Diễn biến thị trường hàng hóa thế giới quý III/2022 và những dự báo

Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 16:32, 31/10/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 26/10/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo định kỳ về tình hình thị trường hàng hóa trên toàn cầu trong bối cảnh lạm phát tăng cao và tác động tiêu cực của chiến sự tại Ukraine.

Giá cả hàng hóa thiết lập mặt bằng mới

Báo cáo nhận định, nhu cầu tăng cao sau đại dịch COVID-19 và xung đột quân sự Nga - Ukraine đã đẩy mặt bằng giá cả lên đỉnh cao trong những thập kỷ gần đây. Sau đó, giá cả của hầu hết các mặt hàng đã hạ nhiệt do kinh tế toàn cầu tăng chậm và bóng ma suy thoái toàn cầu đang cận kề. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá có sự khác biệt giữa các mặt hàng, tùy thuộc vào nguồn cung và khả năng đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, nhiều đồng bản tệ mất giá so với USD cũng là yếu tố duy trì mặt bằng giá cả ở mức cao. 

Từ tháng 2 đến tháng 9/2022, dầu thô Brent đã giảm giá gần 6%. Tuy nhiên, do nhiều đồng bản tệ mất giá, gần 60% số nước mới nổi và đang phát triển phụ thuộc vào dầu nhập khẩu chứng kiến xu hướng tăng giá dầu trong thời kỳ này, tới 90% số nước thuộc nhóm quốc gia này cũng ghi nhận xu hướng tăng giá bột mỳ tính theo đồng bản tệ khi đối chiếu với giá USD. Hậu quả là, khủng hoảng năng lượng và thực phẩm tại nhiều nước đang trở nên trầm trọng.

Sau khi chao đảo mạnh do tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine, giá dầu diễn biến với sự khác biệt đáng kể. Trong quý III/2022, giá dầu Brent giảm sâu do điều kiện tài chính toàn cầu khắt khe hơn và những lo ngại về khả năng kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái vào năm 2023. Giá dầu đã chao đảo trở lại sau thông báo của OPEC ngày 05/10 về quyết định giảm sản lượng dầu mục tiêu tới 2 triệu thùng dầu/ngày. Trong tháng 8/2022, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã lập kỷ lục trong lịch sử do lượng khí đốt nhập khẩu từ CHLB Nga giảm sâu và nhiều nước cấp tập xây dựng năng lực dự trữ. Sau khi lượng khí đốt dự trữ đã đạt mục tiêu đề ra và nhu cầu sụt giảm, giá khí đốt tự nhiên bắt đầu hạ nhiệt. Trái lại, giá than tiếp tục tăng trong quý III/2022, khi nhiều nước chuyển sang than đá để thay thế khí đốt tự nhiên. Trong bốn quý vừa qua, giá khí đốt tự nhiên và giá than tại châu Âu đã lần lượt tăng trung bình 420% và 180%.

Trong quý III/2022, giá cả các mặt hàng phi năng lượng giảm 13% so với quý trước, do kinh tế toàn cầu trầm lắng và xu hướng giảm tốc kinh tế Trung Quốc; giá kim loại quý các loại giảm 9% do mặt bằng lãi suất tăng cao trên toàn cầu; giá cả các mặt hàng nông nghiệp giảm 11%, lo ngại về khan hiếm thực phẩm trong những tháng đầu năm đang giảm dần. Hoạt động xuất khẩu từ Ukraine bắt đầu phục hồi và dự trữ các loại ngũ cốc thiết yếu vẫn ở mức cao trong lịch sử, góp phần tăng thêm nguồn dự trữ trong mùa vụ 2022-2023. Sau khi lập kỷ lục vào tháng 3/2022, giá cả các mặt hàng nông nghiệp bắt đầu hạ nhiệt, nhưng vẫn tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt nguồn cung một số mặt hàng nông nghiệp thiết yếu, thời tiết bất lợi và giá năng lượng tăng cao, mặt bằng giá cả sẽ đứng ở mức cao trong vụ mùa hiện tại.

Triển vọng, rủi ro thị trường và dự báo giá cả một số mặt hàng

Về triển vọng, sau khi tăng 60% trong năm 2022, giá năng lượng sẽ giảm 11% vào năm 2023 và tiếp tục giảm thêm 12% vào năm 2024. Yếu tố chi phối triển vọng thị trường bao gồm, kinh tế toàn cầu tăng chậm, người dân và doanh nghiệp cắt giảm mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên, lượng than cung ứng tăng trở lại. Tuy nhiên, mặt bằng giá cả đến năm 2024 sẽ cao hơn 50% so với mức giá trung bình trong 5 năm qua. Giá năng lượng tăng cao và kéo dài sẽ tiếp tục gây áp lực lạm phát, cụ thể là thông qua tác động phụ như chi phí vận tải và điện năng tăng cao. Tại những quốc gia có đồng bản tệ mất giá mạnh so với USD, áp lực lạm phát bắt nguồn từ giá cả hàng hóa sẽ tiếp tục trầm trọng thêm.

Chỉ số giá cả các mặt hàng hóa tính theo USD (năm 2010 = 100)

Các mặt hàng

Thực tế và dự báo

Tăng/giảm (1)

Thay đổi (2)

 

2020

2021

2022

2023

2024

2022

2023

2022

2023

Năng lượng (3)

52,7

95,4

151,7

134,7

118,3

59,1

-11,2

8,1

8,9

Phi năng lượng

84,4

112,0

123,7

113,7

113,0

10,5

-8,1

-9,8

-8,0

Nông nghiệp

87,5

108,7

123,2

117,7

117,5

13,4

-4,5

-4,7

-0,3

Đồ uống

80,4

93,5

108,7

101,5

101,5

6,3

-6,6

5,2

1,8

Thực phẩm

93,1

121,8

143,6

134,7

134,1

17,9

-6,2

-6,1

0,5

Dầu và các món ăn

89,8

127,1

145,7

134,3

133,7

14,7

-7,8

-19,2

-7,6

Ngũ cốc

95,3

123,8

149,3

141,0

139,8

20,6

-5,6

0,3

7,4

Thực phẩm khác

95,5

113,1

135,7

129,5

129,4

19,9

-4,5

5,4

4,7

Nguyên liệu thô

77,6

84,5

81,2

84,7

85,4

-4,0

4,3

-6,0

-3,1

Gỗ xẻ

86,4

90,4

79,8

86,4

87,6

-11,8

8,3

-6,6

-3,1

Nguyên liệu khác

67,9

78,0

82,7

82,7

82,9

5,9

0,1

-5,4

-3,2

Phân hóa học

73,2

132,2

219,5

192,2

174,1

66,1

-12,4

-4,2

-6,1

Kim loại (4)

79,1

116,4

113,8

96,5

96,9

-2,3

-15,2

-21,0

-24,1

Kim loại cơ bản (5)

80,2

117,7

121,2

103,0

103,8

2,9

-15,0

-22,7

-28,9

Kim loại quý (6)

133,5

149,2

134,6

129,7

126,7

-4,0

-3,6

-9,8

-1,8

Nguồn: WB tháng 10/2022

  1. Tăng/giảm so với năm trước;
  2. Tăng/giảm so với dự báo tháng 4;
  3. Bao gồm than (Australia), dầu thô Brent, khí tự nhiên (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản);
  4. Kể cả khoáng sản;
  5. Kể cả quặng sắt;
  6. Bao gồm nhôm, đồng, chì, thiếc, kền, kẽm.

Giá dầu Brent được dự báo giảm từ mức giá 100 USD/thùng trong năm nay xuống 92 USD/thùng vào năm 2023, sau đó tiếp tục giảm xuống mức giá 80 USD/thùng vào năm 2024. Nhu cầu tiêu thụ dầu tiếp tục tăng gần 2% vào năm 2023 khi Trung Quốc từng bước mở cửa nền kinh tế và nhiều nước tiếp tục chuyển dịch từ khí tự nhiên sang dầu, nhất là trong các nhà máy nhiệt điện.

Thị trường dầu mỏ được kỳ vọng sẽ tiếp tục thắt chặt trong những tháng tới đây khi các nước bổ sung các biện pháp trừng phạt và hạn chế nhập khẩu từ Nga, một số nước chấm dứt xả dầu từ kho dự trữ chiến lược, các nước thành viên OPEC mở rộng cắt giảm sản lượng dầu. Những yếu tố này sẽ lấn át các nỗ lực tăng sản lượng tại một số quốc gia, chủ yếu là tại Mỹ.

Triển vọng thị trường tùy thuộc vào hàng loạt rủi ro, nhất là về phía cung.

Thứ nhất, sản lượng dầu tại Mỹ có thể không như mong đợi khi các công ty sản xuất dầu ưu tiên chi trả tiền mặt cho cổ đông phần sản lượng tăng thêm và chi phí đầu vào tăng cao cản trở những dự án đầu tư mới.

Thứ hai, triển vọng sản lượng tại Nga phụ thuộc vào tác động của các biện pháp thương mại. Trong năm 2023, xuất khẩu dầu của Nga có thể giảm tới 2 triệu thùng/ngày, khi các biện pháp của Liên minh châu Âu về phong tỏa dầu và các sản phẩm dầu của Nga có hiệu lực. Đề xuất của G7 về áp trần giá dầu có thể tác động đến xuất khẩu dầu từ Nga, nhưng đây là cơ chế chưa được kiểm chứng và có thể cần sự tham gia của các nước đang phát triển và mới nổi hàng đầu để đạt mục tiêu này.

Thứ ba, động thái giải phóng lượng dầu từ các kho dự trữ chiến lược dự kiến sẽ chấm dứt vào cuối năm nay; nếu không, rủi ro sẽ phát sinh khi lượng dầu dự trữ giảm xuống mức quá thấp.

Một khi lượng dầu tồn kho giảm thấp, năng lực sản xuất hạn chế và những sự kiện địa chính trị tiếp theo, thị trường dầu sẽ dễ nhạy cảm với mức giá tăng vọt, trầm trọng thêm thách thức về an ninh năng lượng tại nhiều quốc gia.

Tương tự, giá than và khí đốt tự nhiên cũng được kỳ vọng giảm trong năm 2023 và 2024, nhưng vẫn cao hơn mức giá trung bình trước đại dịch COVID-19. Đến năm 2024, giá than của Australia và giá khí đốt tự nhiên của Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng gấp hai lần mức giá trung bình trong 5 năm qua, trong khi giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu sẽ tăng gấp 4 lần. Trong năm 2023, giá khí đốt có thể hạ nhiệt nếu nhu cầu giảm khi các hộ gia đình và doanh nghiệp cắt giảm tiêu thụ và sử dụng năng lượng thay thế, trong khi sản lượng than được kỳ vọng tăng tại Trung Quốc, Ấn Độ, và các nước xuất khẩu qua đường biển tăng sản lượng. Trong ngắn hạn, triển vọng giá than và khí đốt tự nhiên sẽ phụ thuộc nặng nề vào mức độ khắc nghiệt của mùa đông sắp tới tại châu Âu. Về dầu thô, kinh tế toàn cầu tăng chậm là yếu tố cơ bản kéo giảm giá dầu trong năm tới.

Những lo ngại về thiếu hụt năng lượng, nhất là tại châu Âu, đang đòi hỏi sự phối hợp chính sách thận trọng giữa các nước nhập khẩu chủ chốt để đảm bảo chia sẻ gánh nặng một cách công bằng khi giá năng lượng tăng cao. Ngoài ra, môi trường lạm phát và lãi suất cao sẽ cản trở dòng vốn đầu tư vào sản xuất năng lượng mới. 

Trong dài hạn, giá năng lượng ở mức cao triền miên có thể đòi hỏi sự chuyển dịch các mô hình sản xuất công nghiệp tại các nước Bắc Âu vốn đang phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu. Giá năng lượng cao đã dẫn đến tình trạng đóng cửa một số ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng, bao gồm sản xuất phân bón và hóa chất, thay đổi mô hình chế tạo. 

Sau khi giảm gần 2% trong năm nay, giá kim loại được dự báo giảm trên 15% vào năm 2023, trước khi ổn định vào năm 2024. Xu hướng giảm giá phản ánh triển vọng kinh tế yếu ớt trên toàn cầu và nhu cầu tại Trung Quốc giảm nhẹ. Trái lại, chi phí luyện kim sẽ tăng cao, nếu giá năng lượng tăng cao hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, nhu cầu về kim loại được dự báo sẽ tăng trong dài hạn, khi các nước tăng cường nỗ lực chuyển đổi năng lượng và cần nhiều loại kim loại mới.

Trong quý III/2022, giá vàng giảm 8% so với quý trước, nguyên nhân là do mặt bằng lãi suất tăng cao và USD tăng giá đã dẫn đến những lo ngại về lạm phát và rủi ro địa chính trị. Trong những tháng gần đây, nhu cầu vàng trang sức tại Trung Quốc tăng nhẹ sau khi quốc gia này nới lỏng các biện pháp phòng chống COVID-19, Ấn Độ đẩy mạnh nhập khẩu vàng trước khi thuế nhập khẩu tăng từ 7,5% hiện nay lên 12,5%, các ngân hàng trung ương tăng cường tích lũy vàng. Tuy nhiên, nhu cầu về vàng vật chất không đủ để bù đắp tác động của tiền tệ, khi mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2023. Vì thế, giá vàng được dự báo sẽ giảm 4% vào năm 2023.

Giá cả các mặt hàng nông nghiệp được dự báo sẽ giảm 5% vào năm 2023, trước khi ổn định vào năm 2024. Yếu tố tác động giảm giá nông nghiệp trong năm 2023 bao gồm: Năng suất lúa mỳ tăng cao hơn kỳ vọng, thị trường cung ứng gạo ổn định, xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine phục hồi trở lại, kinh tế Trung Quốc tăng chậm có thể kìm hãm nhu cầu tại quốc gia này. Tuy nhiên, còn nhiều rủi ro tác động đến dự báo giá cả: Rối loạn xuất khẩu từ Ukraine hoặc Nga có thể gây gián đoạn nguồn cung toàn cầu; giá năng lượng tiếp tục tăng hay rối loạn về cung ứng những mặt hàng này có thể tăng thêm áp lực lên giá ngũ cốc và thực phẩm; thời tiết bất lợi có thể gây thiệt hại mùa màng, năm 2023 có thể là năm thứ ba liên tiếp xảy hiện tượng thời tiết La Nina, ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng nông nghiệp tại Nam Mỹ và Cộng hòa Nam Phi.

Cuộc chiến tại Ukraine đã cản trở các nỗ lực giảm nghèo, tổng số người nghèo trên thế giới sẽ vượt con số 200 triệu trong năm nay, tập trung tại những nước diễn ra xung đột và quốc gia nghèo, đặc biệt là tại khu vực Cận Sahara châu Phi.

(Nguồn: WB tháng 10/2022)

Xuân Thanh