Ngân hàng Nhà nước ban hành Kế hoạch hành động về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 16:01, 15/10/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - NHNN vừa ban hành quyết định số 4670/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Theo đó, việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng nhằm xác định rõ các nội dung công việc cụ thể, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài liên quan đến việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tàm nhìn đến năm 2045.

Trên cơ sở những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài triển khai thực hiện các nhiệm vụ.

Tổ chức quán triệt, phổ biến Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ và Kế hoạch hành động này đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết (các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện).

Rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam, với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập (các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao đầu mối tham mưu lĩnh vực được phân công, các văn bản quy phạm pháp luật).

Điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phát triển kinh tế cả nước nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng (Vụ Chính sách tiền tệ đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu).

Điều hành tín dụng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu), trong đó tập trung vào một số nội dung sau: Điều hành tín dụng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất, kinh doanh.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cân đối vốn, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các lĩnh vực có thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Tổ chức triển khai các chương trình, chính sách tín dụng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại các chương trình mục tiêu quốc gia (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu), trong đó tập trung vào một số nội dung sau: Tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm góp phần phát triển các lĩnh vực, sản phẩm thế mạnh như thủy sản, lúa gạo và trái cây, hướng tới sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tích cực triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tiếp tục tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng công nghệ hiện đại gắn liền với đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán trong nền kinh tế; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng góp phần phát triển thanh toán tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (Vụ Thanh toán đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu), trong đó tập trung vào một số nội dung sau:

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng nhằm phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ tại vùng đồng bằng sông Cửu Long

Tiếp tục tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động, cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên địa bàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (Cơ quan thanh tra, giảm sát ngân hàng đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu).

Tăng cường hợp tác với Campuchia trong lĩnh vực ngân hàng (Vụ Hợp tác quốc tế đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu), trong đó tập trung vào một số nội dung sau: Tích cực phối hợp triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Quốc gia Campuchia; tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và cấp kỹ thuật nhằm chia sẻ kinh nghiệm về công tác hoạch định chính sách và quản lý hoạt động ngân hàng.

Khuyến khích, thúc đẩy thanh toán bằng đồng nội tệ tại khu vực biên giới hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trao đổi của thương nhân và cư dân biên giới nói riêng và quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước nói chung.

Đẩy mạnh công tác truyền thông các cơ chế, chính sách đối với ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Vụ Truyền thông, Thời báo ngân hàng, Tạp chí ngân hàng đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu thực hiện).

Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài căn cứ nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ và Kế hoạch hành động này của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để triển khai nhiệm vụ phù hợp với hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Định kỳ hằng năm (trước ngày 15 tháng 11), các đơn vị được giao đầu mối triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch hành động này và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long có báo cáo về tiến độ, kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đầu mối thực hiện) để báo cáo Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp theo quy định.

Bùi Trang