ đó thu hút các khách hàng mới và tạo lợi thế cạnh tranh cho ngân hàng. 

Tuy nhiên, sự xuất hiện của công ty Fintech có thể khiến hệ thống ngân hàng phải đối mặt với các rủi ro về thị phần, lợi nhuận; sự tăng cường hoạt động Fintech dẫn tới gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các bên tham gia thị trường (ngân hàng, công ty Fintech và các thành phần khác) và cơ sở hạ tầng của thị trường dẫn đến gia tăng rủi ro hoạt động... . 

Trong số những kịch bản dự kiến về mô hình hoạt động ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số không chỉ có sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech mà còn có mô hình ngân hàng truyền thống tự hiện đại hóa, số hóa các dịch vụ hiện hành bằng cách ứng dụng các xu hướng công nghệ mới như Cloud Computing, Big Data, AI…

“Tương lai của Fintech trong xu hướng hợp tác với ngân hàng và các xu thế công nghệ mới sẽ như thế nào? Tôi hy vọng, hội thảo chuyên đề này là một cơ hội để các diễn giả, các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận sôi nổi để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi trên cũng như tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả trong quan hệ hợp tác giữa Fintech và hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và nâng cao gắn kết giữa các hệ sinh thái dịch vụ của ngân hàng – Fintech”, TS. Nguyễn Quốc Hùng đặt câu hỏi gợi mở.

Ngân hàng số - sự hợp tác ngân hàng và Fintech  

Ông Nguyễn Hữu Quang, Tổng Giám đốc Ngân hàng số Cake by VPBank chia sẻ kinh nghiệm, VPBank đã hợp tác với BE Group để tạo ra hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, từ các dịch vụ tài chính như chuyển tiền, vay tiền, tiết kiệm, đầu tư, thẻ tín dụng… tới nhu cầu khác như vận chuyển, giao hàng, giao đồ ăn, đặt vé máy bay và các giá trị gia tăng khác. Đến nay, chỉ trong vòng 20 tháng, ngân hàng số này đã có 2,3 triệu khách hàng - con số ấn tượng trong một thời gian ngắn kỷ lục nếu so với ngân hàng truyền thống.  

Toàn cảnh hội thảo

“Có nhiều cách triển khai ngân hàng số, tuỳ phân khúc khách hàng và mô hình kinh doanh để lựa chọn. Chúng tôi tiếp cận phân khúc khách hàng, sau đó xác định mô hình kinh doanh và lựa chọn công nghệ. Chúng tôi thực hiện các khảo sát riêng và xác định nhu cầu của nhóm khách hàng mục tiêu. Chẳng hạn, khách hàng thuộc thế hệ Gen Z thường muốn giao dịch nhanh chóng, ngay tức thì, không muốn xếp hàng, quy trình đơn giản, không phải sao kê hay muốn xác minh tại nhà hoặc tại cơ quan, không muốn điền nhiều giấy tờ, đồng thời phải tạo được sự tin tưởng, an toàn. Từ đó, chúng tôi đưa ra mô hình kinh doanh, lựa chọn công nghệ”, ông Nguyễn Hữu Quang phân tích.

Yếu tố để ngân hàng số thành công là phải chú trọng trải nghiệm khách hàng và cung cấp sản phẩm tạo nên sự khác biệt, năng lực triển khai nhanh. Thực tế, Cake by VPBank có thể triển khai nhanh chóng các sản phẩm mới chỉ trong vòng 2 tháng, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Việc ứng dụng AI, Big Data, eKYC… giúp ngân hàng hiểu được hành vi khách hàng để thiết kế sản phẩm đơn giản, không cần giấy tờ phức tạp và đặc biệt hữu ích trong việc triển khai những sản phẩm phức tạp hơn như sản phẩm cho vay, thẻ tín dụng.

VPBank đã kết hợp với BE Group để triển khai cho vay đối với nhóm tài xế công nghệ, giúp họ giải quyết được nhu cầu vay vốn, hạn chế tình trạng vay tín dụng đen. 

Sản phẩm thẻ tín dụng đồng thương hiệu giữa BE và VPBank rất thuận tiện cho khách hàng, chỉ mất 5 phút để phê duyệt, phát hành thẻ ngay trên ứng dụng. Khách hàng sử dụng được ngay và được chiết khấu 20% khi sử dụng dịch vụ của BE và hưởng nhiều ưu đãi trên các sàn thương mại điện tử. Nhờ Big Data, chỉ trong 3 ngày đầu triển khai sản phẩm, có 50.000 hồ sơ gửi về để mở thẻ. 

Trong khi đó, ông Vũ Trần, Giám đốc Kinh doanh Doanh nghiệp Amazon Web Services cho rằng, điện toán đám mây là bệ phóng quan trọng trong phát triển ngân hàng số. Nhiều dự án rút ngắn thời gian triển khai nhờ điện toán đám mây. Những ngân hàng số tại Việt Nam chỉ mất chỉ mất từ 6 – 9 tháng từ khi thiết lập đến khi đưa ra thị trường. Năng lực tính toán lớn giúp chúng ta cân nhắc các bài toán rủi ro thị trường, pháp lý để hoạt động hiệu quả hơn.

Ông Dilip Krishman, lãnh đạo toàn cầu – Giám đốc thực hành chuyển đổi kỹ thuật số, Bộ phận dữ liệu và dịch vụ, Mastercard

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Dilip Krishman, lãnh đạo toàn cầu – Giám đốc thực hành chuyển đổi kỹ thuật số, Bộ phận dữ liệu và dịch vụ, Mastercard đánh giá ngân hàng truyền thống thường có thương hiệu mạnh, lâu đời, có sự tin tưởng của khách hàng, tệp khách hàng lớn, có dữ liệu khách hàng phong phú, có lợi thế về nguồn lực tài chính, nhân sự sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi. Tuy nhiên, ngân hàng truyền thống cũng có những nhược điểm ví dụ như chi phí vận hành lớn, quá trình ra quyết định phải qua nhiều cấp, khá thận trọng. Trong khi đó, ngân hàng số có ưu điểm tận dụng công nghệ mới như AI, Sinh trắc học, Big Data, AI, Cloud… để thúc đẩy nhanh quá trình phát triển sản phẩm, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. 

Ước tính việc vận hành ngân hàng số có thể tiết giảm từ 40 – 70% chi phí vận hành so với ngân hàng truyền thống. Do đó, việc hợp tác giữa các công ty Fintech và ngân hàng truyền thống là rất quan trọng, giúp các bên phát huy thế mạnh, khắc phục những yếu điểm để phục vụ khách hàng tốt hơn. 

Bùi Trang - Quỳnh Lê