Châu Âu cần tập trung giải quyết ảnh hưởng của lạm phát cao kết hợp với tăng trưởng yếu
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 10:48, 02/11/2022
Xung đột địa chính trị gây thiệt hại gia tăng đối với nền kinh tế châu Âu, tăng trưởng ngày càng suy yếu trên khắp các lục địa và lạm phát không có dấu hiệu giảm.
Theo dự báo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các nền kinh tế tiên tiến của châu Âu sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 0,6% vào năm tới, trong khi các nền kinh tế mới nổi (ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ và các nước như Belarus, Nga, Ukraine) sẽ tăng 1,7%. Con số này đã giảm lần lượt 0,7 điểm phần trăm và 1,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7.
Mùa đông năm nay, hơn một nửa quốc gia trong khu vực đồng euro sẽ trải qua những đợt “suy thoái kỹ thuật”, với ít nhất 2 quý liên tiếp sản lượng bị thu hẹp. Trong số các nước này, sản lượng sẽ giảm trung bình khoảng 1,5% so với mức đỉnh. Croatia, Ba Lan và Romania cũng tương tự, với mức suy giảm sản lượng trung bình là hơn 3%. Năm tới, sản lượng và thu nhập của châu Âu sẽ thấp hơn gần 500 tỷ euro so với dự báo của IMF trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine. Điều này cho thấy rõ những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng của châu lục do xung đột địa chính trị.
Trong khi đó, lạm phát được dự báo sẽ giảm trong năm tới nhưng vẫn ở mức cao hơn đáng kể so với các mục tiêu của ngân hàng trung ương, lần lượt khoảng 6% và 12% ở các nền kinh tế châu Âu mới nổi và tiên tiến.
Tăng trưởng và lạm phát có thể sẽ tồi tệ hơn so với những dự báo vốn đã không mấy khả quan này. Các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã nhanh chóng đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng bằng cách xây dựng kho dự trữ khí đốt, nhưng sự gián đoạn nguồn cung năng lượng có thể dẫn đến nhiều thiệt hại cho nền kinh tế.
IMF dự đoán, khi mùa đông lạnh giá kéo đến, việc ngừng hoàn toàn các dòng khí đốt còn lại của Nga đến châu Âu có thể dẫn tới tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm; tổng sản phẩm quốc nội thiệt hại tới 3% ở một số nền kinh tế miền Trung và miền Đông; đồng thời có thể kéo theo một đợt lạm phát khác trên khắp lục địa.
Ngay cả khi không có bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung năng lượng nào, lạm phát vẫn có thể cao hơn trong thời gian dài. Hầu hết sự gia tăng lạm phát cho đến nay là do giá hàng hóa cao - chủ yếu là năng lượng, bên cạnh đó là thực phẩm, đặc biệt là ở các nước vùng Tây Balkan. Mặc dù những mức giá này có thể tiếp tục tăng trong một thời gian, nhưng vẫn có khả năng ngừng, góp phần giảm và ổn định lạm phát trong suốt năm 2023.
Rủi ro lạm phát
Triển vọng Kinh tế Khu vực mới nhất của IMF cho thấy, đại dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine có thể đã làm thay đổi quá trình lạm phát cơ bản. Thêm vào đó, áp lực chi phí đầu vào gia tăng và tình trạng thiếu hụt lao động góp phần đẩy lạm phát lên cao. Điều này cho thấy, nền kinh tế có thể bớt trì trệ hơn nhưng áp lực lạm phát cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.
Những kết quả này làm nổi bật rủi ro đối với các dự báo rằng lạm phát sẽ giảm đều trong năm tới. Những tình huống bất ngờ khác bao gồm việc giảm lạm phát kỳ vọng trong trung hạn hoặc tốc độ tăng lương nhanh chóng sẽ kích hoạt một “vòng lặp phản hồi” bất lợi giữa giá cả và tiền lương.
Gần một nửa mức tăng lạm phát cơ bản gần đây của châu Âu vẫn không giải thích được bởi các tác nhân thông thường. Nguồn: IMF |
Do đó, các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang gặp khó khăn trong việc đưa ra các lựa chọn chính sách để giải quyết ảnh hưởng giữa tăng trưởng yếu kết hợp với lạm phát cao.
Tóm lại, các nước này cần thắt chặt chính sách kinh tế vĩ mô để giảm lạm phát, đồng thời giúp các hộ gia đình và các doanh nghiệp dễ bị tổn thương đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng. Trong thời điểm bất ổn như hiện nay, cần sẵn sàng điều chỉnh các chính sách theo cả hai hướng để kịp thời phản ứng với tình hình diễn biến tiếp theo. Điều này sẽ phụ thuộc vào dữ liệu có báo hiệu lạm phát cao hơn, suy thoái sâu hơn hay không.
Các ngân hàng trung ương nên tiếp tục chính sách tăng lãi suất ngay từ bây giờ. Lãi suất thực nhìn chung vẫn ở mức phù hợp, thị trường lao động được dự báo sẽ có khả năng phục hồi trên diện rộng, dự báo lạm phát trên mức mục tiêu và vẫn có nguy cơ tăng thêm.
Chính sách thắt chặt tiền tệ là cần thiết
Ở các nền kinh tế tiên tiến, bao gồm khu vực đồng euro, chính sách tiền tệ thắt chặt có thể sẽ được thực hiện vào năm 2023 trừ khi hoạt động và việc làm suy yếu hơn dự kiến, về cơ bản việc này sẽ làm giảm lạm phát kỳ vọng trong trung hạn.
Với các nền kinh tế châu Âu mới nổi thì cần một lập trường thắt chặt hơn nữa, nơi lạm phát kỳ vọng chưa ổn định, áp lực cầu mạnh hơn và tăng trưởng tiền lương cao - hầu hết lạm phát ở mức hai con số.
Hiện nay, việc tiếp tục tăng lãi suất cũng là một chính sách bảo hiểm chống lại các rủi ro, bao gồm giảm lạm phát kỳ vọng hoặc vòng lặp phản hồi bất lợi giữa giá cả và tiền lương, điều này đòi hỏi các ngân hàng trung ương hành động mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn.
Phân tích của IMF cho thấy, ở các nước châu Âu phát triển, nếu người lao động và doanh nghiệp bắt đầu thiết lập mức lương dựa trên lạm phát trong quá khứ thay vì mục tiêu của ngân hàng trung ương – như trường hợp của những năm 1990, lạm phát có thể đạt mức gần 2% vào cuối năm sau. Nếu điều này xảy ra, chính sách về lãi suất có thể cần phải tăng thêm 2 điểm phần trăm và sản lượng có thể giảm nhiều hơn 2 điểm phần trăm so với dự kiến hiện tại. Ngược lại, nếu nhu cầu tổng thể giảm nhiều hơn dự kiến sẽ dẫn đến suy thoái sâu hơn và sản lượng giảm 2 điểm phần trăm, cả lạm phát và tỷ lệ chính sách bắt buộc vào cuối năm tới có thể thấp hơn gần 1,5 điểm phần trăm so với dự đoán.
Chính sách tài khóa
Chính sách tài khóa cần cân bằng với các mục tiêu đề ra. Một trong số đó là nhu cầu xây dựng lại không gian tài khóa và trợ giúp chính sách tiền tệ trong cuộc chiến chống lạm phát. Điều này đặt ra việc củng cố tài khóa phải được tiến hành vào năm 2023 với tốc độ nhanh hơn ở hầu hết các nền kinh tế châu Âu mới nổi. Đây là các quốc gia có không gian tài chính hạn hẹp và dễ bị tổn thương trước các điều kiện tài chính thắt chặt.
Nhưng chính sách tài khóa cũng cần giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của giá năng lượng tăng cao đối với người dân và doanh nghiệp. Điều này cho thấy tốc độ củng cố tài khóa có thể phải chậm lại trong vài tháng. Giá năng lượng tăng cao hơn đã làm tăng chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình châu Âu trung bình khoảng 7% trong năm nay, mặc dù các biện pháp đã được thực hiện trên diện rộng để giảm bớt gánh nặng này.
Trong tương lai, điều quan trọng là duy trì các hỗ trợ liên quan đến nguồn năng lượng tạm thời để kiềm chế chi phí tài khóa và theo dõi chặt chẽ các tín hiệu về giá cả sẽ thúc đẩy tiết kiệm năng lượng. So với các biện pháp can thiệp về giá, giải pháp tốt hơn là hỗ trợ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình trong việc chi trả hóa đơn năng lượng. Một giải pháp thiết thực khác là kết hợp hỗ trợ qua giá hóa đơn với hỗ trợ thêm cho người nghèo thông qua hệ thống phúc lợi. Một giải pháp thay thế có thể kém hiệu quả hơn là áp dụng mức thuế cao hơn đối với mức tiêu thụ năng lượng cao hơn; cách tiếp cận như vậy không nhắm đến mục tiêu là những người dễ bị tổn thương, do vậy vẫn là phương án tốt hơn so với mở rộng giới hạn giá năng lượng và thực phẩm.
Mức độ ảnh hưởng khác nhau về giá năng lượng cao của các hộ gia đình ở EU. Nguồn: IMF |
Cuối cùng, việc thực hiện mạnh mẽ các cải cách nhằm nâng cao năng suất, giảm bớt hạn chế về nguồn cung trên thị trường năng lượng và lao động, đồng thời mở rộng năng lực kinh tế vẫn là yếu tố cần thiết để nâng cao tăng trưởng và giảm bớt áp lực giá cả trong trung hạn. Điều này bao gồm việc đẩy nhanh thực hiện gói phục hồi kinh tế trị giá 800 tỷ euro và các chương trình Thế hệ tiếp theo của EU.
Sức mạnh, sự phối hợp và đoàn kết đã giúp châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19. Lần này, châu Âu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhiệm vụ có thể hoàn thành nếu giữ được tinh thần ứng phó với đại dịch.
Dự báo nền kinh tế của châu Âu với tăng trưởng GDP thực. Nguồn: IMF |