Trong tháng 10, Nhật Bản đã chi 42,8 tỷ USD để hỗ trợ đồng Yên
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 18:25, 31/10/2022
Số tiền này thấp hơn một chút so với ước tính của các nhà môi giới thị trường tiền tệ Tokyo, những người cho rằng Nhật Bản có khả năng đã chi tới 6,4 nghìn tỷ Yên trong hai ngày giao dịch liên tiếp (ngày 21 và 24/10) - các biện pháp can thiệp không báo trước.
Việc đồng Yên giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 32 năm, ở mức 151,94 Yên/USD vào ngày 21/10 có khả năng đã kích hoạt sự can thiệp này.
Tuy nhiên, số tiền này gần gấp đôi so với 2,8 nghìn tỷ Yên mà Tokyo đã chi vào tháng trước trong lần can thiệp mua và bán đồng Yên đầu tiên trong hơn hai thập kỷ.
Các biện pháp can thiệp mới nhất đã giúp kích hoạt đồng đô la giảm hơn 7 Yên ngay lập tức vào ngày 2/10 và đẩy đồng Yên lên thêm 5 Yên vào ngày 24/10 mặc dù là tạm thời, nhưng đồng tiền Nhật Bản kể từ đó đã chịu áp lực mới.
Với dữ liệu chi tiêu tiêu dùng vững chắc của Mỹ cho thấy lạm phát vẫn dai dẳng và làm giảm kỳ vọng về việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất chậm hơn, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn cam kết với lãi suất cực thấp, đồng USD đã tăng trở lại vào thứ Hai (31/10), tăng 1% và ở mức 148,45 Yên/USD.
Dữ liệu can thiệp tiền tệ của Nhật Bản, bao gồm tổng số hàng tháng được công bố vào khoảng cuối mỗi tháng và chi tiêu hàng ngày được công bố trong các báo cáo hàng quý, được theo dõi chặt chẽ để tìm manh mối về số tiền Nhật Bản có thể sẵn sàng chi tiêu khi can thiệp vào thị trường tiền tệ.
Trong khi các thị trường quan tâm đến việc xem xét mức độ sẵn sàng can thiệp của Nhật Bản, thì có rất ít nghi ngờ rằng - ít nhất là trong tương lai gần - nước này có đủ nguồn lực để tiếp tục tham gia vào thị trường.
Thật vậy, nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản, Masato Kanda, đã nói rằng không có giới hạn nào đối với nguồn lực của chính quyền để tiến hành can thiệp.
Vào cuối tháng 9, Nhật Bản nắm giữ khoảng 1,2 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối, lớn thứ hai sau Trung Quốc, trong đó khoảng 1/10 được giữ dưới dạng tiền gửi tại các ngân hàng trung ương nước ngoài và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế và có thể dễ dàng khai thác để bán USD, can thiệp mua đồng Yên.
Hơn nữa, 4/5 tổng dự trữ ngoại hối của Nhật Bản được giữ dưới dạng Trái phiếu Kho bạc Mỹ, được mua trong các đợt can thiệp mua đồng USD vào những thời điểm đồng Yên tăng giá. Đây đều là những giấy tờ có giá có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt.
Các khoản nắm giữ khác bao gồm vàng, dự trữ tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và quyền rút vốn đặc biệt của IMF (SDR), mặc dù việc mua bán từ những tài sản này sẽ mất nhiều thời gian.