NHNN lấy ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các TCTD
Pháp luật - Nghiệp vụ - Ngày đăng : 17:45, 02/11/2022
|
Tạo nền tảng pháp lý thúc đẩy sự phát triển các TCTD
Theo báo cáo kết quả rà soát, nghiên cứu Luật các TCTD của NHNN, kể từ khi ban hành, Luật các TCTD đã tạo nền tảng pháp lý cơ bản cho tổ chức và hoạt động của các TCTD. Trên cơ sở các quy định của Luật các TCTD, NHNN đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành, đồng thời ban hành các Thông tư hướng dẫn nhằm tạo môi trường pháp lý đồng bộ về tổ chức và hoạt động của các TCTD tại Việt Nam.
Luật TCTD đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động của các TCTD, quy định cụ thể phạm vi hoạt động của từng loại hình TCTD, trong đó lấy hoạt động của ngân hàng thương mại làm căn cứ dẫn chiếu khi quy định phạm vi hoạt động của các loại hình TCTD khác.
Cùng với đó, Luật tạo điều kiện cho các TCTD nâng cao chất lượng công tác quản trị, nâng cao năng lực quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng, từng bước tiếp cận dần với những chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Đồng thời, kiểm soát an toàn hệ thống các TCTD: các TCTD yếu kém được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ TCTD ngoài tầm kiểm soát.
Luật các TCTD đã có một số quy định về hoạt động thanh toán như: đối tượng cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản, cung ứng phương tiện thanh toán, tham gia các hệ thống thanh toán... Trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và yêu cầu thực tiễn ngày càng đa dạng của người sử dụng dịch vụ thanh toán, trên cơ sở các quy định tại Luật, Nghị định 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung) đã tạo hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Luật các TCTD mới đề cập đến hoạt động ngân hàng điện tử, chưa đề cập đến hoạt động của ngân hàng số (là một khái niệm rộng hơn khái niệm hoạt động ngân hàng điện tử). Luật các TCTD cũng chưa đề cập đến những nội dung hỗ trợ cho việc phát triển mô hình ngân hàng số như nền tảng xác thực giao dịch điện tử có tính chất pháp lý,… Một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ là nền tảng quan trọng và cần thiết cho bất kỳ loại hình dịch vụ tài chính – ngân hàng mới nào. Thực tế cho thấy quá trình phát triển ngân hàng số ở Việt Nam mới ở giai đoạn đầu, nhưng chính tốc độ phát triển nhanh chóng của ngân hàng số đã dẫn đến việc các quy định pháp lý tại Việt Nam chưa thể bắt kịp với hoạt động ngân hàng số nói chung. Hành lang pháp lý hiện hành còn nhiều quy định chưa tương thích với bối cảnh số hóa dịch vụ, chưa thực sự thúc đẩy cho phát triển ngân hàng số, thanh toán số.
Quy định về tổ chức, quản trị, điều hành và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô cần tiếp tục rà soát, tham khảo kinh nghiệm, thông lệ quốc tế để sửa đổi, bổ sung phù hợp với sự phát triển của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô.
Những hạn chế cần bổ sung, sửa đổi
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ cấu lại các TCTD, cùng với việc phát triển, thay đổi mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Luật các TCTD tiếp tục bộc lộ một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của TCTD và thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước.
Đó là vấn đề vướng mắc về các quy định liên quan đến Giấy phép, Luật các TCTD chưa có quy định đối với điều kiện về tình hình tuân thủ pháp luật và tình hình hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt nam khi đề nghị thành lập chi nhánh thứ 2 trở lên.
Quá trình thực hiện Luật các TCTD cho thấy còn một số vướng mắc về các quy định liên quan đến tổ chức, quản trị, điều hành TCTD ví dụ như các quy định về HĐQT, HĐTV, về thành viên HĐQT độc lập của TCTD là công ty cổ phần, về tổ chức, quản trị của Quỹ tín dụng nhân dân…
Ngoài ra, có nhiều vướng mắc về các quy định liên quan đến hoạt động của TCTD. Chẳng hạn, khoản 1 Điều 94 Luật các TCTD quy định TCTD phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng tài chính của mình, mục đích sử dụng vốn hợp pháp, biện pháp bảo đảm tiền vay trước khi quyết định cấp tín dụng. Tuy nhiên, trong hoạt động ngân hàng, tất cả các phương thức cấp tín dụng đều có thể áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm chứ không chỉ có phương thức cho vay. Do đó việc quy định đối với hoạt động cho vay có yêu cầu cao hơn so với các hình thức cấp tín dụng khác là không phù hợp. Đồng thời, việc áp dụng biện pháp bảo đảm có thể thực hiện trước, trong hoặc sau hoạt động cấp tín dụng, chứ không chỉ trước khi cấp tín dụng. Ngoài ra, hoạt động cho vay tiêu dùng khác biệt so với cho vay phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, vì việc sử dụng vốn vay tiêu dùng không tạo ra thu nhập, nguồn trả nợ chủ yếu từ các nguồn thu nhập khác của khách hàng. Với đặc thù hoạt động cho vay tiêu dùng, đối với khoản cho vay tiêu dùng nhỏ bằng tiền mặt thì việc yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi, mục đích sử dụng vốn, kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay tiêu dùng là không khả thi.
Một số quy định tại Luật các TCTD (Khoản 1, Khoản 3 Điều 98, Điều 100) hiện đang quy định chung hoạt động gửi tiền, cho vay giữa các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với hoạt động nhận tiền gửi, cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với tổ chức không phải là TCTD. Do đó cần quy định tách bạch thành hai mảng hoạt động riêng biệt nhau để rõ ràng, cụ thể hơn đối với hoạt động cho vay, gửi tiền giữa các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước, cũng như hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Qua nghiên cứu mô hình một số nước cho thấy, các dịch vụ ngân quỹ bao gồm bảo quản, vận chuyển, phân loại, kiểm đếm tiền cụ thể được thực hiện xã hội hóa cho nhiều chủ thể khác tham gia. Tại Việt Nam, chưa có loại hình doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ngân quỹ, vì vậy, việc nghiên cứu cho phép các NHTM được thành lập công ty hoặc góp vốn thành lập công ty dịch vụ ngân quỹ để cung cấp dịch vụ cho các TCTD là cần thiết. Hiện tại, Điều 103 Luật các TCTD chỉ cho phép ngân hàng thương mại được thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài sản bảo đảm, kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng, chưa bao gồm việc thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ ngân quỹ, gây khó khăn cho các NHTM muốn thành lập, mua lại công ty con, công liên kết để cung ứng dịch vụ ngân quỹ.
Luật các TCTD quy định các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được làm đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng cho các tổ chức, cá nhân (là bên nhận đại lý), không có quy định TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là bên giao đại lý ngân hàng. Ngân hàng thương mại thường có nhu cầu mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ thông qua mạng lưới đại lý nhằm cung ứng dịch vụ ngân hàng cơ bản một cách thuận tiện, chi phí thấp tới người dân không có tài khoản ngân hàng, ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Điều này gây ra vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng văn bản hướng dẫn Luật khi điều chỉnh các hoạt động giao, nhận đại lý trong hoạt động ngân hàng do cơ sở pháp lý cho hoạt động này chưa đầy đủ.
Về hoạt động của ngân hàng điện tử, ngân hàng số, Luật các TCTD chưa đề cập đến những nội dung hỗ trợ cho việc phát triển hoạt động cho vay qua sử dụng các phương tiện điện tử. Khái niệm ngân hàng điện tử chưa có định nghĩa đầy đủ, thống nhất. Trong khi đó, khái niệm giao dịch điện tử đã được làm rõ ở Luật Giao dịch điện tử, được sử dụng phổ biến và đang tiếp tục được hoàn thiện. Để đảm bảo phù hợp với quá trình chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, khái niệm ngân hàng điện tử cũng cần được xem xét sửa đổi cho thống nhất với pháp luật hiện hành về giao dịch điện tử. Đồng thời, Luật các TCTD chưa có khái niệm về e-KYC, chữ ký điện tử, chứng từ điện tử.
Bên cạnh đó, đến nay các Luật liên quan đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp… Do đó, một số quy định tại Luật các TCTD cần rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định của các Luật có liên quan.
Theo NHNN, việc sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn hoạt động và sự phát triển bền vững của hệ thống tổ chức tín dụng. Tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các tổ chức tín dụng; cải tiến mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng; xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo.
Đồng thời, nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD; Nâng cao chất lượng hoạt động của TCTD. Đồng thời, tạo lập nền tảng pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số của TCTD. Hoàn thiện khung pháp lý về xử lý các TCTD yếu kém theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý, thẩm quyền can thiệp của Nhà nước và trách nhiệm của các TCTD trong việc xử lý các yếu kém, tồn tại và các vi phạm, rủi ro của TCTD. Các chính sách phải đảm bảo phù hợp với thực tiễn và có sự tham khảo kinh nghiệm, thông lệ quốc tế để vận dụng có chọn lọc, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.