Đảm bảo tính khả thi để các chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 16:42, 23/10/2022
Hình minh họa |
Theo Báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%.
Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định; tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt khoảng 11%, tập trung nhiều cho sản xuất kinh doanh.
Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; khu vực dịch vụ phát triển sôi động trở lại nhờ kiểm soát được dịch bệnh. Sự phục hồi kinh tế diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương, trong đó nhiều địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao.
Các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp thua lỗ, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả kéo dài đã và đang được quyết liệt tháo gỡ, xử lý; thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt kết quả tích cực. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát an toàn. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam...
Qua thảo luận tại tổ, các đại biểu cho rằng, để có được kết quả đó, các đại biểu đánh giá cao kết quả điều hành của Chính phủ cũng như các bộ, ngành; song song với đó là sự đồng hành, hỗ trợ rất kịp thời, hiệu quả của Quốc hội; sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và đặc biệt là nỗ lực của đội ngũ doanh nghiệp
Phát biểu tại phiên họp tổ, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam), mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng bức tranh về kinh tế - xã hội trong 9 tháng và dự kiến cả năm có thể nói là diện mạo khởi sắc, khả quan, toàn diện, cơ bản các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội chúng ta đạt. Tốc độ tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 8,83%, cao nhất từ năm 2011 trở lại đây.
Theo đại biểu, để đạt được tốc độ tăng trưởng như trên là một sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò có tính chất quyết định là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ban Chấp hành Trung ương, sự chủ động, kịp thời của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và sự vào cuộc hết sức quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương.
Dù đánh giá kinh tế vĩ mô đạt được những kết quả tích cực nhưng đại biểu Trần Văn Khải đề nghị Chính phủ cần báo cáo, phân tích làm rõ hơn nữa thực trạng, những nguyên nhân khách quan, chủ quan của sự phát triển nền kinh tế-xã hội trong thời gian qua, đặc biệt liên quan đến các vấn đề: đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn; chương trình phục hồi kinh tế, Nghị quyết 43 của Quốc hội được triển khai rất chậm; thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; thực trạng, khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ; tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển sang khu vực tư nhân có hiện tượng tăng cao; chuyển đổi số, kinh tế số; tiến độ phê duyệt quy hoạch điện 8; tình hình thực hiện dự toán năm 2022.
Đánh giá về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho rằng, Quốc hội và Chính phủ đã rất nỗ lực ứng phó với những diễn biến khó lường của tình hình trong nước và quốc tế, đưa ra những quyết sách đúng đắn, bước đầu đem lại hiệu quả khi các chỉ số tăng trưởng đều ở mức ấn tượng. Tuy nhiên, kết quả thực hiện việc triển khai các Chương trình phục hồi kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn khiêm tốn, cụ thể, toàn bộ nguồn vốn dành cho gói hỗ trợ mới chỉ sử dụng ở cuối tháng 8, gói hỗ trợ lãi suất 2% thì mới giải ngân 1/3 kế hoạch.
Do gặp khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới khoảng 12.500 doanh nghiệp mỗi tháng, tương ứng với 12.500 ý tưởng kinh doanh đã không được hoàn thành, lượng vốn doanh nghiệp dự kiến đưa vào sản xuất kinh doanh không trở thành hiện thực. Dù đã có nhiều cải thiện môi trường kinh doanh, song trong thực tế, doanh nghiệp vẫn rủi ro do tồn tại những bất cập trong khung pháp lý, một số doanh nghiệp có tâm lý co cụm, không mạnh dạn mở rộng kinh doanh.
"Việc duy trì và mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp là nền tảng vật chất cho ổn định nền kinh tế vĩ mô", đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh và đề xuất: "việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay không chỉ là ở việc sử dụng các chính sách tài khoá tiền tệ, mà còn phải cải cách thể chế, khơi thông điểm nghẽn, đơn giản hoá các thủ tục hành chính để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi an toàn cho doanh nghiệp".
Hơn nữa, trong bối cảnh bất định thay đổi khó lường, đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị nền kinh tế quốc gia nói chung và mỗi doanh nghiệp nói riêng đều cần nâng cao năng lực tự cường, khả năng chống chịu và quản trị rủi ro, để có thể thích ứng với những thay đổi, tồn tại và lớn mạnh qua những biến cố, đảm bảo kinh tế xã hội phục hồi và phát triển theo đúng định hướng đề ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định |
Đánh giá Báo cáo về kết quả kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023 của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 được chuẩn bị hết sức kỹ càng, cẩn thận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, trong bối cảnh hết sức khó khăn, điều đáng mừng là các tổ chức thế giới đánh giá khả năng hồi phục kinh tế của Việt Nam đứng thứ nhất, thứ hai và đang đi ngược lại với thế giới. Trong khi thế giới lạm phát thì Việt Nam ổn định, trong khi thế giới suy giảm thì Việt Nam tăng trưởng, trong 2 quý gần đây thì tăng trưởng cao nhất từ 2011, với 14/15 chỉ tiêu đạt kế hoạch và vượt. Trong 9 tháng đầu năm tăng trưởng GDP đạt 8,83%, nếu 3 tháng cuối năm đạt 5,9% thì đạt 8%, vượt 5,9% thì vượt 8%, tức là vượt kế hoạch đề ra.
Tuy vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng thẳng thắn chỉ rõ, trong bối cảnh chung đó, vẫn còn 19 tỉnh, thành phố trăng trưởng dưới 6%; 44/63 tỉnh, thành phố tăng trưởng trên 6%. Với cùng cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật thì bên cạnh nguyên nhân do điều kiện thì còn ở nguyên nhân điều hành ở các địa phương. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, trong bối cảnh khó khăn đó thì những kết quả đạt được đến từ sự chỉ đạo, cố gắng của cả hệ thống chính trị, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, mặt trận, đoàn thể và của toàn thể nhân dân.
Năm 2023 dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tình hình thế giới dự báo có thể rơi vào khủng hoảng khi vừa suy giảm tăng trưởng và vừa lạm phát. Trong bối cảnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "mục tiêu quan trọng là phải bảo đảm thế kiềng 3 chân: một là, bảo đảm kinh tế vĩ mô để làm cơ sở bảo đảm kinh tế - xã hội; hai là, thúc đẩy sản xuất để tăng trưởng; ba là, bảo đảm an sinh xã hội trên nền tảng ổn định chính trị. Đây là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước, từ Trung ương xuống địa phương".