PGS.TS Trần Đình Thiên: Tái cấu trúc lại hệ thống tài chính để giải cơn khát vốn

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 12:30, 16/10/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Để giải “cơn khát vốn” của doanh nghiệp, PGS,TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần tái cấu trúc lại thị trường tài chính, có giải pháp cho thị trường cổ phiếu, trái phiếu phát triển lành mạnh.

PGS,TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - Ảnh: baodautu

Lý giải việc phải tái cấu trúc hệ thống tài chính, PGS,TS. Trần Đình Thiên khẳng định: “chính sách tiền tệ đang được thực hiện rất tốt, Ngân hàng Nhà nước cũng đang điều hành thị trường tiền tệ rất tốt. Nếu tình trạng này kéo dài lại không tốt cho nền kinh tế và cho chính hệ thống ngân hàng, vì ngân hàng đang làm thay rất nhiều cho thị trường tài chính, cho chính sách tài khóa”.

Thực tế cho thấy, ngân hàng vẫn là kênh cung ứng vốn (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn) cho nền kinh tế; đồng thời chính sách tiền tệ cũng là công cụ chính để kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô.

“Gánh nặng cứ dồn lên hệ thống ngân hàng và ngân hàng vẫn cứ làm tốt thế này thì rất gay go”, PGS,TS. Trần Đình Thiên nêu quan điểm.

Do đó, để thị trường tài chính phát triển cân đối, giúp nền kinh tế ổn định và tạo động lực mới, vị chuyên gia này khuyến nghị: “phải tái cấu trúc lại thị trường tài chính, cần có giải pháp thị trường cổ phiếu, trái phiếu phát triển lành mạnh. Có như thế mới giải được cơn khát vốn, doanh nghiệp, có kênh vốn dài hạn. Khi đó, thị trường tài chính mới phát triển cân đối”.

Trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang “khát vốn”, PGS, TS. Trần Đình Thiên khuyến nghị phải dùng chính sách tài khóa nhiều hơn, dùng thị trường vốn nhiều hơn. Dưới áp lực lạm phát và lãi suất tăng trên thế giới, Việt Nam cũng không thể không tăng lãi suất.

Nhưng nếu tăng lãi suất thì sẽ tăng gánh nặng cho doanh nghiệp. Vì vậy, để doanh nghiệp có vốn và hệ thống ngân hàng an toàn hơn, PGS, TS. Trần Đình Thiên đề nghị dùng ngân sách để hỗ trợ lãi suất, mà hỗ trợ lãi suất không chỉ là 2% mà còn hơn thế.

“Cần đặc biệt chú ý đến cấu trúc phát triển: vừa hỗ trợ phát triển thị trường tài chính, vừa phục vụ doanh nghiệp. Tình thế bất thường thì giải pháp phải khác thường. Ta cứ tuân theo giải pháp thông thường thì không hỗ trợ được vấn đề”, PGS,TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Đánh giá về cộng đồng doanh nghiệp, vị chuyên gia này cho rằng “doanh nghiệp là tài sản quốc gia, là tài sản quốc gia thì cần được bảo vệ”. Những năm qua, doanh nghiệp đã có những bước phát triển rất nhanh, có nhiều đóng góp rất quan trọng cho nền kinh tế, cho đất nước.

Thế nhưng Việt Nam vẫn còn quá ít doanh nghiệp lớn và những tập đoàn mạnh, số đông (hơn 97%) vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa mà trong đó phần nhiều là siêu nhỏ. Tuổi đời doanh nghiệp còn quá ngắn. Thực tiễn thế giới cho thấy để một doanh nghiệp lớn mạnh vươn ra toàn cầu thì phải mất 30 - 40 năm. Để vững mạnh thì cũng phải 20 năm trở lên. Đặc biệt, để đất nước giàu mạnh thì phải dựa nhiều vào các doanh nghiệp: công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất và chế biến chế tạo…

PGS,TS. Trần Đình Thiên cho rằng, không thể có nền kinh tế độc lập và tự chủ nếu không có lực lượng doanh nghiệp khỏe. Quốc gia không cường thịnh nếu thiếu vắng các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Các tập đoàn này sẽ là các trụ cột của nền kinh tế, là xương sống, là người tạo ra các chuỗi để dẫn dắt các doanh nghiệp khác phát triển

“Lúc này cũng là lúc tái cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp và có các chính sách và ứng xử phù hợp hơn để lực lượng doanh nghiệp phát triển mạnh” PGS,TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh và đề nghị: “việc cần làm là khuyến khích doanh nhân Việt, doanh nghiệp Việt phát triển hơn. Khuyến khích họ tiếp tục dùng lợi nhuận mà họ tạo ra, dùng nguồn lực của họ tiếp tục đầu tư, tạo cơ hội việc làm, tạo ra sản phẩm, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, mang lại lợi ích cho đất nước và đưa đất nước phát triển”.

Tri Nhân