Tài chính tiêu dùng Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 08:01, 30/10/2022
Tóm tắt: Tài chính tiêu dùng do các trung gian tài chính ở Việt Nam cung cấp trong thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho các tổ chức tín dụng và khách hàng, mà còn cho cả nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều hạn chế của thị trường này cần phải tiếp tục khắc phục nhằm cải thiện hiệu quả cho vay tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng phi chính thức mà trọng tâm là tín dụng đen, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế.
Bài viết phân tích thực trạng hoạt động tài chính tiêu dùng giai đoạn vừa qua, từ đó gợi ý một số khuyến nghị giúp các tổ chức tín dụng Việt Nam phát triển được phân khúc tài chính tiêu dùng còn rất nhiều tiềm năng trong thời gian tới.
Từ khóa: công ty tài chính, tài chính tiêu dùng, tổ chức tín dụng
Thực trạng tài chính tiêu dùng ở Việt Nam
Môi trường pháp lý
Trước tháng 12/2016 nước ta chưa có khuôn khổ pháp luật riêng về hoạt động tài chính tiêu đùng (ngoại trừ hoạt động cho vay qua thẻ tín dụng được quy định tại Thông tư 19/2016/TT-NHNN). Ngày 30/12/2016, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng và Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.
Việc ban hành hai thông tư này đã tạo nền tảng bước đầu về pháp lý với hoạt động tài chính tiêu dùng. Theo đó, khái niệm cho vay tiêu dùng được quy định thống nhất là việc cho vay đối với khách hàng cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng. NHNN cũng yêu cầu chủ thể cấp tín dụng ban hành khung lãi suất áp dụng thống nhất trong từng thời kỳ, bao gồm lãi suất cho vay cao nhất, thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng nhằm đảm bảo minh bạch, công khai về lãi suất.
Để khắc phục các hạn chế phát sinh liên quan quyền lợi của người vay tiêu dùng trong tiến trình phát triển của hoạt động tài chính tiêu dùng, Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ban hành ngày 04/11/2019 đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Theo đó, trách nhiệm của công ty tài chính đã được quy định rõ ràng, cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng.
Chủ thể trên thị trường tài chính tiêu dùng
Chủ thể cấp tín dụng tiêu dùng
Tổ chức tín dụng tham gia thị trường tài chính tiêu đùng ở nước ta gồm hai nhóm chính thống là ngân hàng thương mại và công ty tài chính. Tính đến nay, cả nước có khoảng 16 công ty tài chính cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng, thị phần tập trung vào 4 công ty tài chính lớn FE Credit, Home Credit, HD Saison, Prudential Finance. Ngoài ra, còn có các công ty Fintech tham gia vào thị trường tín dụng tiêu dùng trong những năm gần đây.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân, các ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh mảng bán lẻ. Với sự phát triển của hệ thống bán lẻ hiện đại, theo chuỗi dần thay thế cho các cửa hàng riêng lẻ truyền thống giúp nhà cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với số lượng lớn khách hàng vay. Các công ty tài chính cũng ngày càng đẩy mạnh hoạt động của mình, cạnh tranh với một số mảng truyền thống của ngân hàng như thẻ tín dụng, ô tô. Một mặt các công ty tài chính phát triển sản phẩm chủ đạo là bán hàng trả góp, mặt khác từng bước phát triển sản phẩm cho vay tiền mặt.
Song song với các hình thức tổ chức tín dụng chính thống là hệ thống, tổ chức tín dụng phi chính thức. Đây là các tổ chức, hệ thống cung cấp dịch vụ tín dụng, vay vốn ngoài sự quản lý và giám sát của các cơ quan quản lý về tài chính - tiền tệ, gồm cho vay của các cá nhân, cho vay thông qua các hình thức hụi, họ, phường, hoặc cho vay của gia đình, bạn bè, người thân.
Đối với tín dụng phi chính thức, tín dụng đen là vấn đề nan giải vì đây là các khoản mục gây ảnh hưởng tiêu cực các hộ kinh doanh cá thể - đặc biệt tại vùng nông thôn (Ledgerwood và cộng sự, 2013). Hiện nay, về mặt pháp lý, Việt Nam vẫn chưa có văn bản pháp luật nào để giải thích như thế nào là tín dụng đen nhưng có thể hiểu đó là hoạt động cho vay vốn bất hợp pháp và không phù hợp với các quy định của pháp luật. Với cách hiểu như vậy có thể thấy tín dụng đen có ba đặc trưng cơ bản là (i) nằm ngoài hệ thống các tổ chức tài chính, (ii) lãi suất cắt cổ thường trên 50%/năm với lãi suất huy động và trên 100%/năm với lãi suất cho vay, (iii) điều kiện cho vay đơn giản, không dự án đầu tư, không tài sản thế chấp, không hợp đồng vay vốn, thậm chí chỉ hợp đồng bằng miệng, và (iv) gắn với các hành vi vi phạm pháp luật. (Nguyễn Thanh Cai, 2019).
Chủ thể vay tiêu dùng
Các chủ thể vay tiêu dùng được chia thành 3 nhóm sau:
Sản phẩm tài chính tiêu dùng
Sản phẩm tín dụng tiêu dùng ngày càng đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng của người dân. Từ các sản phẩm có giá trị nhỏ như xe máy, xe đạp điện, đồ gia dụng, nội thất, điện máy,... đến các sản phẩm có giá trị lớn như vay mua nhà, mua ô tô,... Cụ thể:
Trong các sản phẩm cho vay tiêu dùng chính trên thị trường, các khoản cho vay tiêu dùng lâu bền và các khoản vay cá nhân, cho vay tiền mặt đã tồn tại trong đại dịch tốt hơn các khoản vay khác. Bên cạnh nhu cầu tăng cao về tiền mặt trong thời kỳ kinh tế bất ổn, giãn cách xã hội cũng làm tăng nhu cầu tiêu dùng phục vụ mục đích làm việc và học tập từ xa, dẫn đến sự gia tăng của các khoản vay tiêu dùng lâu dài. Mặt khác, các khoản cho vay mua xe tiếp tục giảm do thị trường bão hòa và bối cảnh các đợt giãn cách vào các tháng cao điểm dịch của năm 2021. Thẻ tín dụng tăng trưởng chậm trước sự giảm tốc trên diện rộng của các công ty tài chính lớn.
Quy mô và cơ cấu tài chính tiêu dùng
Trong giai đoạn 2012-2020, tín dụng tiêu dùng đã có bước phát triển nhảy vọt cả về quy mô và chất lượng với tốc độ tăng trưởng cao hơn tăng trưởng dư nợ cho vay chung toàn nền kinh tế. Tăng trưởng bình quân của cho vay tiêu dùng giai đoạn này đạt 33,7%, trong khi tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế đạt 17,3%. Dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng đến cuối năm 2020 đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 10,15% so với cuối năm 2019 và tăng hơn 10 lần dư nợ cuối năm 2010. Về tỷ trọng dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng cũng đã tăng từ 8,17%/dư nợ nền kinh tế năm 2010 lên trên 20%/dư nợ nền kinh tế năm 2020.
Trong năm 2021, số liệu thống kê từ FiinGroup cho thấy, các khoản cho vay tài chính tiêu dùng đạt 67 tỷ USD, tương đương 18% GDP và 40% doanh thu hàng hóa bán lẻ. Sản phẩm mua ngay trả sau ở Việt Nam mới đạt giá trị ở mức 500 triệu USD vào năm 2021, tăng gần gấp đôi so với năm 2020 (đạt 270 triệu USD). Những số liệu trên cho thấy, tài chính tiêu dùng đang góp phần giúp người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế tiếp cận được dòng vốn chính thức, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Động lực tăng trưởng cho vay tiêu dùng vẫn không đồng đều giữa các bên tham gia thị trường tài chính tiêu dùng. Trong tổng khoản cho vay tiêu dùng, đóng góp của khu vực ngân hàng thương mại chiếm ưu thế với tỷ trọng trên 90%, trong khi đóng góp của khu vực công ty tài chính có sự cải thiện đáng kể từ năm 2015.
Kết quả tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng cho thấy, một mặt, hệ thống ngân hàng đã và đang tập trung phát triển hoạt động cho vay lĩnh vực này, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân, góp phần hạn chế người dân tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, giảm thiểu các hệ lụy đến an ninh trật tự xã hội. Mặt khác, đà tăng trưởng nóng của cho vay tiêu dùng giai đoạn vừa qua cũng tạo ra rủi ro tiềm ẩn với khoản nợ tín dụng với người tiêu dùng cũng như nguồn vốn tổ chức tín dụng dành cho hoạt động sản xuất-kinh doanh trong tương lai khi tỷ lệ nợ xấu tiêu dùng năm dưới tác động đại dịch Covid-19 thì lại tăng gần gấp đôi so với năm 2020, đạt nhảy vọt lên đạt khoảng 11%.
Rủi ro trong hoạt động tài chính tiêu dùng
Việc quản lý rủi ro tín dụng tiêu dùng tại các ngân hàng thương mại và công ty tài chính được thực hiện xuyên suốt từ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, cấp tín dụng, kiểm tra giám sát trong và sau khi cho vay. Tuy nhiên, để thu thập các thông tin lịch sử tín dụng của khách hàng, trung tâm thông tin tín dụng là nguồn cung cấp thông tin quan trọng nhất cho các tổ chức tín dụng. Nhưng việc sừ dụng dữ liệu từ trung tâm này gặp phải hạn chế là khó thu thập thông tin khách hàng nếu người này trước đây chưa từng có quan hệ vay nợ với các tổ chức tín dụng.
Ngoài rủi ro về thông tin khách hàng, sự thay đổi về thói quen mua sắm, thanh toán cùng với sự phát triển không ngừng của công ty fintech khởi ngiệp cũng tạo rủi ro với các tổ chức tín dụng truyền thống. Trong năm 2021, 1,3 tỷ USD đã được huy động cho fintech tại Việt Nam. Tỷ lệ sử dụng ví điện tử tại Việt Nam đạt 66% trong số những người từ 16-29 tuổi. Đây là bước tiến bộ lớn đối với các nền tảng thương mại điện tử, song cũng tạo nhiều áp lực, rủi ro cho tổ chức tín dụng trong việc khai thác phân khúc thị trường, cải tiến chất lượng sản phẩm cho vay tiêu dùng để nâng cao lợi nhuận trong khi giảm phụ thuộc vào các hoạt động kinh doanh.
Khuyến nghị phát triển tài chính tiêu dùng Việt Nam thời gian tới
Theo quy luật, khi kinh tế phát triển, tiêu dùng tăng, hoạt động đi vay để phục vụ tiêu dùng của người dân cũng tăng, phù hợp với xu thế chuyển dịch từ mô hình tăng trưởng dựa vào chi tiêu Chính phủ và đầu tư sang dựa vào tiêu dùng tư nhân. Để hoạt động tài chính tiêu dùng đạt hiệu quả cao hơn nữa, cần có những giải pháp sau đây:
Với Ngân hàng Nhà nước
Thứ nhất, hoàn thiện quy định pháp luật về tài chính tiêu dùng. Để nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo đảm an toàn minh bạch của hoạt động tài chính tiêu dùng, pháp luật về hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại, công ty tài chính ở Việt Nam cần được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện theo hướng đồng bộ với các quy định pháp luật khác trong nước, phù hợp với thông lệ quốc tế liên quan tài chính tiêu dùng; tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô vừa và nhỏ phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh thông qua việc thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ sự phát triển của tài chính vi mô, bảo hiểm vi mô, góp phần triển khai có hiệu quả chiến lược tài chính toàn diện.
Mặt khác, các bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, NHNN cần đẩy nhanh hoàn thiện quy định hướng dẫn việc các tổ chức tín dụng được khai thác, sử dụng dữ liệu quốc gia về công dân, doanh nghiệp thông qua cổng kết nối trực tiếp. Đồng thời, NHNN nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định Luật các tổ chức tín dụng về việc cung cấp, chia sẻ dữ liệu quốc gia về công dân, doanh nghiệp và các hệ thống dữ liệu quốc gia khác (đất đai, tài sản, thuế…) để góp phần lành mạnh hóa nền kinh tế.
Ngoài ra, cần tăng cường các chính sách, giải pháp và vai trò các tổ chức liên quan bảo vệ lợi ích của khách hàng vay tiêu dùng. Theo đó, việc xây dựng Luật bảo vệ người tiêu dùng tài chính và các văn bản hướng dẫn kèm theo là hết sức cần thiết. Trong đó quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính phải công khai minh bạch thông tin về sản phẩm, dịch vụ; cam kết đối xử công bằng, bình đẳng với tất cả người tiêu dùng; bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng; nhà cung cấp dịch vụ tài chính phải có cơ chế giải quyết, xử lý khiếu nại của người tiêu dùng. Các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, đề xuất việc thành lập các cơ quan chuyên trách về bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Thứ hai, hỗ trợ các tổ chức tín dụng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, dữ liệu khách hàng. Ngân hàng Nhà nước cần hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong chia sẻ dữ liệu người vay tiêu dùng và hướng dẫn việc phát triển công nghệ chấm điểm tín dụng khách hàng vay tiêu dùng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, đồng thời có quy định phù hợp về tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro khách hàng vay tài chính tiêu dùng và hệ số rủi ro trong tính tỷ lệ an toàn vốn nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển tài chính tiêu dùng hướng đến mục đích đẩy lùi tín dụng đen.
Thứ ba, nâng cao nhận thức và kỹ năng quản lý tài chỉnh cá nhãn cho người dân. Các tổ chức tín dụng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tồ chức chính trị - xã hội đế giới thiệu sản phẩm tín dụng tiêu dùng đến người dân. Khi họ có nhu cầu thì chủ thể cấp tín dụng cần tư vấn thật kỹ. Bởi vì nhiều khách hàng có thói quen không tìm hiểu hết các quy định, nghĩa vụ nên sau khi ký hợp đồng có cảm giác bị lừa gạt. Điều này có ảnh hưởng nhất định đến tính thiếu tuân thủ các điều kiện tín dụng, dẫn đến chịu lãi phạt cao và các chủ thể cấp tín dụng phải dùng nhiều biện pháp đế đòi nợ. Việc nâng cao nhận thức của người vay về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm khi tham gia tài chính tiêu dùng sẽ tạo điều kiện cho các kênh tài chính tiêu dùng phát triển an toàn, bền vững và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của nền kinh tế.
Với hệ thống tổ chức tín dụng
Thứ nhất, thành lập các công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc khai thác phân khúc khách hàng thu nhập thấp và không đạt chuẩn cấp tín dụng tiêu dùng. Việc thành lập các công ty tài chính tiêu dùng trược thộc nhằm mục đích chuyên môn hóa hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho các tổ chức tín dụng và khách hàng. Theo đó, tổ chức tín dụng có điều kiện tuyển dụng và đào tạo được đội ngũ nhân sự có tố chất và khẩu vị phù hợp với đối tượng khách hàng rủi ro cao, từ đó kiểm soát rủi ro tốt hơn. Ngoài ra, một khi số lượng các công ty tài chính tiêu dùng tăng lên nhiều sẽ buộc các công ty này phải cạnh tranh bằng việc ngày càng đơn giản hóa thủ tục, hạ lãi suất, minh bạch hóa trong cách tính lãi và phí, giảm thiểu tình trạng đòi nợ phi pháp.
Thứ hai, tăng tính chuyên biệt hóa về sản phẩm, đơn giản hóa về thủ tục cho vay. Các ngân hàng thương mại, công ty cho vay tín dụng tiêu dùng cần thiết kế được từng loại sản phẩm tài chính tiêu dùng phù hợp với từng loại nhu cầu và từng đối tượng khách hàng, Đồng thời, đơn giản hóa về thủ tục, không yêu cầu người vay phải chứng minh bằng xác nhận thu nhập mà chỉ cần kê khai nghề nghiệp, số năm làm việc và mức thu nhập hiện tại qua tin nhắn SMS để các chuyên viên tín dụng thẩm định và kiểm chứng. Các tổ chức tín dụng cần minh bạch hóa về phương pháp tính lãi trong từng sản phẩm; tránh các hành vi giả mạo hay nhờ vay giùm, thông báo đến tận email hoặc điện thoại hay các tài khoản mạng xã hội về kết quả xét duyệt cho vay của đơn vị.
Thứ ba, tăng đầu tư vào công nghệ để phòng ngừa rủi ro. Đầu tư vào công nghệ giúp tổ chức tín dụng cải thiện quy trình nghiệp vụ, giảm thiểu hoặc loại bỏ sai sót do yếu tố con người và tăng cường hiệu quả của toàn bộ hệ thống xử lý. Các công nghệ tiên tiến như OCR (nhận diện ký tự quang học) hay ICR (nhận diện ký tự thông minh) giúp đọc và nhận diện thông tin, ảnh của khách hàng trên các giấy tờ tùy thân để đối chiếu với thông tin tự khai của khách hàng nhằm đảm bảo xác thực thông tin nhanh và chính xác hơn so với tác nghiệp thủ công. Thông tin được sử dụng trong quá trình ra quyết định cho vay được cung cấp bởi khách hàng, nội bộ ngân hàng, công ty tài chính, bên thứ ba đáng tin cậy như sao kê tài khoản khách hàng,... được tích hợp để có thể tra cứu và đưa ra quyết định cho vay một cách chính xác. Nếu xây dựng được nền tảng công nghệ vững chắc, các công ty tài chính hoàn toàn có the làm tăng sự hài lòng của khách hàng nhờ việc ra quyết định nhanh chóng, loại trừ sự gián đoạn trong xử lý do giới hạn về thời gian làm việc, thay đổi nhân sự,... đối với các sản phẩm cho vay được số hóa.
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Thanh Cai (2019), Giải pháp ngăn chặn hữu hiệu hoạt động tín dụng đen, Tạp chí Tài chính tháng 6/2019
- Đoàn Thị Thanh Hương và Vũ Mai Chi (2020), Đánh giá giải pháp ngăn chặn tín dụng đen thời gian qua và một số khuyến nghị, Tạp chí Ngân hàng số 23/2019
- AB Luckman (2015), The Relationship Between Consumer Lending and Economic Growth, ir.library.oregonstate.edu
- Hong Peng (2019), The Impact of Consumer Credit on Economic Growth Taking Tongren City of Guizhou Province as an Example, https://doi.org/10.2991/iccese-19.2019.378, truy cập 5/8/2022
- Ledgerwood và cộng sự (2013), The New Microfinance Handbook: A Financial Market System Perspective, Washington, DC: World Bank