Nghiên cứu về hoạt động ngân hàng và khủng hoảng tài chính được vinh danh tại Nobel Kinh tế 2022
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 08:33, 15/10/2022
“Cuộc đại suy thoái những năm 1930 làm tê liệt nền kinh tế thế giới trong nhiều năm và để lại những hậu quả to lớn về mặt xã hội. Tuy nhiên, chúng ta đã làm tốt hơn trong các cuộc khủng hoảng tài chính sau đó, nhờ nghiên cứu của những người đạt giải thưởng kinh tế năm nay, Ben Bernanke, Douglas Diamond và Philip Dybvig. Họ đã chứng minh tầm quan trọng của việc ngăn chặn vỡ nợ ngân hàng hàng loạt”, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nhấn mạnh khi công bố giải Nobel Kinh tế năm 2022.
Các công trình của Diamond và Dybvig đã trở thành nền tảng của lý thuyết hiện đại về hoạt động ngân hàng, trong khi vai trò của khu vực ngân hàng trong các cuộc khủng hoảng kinh tế được Bernanke chỉ ra dựa trên ví dụ về cuộc Đại suy thoái và các biện pháp đối phó rút ra trên cơ sở các kết luận này đã mang lại thành công trong cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cú sốc đại dịch COVID-19 từ năm 2020.
Ben Bernanke rất nổi tiếng với tư cách là người từng đứng đầu Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giai đoạn 2006 - 2014. Cũng trong giai đoạn này, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra và FED đã phải đối mặt với nó.
Giải Nobel Kinh tế dành cho một chính trị gia là hiện tượng bất thường nhưng Bernanke đã nhận được giải thưởng này. Ông nhận được nó không phải vì chống đỡ cuộc khủng hoảng tài chính với tư cách là người đứng đầu FED mà với tư cách là tác giả của nhiều nghiên cứu khoa học, có ảnh hưởng lớn đến việc tìm hiểu nguyên nhân của các cuộc khủng hoảng kinh tế. Những nghiên cứu này sau đó, được “kiểm định” trên thực tế trong cuộc khủng hoảng năm 2008 và đại dịch COVID-19 năm 2020.
"Một số nhà kinh tế học trở thành chính trị gia, nhưng thật khó để tưởng tượng một nhà kinh tế học mà sự nghiệp chính trị lại bao gồm việc thực hiện và áp dụng những kiến thức mà ông ấy đã tích lũy được trong lĩnh vực học thuật", Alex Tabarrok, giáo sư kinh tế tại George Mason University và đồng tác giả của blog “Marginal Revolution”, viết về Bernanke.
Ngân hàng, hoảng loạn và khủng hoảng
Bernanke là tác giả của các công trình đã trở thành chìa khóa để hiểu về các cơ chế của cuộc Đại suy thoái những năm 1930. Trước đó, người ta tin rằng chính sách của FED là nguyên nhân. Nếu Fed in nhiều tiền hơn, thì cung tiền sẽ không bị thu hẹp và cuộc khủng hoảng sẽ không xảy ra. Bernanke có phần chia sẻ quan điểm này, nhưng tin rằng nó không giải thích được cả chiều sâu hay thời gian của cuộc Đại suy thoái. Trong ba năm, sản xuất công nghiệp ở Mỹ giảm gần một nửa và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 25%; cuộc khủng hoảng nhanh chóng lan rộng khắp thế giới, từ Nam Mỹ đến châu Âu, châu Úc, ở khắp mọi nơi, gây ra sự suy giảm nghiêm trọng trong ngành công nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng bất thường.
Ben Bernanke
Ben Bernanke nhận bằng Tiến sĩ kinh tế tại MIT. Ông giảng dạy tại Standford Graduate School of Business, New York University, MIT và Princeton University từ năm 2002 đến năm 2005. Là thành viên của Hội đồng Thống đốc của Fed, và từ tháng 6/2005 đến tháng 1/2006, ông là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của tổng thống Mỹ. Sau đó, ông đứng đầu FED trong hai nhiệm kỳ từ 2006 đến 2014. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, FED đã thực hiện các bước chưa từng có bằng cách khởi động chương trình nới lỏng định lượng. Dưới thời Bernanke, bảng cân đối kế toán của FED đã tăng từ 1.000 tỷ USD lên 4.000 tỷ USD và lãi suất ngắn hạn gần bằng không.
Bernanke cũng tăng cường tính minh bạch trong các quyết định của FED. Ông bắt đầu tổ chức các cuộc họp báo hàng quý để giải thích các quyết định của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) và tích cực sử dụng hướng dẫn chính sách (Fordward Guidance) về các động thái trong tương lai của chính sách tiền tệ.
Bernanke là tác giả của hàng chục bài báo khoa học về chu kỳ kinh doanh, kinh tế vĩ mô, tác động của thị trường tài chính đối với biến động kinh tế, lạm phát mục tiêu và cuộc Đại suy thoái. Trong số các đồng tác giả của ông có giáo sư Alan Blinder của Princeton University. Các công trình chung của họ là về cơ chế truyền dẫn của chính sách tiền tệ. Ngoài ra, cùng với giáo sư Frederick Mishkin của Columbia University, Bernanke đã viết một số bài báo biện minh cho tính khả thi của các chính sách lạm phát mục tiêu và các bài viết với giáo sư Mark Gertler thuộc New York University về ổn định tài chính và chính sách tiền tệ.
Bernanke trong tác phẩm nổi tiếng nhất của ông trong thời kỳ đó, xuất bản năm 1983 (Non-Monetary Effects of Financial Crisis in the Propagation of the Great Depression - Các tác động phi tiền tệ của cuộc khủng hoảng tài chính trong việc lan truyền Đại suy thoái) và ghi nhận trong thông điệp của Ủy ban Nobel, đã chỉ ra rằng tác nhân gây ra cuộc Đại suy thoái là sự sụp đổ chức năng trung gian tài chính - không chỉ sự suy giảm cung tiền do sự “tháo chạy” của những người gửi tiền và sự vỡ nợ của các ngân hàng (như Milton Friedman, người đoạt giải Nobel năm 1976 đã giải thích), mà cả sự sụp đổ của hoạt động tín dụng, vốn không thể kiềm chế bằng cách đơn giản là in tiền.
Các ngân hàng không thể cung cấp cho nền kinh tế nguồn lực cần thiết để duy trì mức sản lượng, hay nói cách khác, cơ chế chuyển tiết kiệm (tài sản của người gửi tiền) thành đầu tư (tín dụng) đã bị phá vỡ. Trong bối cảnh ngân hàng vỡ nợ, người gửi tiền đã tìm cách rút tiền gửi. Đến lượt mình, các ngân hàng, khi đối mặt với sự rút tiền ồ ạt của người gửi tiền, sẽ đầu tư vào các tài sản có thể nhanh chóng chuyển đổi thành tiền mặt hơn là các khoản cho vay đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình.
Hai kết luận được đưa ra sau đó. Thứ nhất, sự sụp đổ kinh tế là hậu quả của sự sụp đổ ngân hàng, chứ không phải ngược lại như người ta vẫn nghĩ trước đây. Thứ hai, mối quan hệ ngân hàng với người đi vay là một loại vốn tri thức (ngân hàng hiểu người đi vay, thu nhập của họ,...) bị phá hủy ngay khi ngân hàng gặp sự cố và không thể nhanh chóng khôi phục bằng cách chuyển thông tin về người đi vay cho ngân hàng khác. Có nghĩa là, sẽ mất nhiều thời gian để khôi phục hệ thống ngân hàng (và cho vay) nếu nó sụp đổ và sự phục hồi này sẽ không thể bắt đầu cho đến khi nhà nước thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự hoảng loạn của ngân hàng.
Năm 2008, Bernanke đã phải trực tiếp áp dụng kết luận này vào thực tế khi “bơm” đầy thanh khoản cho các ngân hàng. "Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra giống như một cơn hoảng loạn ngân hàng cổ điển", Bernanke mô tả trong cuốn sách Firefighting the Financial Crisis and Its Lessons (Chống đỡ cuộc khủng hoảng tài chính và bài học kinh nghiệm), đồng tác giả với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson và Timothy Geithner, người kế nhiệm Paulson vào năm 2009.
Cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn được cho là đã khơi mào cho cuộc khủng hoảng, nhưng mọi tính toán đều cho thấy rằng ngay cả khi những chủ sở hữu các chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp (Mortgage-Backed Securities, MBS) vỡ nợ, khoản lỗ sẽ dễ dàng được hấp thụ bởi bộ đệm vốn của các ngân hàng và những người cho vay khác. Bernanke và các đồng tác giả của ông đã viết và so sánh tình huống với “Hiệu ứng vi khuẩn đường ruột E. Coli”, khi những tin đồn về việc phát hiện vi khuẩn E.Coli trong bánh Hamburger đã làm người tiêu dùng sợ hãi đến mức từ chối tất cả các loại thức phẩm thịt.
“Khả năng gây hoảng sợ không bao giờ có thể được loại bỏ hoàn toàn. Thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tài chính chừng nào con người vẫn là con người”, Bernanke, Paulson và Geithner kết luận.
Trên thực tế, các kết luận thực nghiệm của Bernanke về nguyên nhân của cuộc Đại suy thoái, trùng khớp với các kết luận lý thuyết của Douglas Diamond và Philip Dybvig vào đầu những năm 1980. Douglas và Dibwig đã phát triển một mô hình lý thuyết vào năm 1983 để giúp hiểu tại sao các ngân hàng lại quan trọng như vậy đối với nền kinh tế và tại sao chúng có thể trở thành nạn nhân của các cuộc khủng hoảng ngân hàng. Douglas Diamond năm 1984 cũng chỉ ra rằng các ngân hàng, với tư cách là trung gian giữa người gửi tiền và người đi vay, thành công hơn trong việc thực hiện chức năng giám sát xã hội, đó là đánh giá mức độ tín nhiệm của người đi vay và giúp đảm bảo rằng các khoản vay được sử dụng để đầu tư sinh lời. Trước đó, các chức năng của ngân hàng được coi là đương nhiên, và các nhà nghiên cứu không tự đặt ra câu hỏi về vai trò của các trung gian tài chính trong xã hội.
Mô hình Diamond – Dibvig
Diamond và Dybvig, trong công trình nghiên cứu “Bank Runs, Deposit Insurance, and Liquidity” (“Rút tiền hàng loạt, Bảo hiểm tiền gửi và Thanh khoản”), đã đề xuất một lý thuyết, theo đó, các ngân hàng hoạt động hiệu quả và tối ưu nhất khi sử dụng tiền gửi không kỳ hạn để tài trợ cho các khoản đầu tư dài hạn (tức là, chuyển đổi kỳ hạn, maturity transformation). Sự cần thiết phải chuyển đổi như vậy được lý giải là do nhiều dự án đầu tư dài hạn, trong khi người gửi tiền coi trọng thanh khoản ngắn hạn, tức là, cơ hội rút tiền tiết kiệm tiêu dùng ngay. Tuy nhiên, những người gửi tiết kiệm không biết chính xác khi nào họ cần tiền tiết kiệm của họ.
Philip Dybvig
Philip Dibwig nhận bằng Tiến sĩ kinh tế tại Yale University. Ông giảng dạy tại Princeton University, Yale University và là giáo sư tài chính - ngân hàng tại Washington University ở St. Louis, nơi ông làm việc cho đến ngày nay. Dybvig cũng là Giám đốc Viện Nghiên cứu Tài chính tại Southwestern University of Finance and Economics, Trung Quốc, nơi ông đi du lịch vào mỗi mùa hè. Công trình nổi tiếng nhất của Dibwig là nghiên cứu chung với Douglas Diamond -“Bank Runs, Deposit Insurance, and Liquidity”- được trao giải Nobel năm nay. Tác phẩm này là một trong những tác phẩm được trích dẫn thường xuyên nhất trong lĩnh vực tài chính và kinh tế. Dybvig là tác giả của khoảng một trăm bài viết khoa học. Sở thích của Dybvig bao gồm nhạc jazz, sáng tác nhạc, chơi nhạc cụ truyền thống Trung Quốc và thái cực quyền.
Douglas Diamond
Douglas Diamond, giáo sư tài chính tại Chicago University, nhận bằng tiến sĩ kinh tế tại Yale University. Ông đã giảng dạy tại Yale University, MIT, Hongkong University of Science and Techonology và University of Bonn. Ông chuyên nghiên cứu các trung gian tài chính, khủng hoảng tài chính và thanh khoản. Ngoài Dibwig, đồng tác giả nổi tiếng nhất của ông là Raghuram Rajan, nhà kinh tế học Ấn Độ và đồng nghiệp tại Chicago University, cựu Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ. Trong số các công trình nghiên cứu chung của họ, có các nghiên cứu về cấu trúc tối ưu của vốn ngân hàng, huy động thanh khoản và tính dễ bị tổn thương tài chính, mối quan hệ của tình trạng thiếu thanh khoản với sự lây lan của khủng hoảng tài chính.
Diamond cũng là cố vấn cho phòng Nghiên cứu của FED chi nhánh Chicago và là thành viên của Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER). Năm 2012, ông nhận được Giải thưởng của Morgan Stanley và Hiệp hội Tài chính Mỹ vì những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực tài chính. Vào năm 2016, ông nhận giải thưởng của Tập đoàn CME và Viện Khoa học Toán học cho các Ứng dụng Định lượng Sáng tạo.
Vai trò của ngân hàng là tích lũy tiền tiết kiệm của người gửi tiền để tài trợ cho các khoản vay dài hạn. Do trong trường hợp này, chỉ một bộ phận người gửi tiền có nhu cầu thanh khoản ngắn hạn và sử dụng quyền rút tiền tiết kiệm trước hạn, nên ngân hàng có thể đáp ứng các nhu cầu này của người gửi tiền và đầu tư tiền tiết kiệm của họ vào các dự án sinh lời dài hạn. Đây là cách các ngân hàng tạo ra thanh khoản, Diamond và Dybvig chỉ ra.
Tuy nhiên, chính sự chuyển đổi kỳ hạn này khiến các ngân hàng dễ bị hoảng loạn. Nếu ngân hàng buộc phải thanh lý tất cả các khoản đầu tư dài hạn trước thời hạn, điều này sẽ khiến ngân hàng bị lỗ và sẽ không có đủ tiền để trang trải tất cả các khoản tiền gửi. Nếu một người gửi tiền nào đó cho rằng những người gửi tiền khác sẽ rút tiền của họ khỏi ngân hàng, do đó, buộc ngân hàng phải thanh lý sớm các khoản đầu tư dài hạn của mình, thì người gửi tiền đó sẽ muốn rút tiền gửi của mình trước khi ngân hàng hết tiền - điều này rốt cuộc có thể gây ra hoảng loạn ngân hàng. Ngay cả những ngân hàng khỏe mạnh cũng có thể đối mặt với những vấn đề như vậy. Tuy nhiên, những thất bại như vậy có thể tránh được nhờ các quy định quản lý của chính phủ - bảo hiểm tiền gửi hoặc thực hiện chức năng người cho vay cuối cùng của ngân hàng trung ương, theo kết luận của các tác giả.
Diamond, trong bài báo năm 1984 về “Financial intermediation and delegated monitoring” (Trung gian tài chính và giám sát được ủy quyền), thu hút sự chú ý của Ủy ban Nobel, đã phân tích các điều kiện cần thiết để các ngân hàng thực hiện một nhiệm vụ quan trọng khác là giám sát khả năng thanh toán của người đi vay, nhờ đó, tránh được nhiều vụ phá sản (các vấn đề về trả nợ cũng có thể phát sinh đối với những người vay có đạo đức) và theo đó, là các chi phí xã hội đáng kể. Nếu không có ngân hàng, chi phí giám sát như vậy sẽ do người vay tự chịu. Việc giảm các chi phí này cho phép chuyển các khoản tiết kiệm của hộ gia đình thành các khoản đầu tư có chi phí thấp hơn. Nhưng nếu nhiều ngân hàng sụp đỗ cùng một lúc, như trong thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930, thì chi phí trung gian tín dụng tăng mạnh đến mức phần lớn nền kinh tế ngừng hoạt động.
Tất nhiên, lĩnh vực ngân hàng là đối tượng nghiên cứu trước Diamond và Dybvig, nhưng công lao của họ là ở việc phát triển một mô hình toán học nhất quán và logic về cấu trúc ngân hàng (chứ không phải là mô tả phân tích) dựa trên dữ liệu kinh tế vi mô, là bằng chứng về một số giả định và cơ chế kinh tế trước đây về hoạt động của khu vực ngân hàng.
Công trình của Diamond và Dybvig đã hình thành nền tảng của lý thuyết ngân hàng hiện đại, một trong những trụ cột của kinh tế và tài chính, và tập trung vào kinh tế vi mô đã khiến lý thuyết này có thể áp dụng cho nhiều loại hình trung gian tài chính khác nhau, bao gồm cả các đối thủ cạnh tranh dựa trên công nghệ đối với các ngân hàng. Các tác nhân mới này thực hiện các chức năng cơ bản giống nhau và có cùng các sai sót cơ bản.
Còn công trình nghiên cứu của Bernanke về vai trò của các ngân hàng trong cuộc Đại suy thoái đã làm xuất hiện hàng loạt nghiên cứu về vai trò của thị trường tài chính và các tổ chức trung gian trong các biến động của chu kì kinh doanh và suy thoái: các cơ chế cơ bản của cuộc Đại suy thoái được Bernanke phát hiện đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc khủng hoảng tiếp theo trên khắp thế giới.
Các kết luận của những người đoạt giải Nobel 2022, được công bố vào những năm 1980, vẫn còn phù hợp và hữu ích trong nghiên cứu, thực hiện các biện pháp chống khủng hoảng ở nhiều quốc gia. Sự hoảng loạn trên thị trường tài chính trong cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008 đã khiến FED và Bộ Tài chính Mỹ phải vào cuộc và đóng vai trò là người cho vay cuối cùng để hỗ trợ khu vực ngân hàng và các cơ quan cho vay thế chấp. Cũng vậy, Ngân hàng Trung ương châu Âu, cơ quan đã giúp ổn định thị trường liên ngân hàng khu vực đồng Euro, cũng như các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, đã nhận ra sự cần thiết về sự can thiệp của chính phủ để bảo vệ khu vực tài chính.
Ngoài ra, sau cuộc khủng hoảng, các quy định quản lý ngân hàng đã được thắt chặt, trong đó, đặc biệt là các quy định về thanh khoản và các yêu cầu về vốn của ngân hàng (bao gồm yêu cầu bổ sung vốn đệm dự phòng và các hạn chế về đòn bẩy tài chính). Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng đã chỉ ra rằng các chính sách an toàn vĩ mô không chỉ tác động đến các ngân hàng truyền thống, mà còn ảnh hưởng đến các trung gian tài chính khác.
Trong cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, rõ ràng rằng, điều quan trọng là phải bảo vệ sức sống của hệ thống tài chính để giảm thiểu rủi ro gián đoạn tín dụng.
"Các can thiệp chính sách, như bảo hiểm tiền gửi, tiềm ẩn những chi phí cũng như lợi ích. Ví dụ, việc bảo vệ ngân hàng quá mức khiến các nhà băng tự tin rằng sẽ được cứu trợ trong mọi tình huống, có thể dẫn đến rủi ro đạo đức. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu của những người đoạt giải Nobel năm 2022 tiếp tục giúp các nhà hoạch định chính sách, phát hiện các cơ chế kinh tế và sự đánh đổi cần được xem xét khi thiết kế chính sách tài chính", Ủy ban Nobel lưu ý.
Mặc dù nguyên nhân của các cuộc khủng hoảng khác nhau, nhưng chỉ có điểm chung giống nhau - điều quan trọng là những người tham gia thị trường phải tin tưởng vào khả năng của các ngân hàng và các trung gian tài chính khác trong việc tái phân bổ vốn một cách hiệu quả. Công trình của Bernanke, Diamond và Dybvig cho thấy niềm tin của những người tham gia thị trường vào sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng là một thành phần quan trọng đối với hoạt động của toàn bộ nền kinh tế và ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế.
Theo Douglas Diamond, khủng hoảng xảy ra khi mọi người bắt đầu mất niềm tin vào sự ổn định của hệ thống và “lời khuyên tốt nhất là chuẩn bị sẵn sàng để khu vực ngân hàng được coi là lành mạnh và luôn khỏe mạnh, đồng thời, phản ứng một cách thận trọng và minh bạch trước những thay đổi trong chính sách tiền tệ”.