Phát triển ngân hàng số ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 08:38, 03/11/2022
Tóm tắt: Ngân hàng số là một xu thế phát triển tất yếu trên thế giới. Ở Việt Nam, ngân hàng số đã và đang được các ngân hàng thương mại đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển. Tuy nhiên, có thể thấy rằng ngoài những cơ hội không hề nhỏ để phát triển ngân hàng số thì hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức ở phía trước. Bài viết đánh giá khái quát thực trạng triển khai ngân hàng số ở Việt Nam, đồng thời chỉ ra một số cơ hội, cũng như những thách thức và đề xuất một số khuyến nghị đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam trong phát triển ngân hàng số.
DEVELOPMENT OF DIGITAL BANKING IN VIETNAM: OPPORTUNITIES AND CHALLENGES
Abstract: Digital banking is an inevitable development trend in the world. In Vietnam, digital banking has been paid much attention, especially in terms of investment by commercial banks. However, it can be seen that in addition to great opportunities to develop digital banking, Vietnamese commercial banking system will also face many difficulties and challenges ahead. The article briefly assesses the current implementation of digital banking in Vietnam, points out some opportunities, as well as challenges, at the same time, proposes some recommendations for Vietnamese commercial banks in developing digital banking.
1. Tình hình triển khai ngân hàng số ở Việt Nam
Việt Nam là một trong những quốc gia đang ở trong giai đoạn đầu của chuyển đổi số. Hiện nay, có khá nhiều ngân hàng quan tâm triển khai các dịch vụ ngân hàng số, đơn cử như: Vietcombank với mô hình kinh doanh số (Vietcombank digital); TPBank triển khai LiveBank giúp khách hàng đăng ký vân tay, nhận diện khuôn mặt và định danh điện tử (eKYC) đăng ký, đăng nhập tài khoản; VIB ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn vào quy trình phát hành thẻ tín dụng dành riêng cho mua sắm trực tuyến Online Plus; VPBank ra mắt ngân hàng số Yolo sau mô hình Timo; OCB ra mắt ngân hàng số OCB OMNI; Techcombank chú trọng phát triển trải nghiệm của khách hàng trên ngân hàng trực tuyến. Là một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu ở Việt Nam, Agribank đã và đang tích cực phát triển dịch vụ ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ số, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh và sản phẩm dịch vụ theo hướng số hóa...
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến tháng 12/2020, số tài khoản cá nhân của cả nước đạt 105,6 triệu, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm 2019; tổng số lượng thẻ đang lưu hành đến cuối quí III/2021 đạt 121 triệu thẻ (trong đó có 100 triệu thẻ nội địa và 21 triệu thẻ quốc tế); mạng lưới ATM/POS phủ sóng cả nước với tổng số là 318.053 máy, trong đó có 20.058 máy ATM, với số lượng giao dịch là 180.247.656 món, giá trị giao dịch 513.657 tỷ đồng và 297.995 máy POS/EFTPOS/EDC, số lượng giao dịch 81.949.750 món, giá trị giao dịch là 139.126 tỷ đồng. Năm 2021, so với cùng kỳ 3 tháng đầu năm 2020, số lượng giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu món, với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị); giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395,05 triệu món, với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 78% về số lượng và 103% về giá trị); giao dịch qua kênh QR code đạt 5,3 triệu món, với giá trị 4.479 tỷ đồng (tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị). Các số liệu cho thấy, các ngân hàng Việt Nam đã và đang bước vào thời kỳ chuyển đổi số với sự phát triển nhanh của các dịch vụ số. Tuy nhiên, để cạnh tranh với các ngân hàng thương mại trong khu vực và trên thế giới, đòi hỏi các ngân hàng phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và sự phát triển bền vững theo xu hướng chung trên thế giới.[5,6,8]
2. Cơ hội và thách thức khi phát triển ngân hàng số ở Việt Nam
2.1. Cơ hội
Thứ nhất, là một quốc gia có dân số đông, hiện đứng thứ 15 trên thế giới, với cơ cấu dân số trẻ và có trình độ, khả năng tiếp cận công nghệ nhanh. Theo thống kê, hiện nay dân số của Việt Nam có khoảng trên 98,76 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, được đào tạo bài bản nên có khả tiếp cận nhanh với công nghệ, internet. Tính đến quí III/2021, số thuê bao điện thoại smartphone đạt 90,3 triệu (chiếm 73,4% số thuê bao điện thoại di động). Số người sử dụng smartphone từ 15 tuổi là 53,5 triệu, đạt tỷ lệ 84,6% tổng số người sử dụng điện thoại từ 15 tuổi trở lên, Việt Nam lọt vào top 15 thị trường có số lượng người dùng smartphone cao nhất thế giới, có 64 triệu người sử dụng Internet, đây là một trong những lợi thế vô cùng to lớn để phát triển ngân hàng số tại Việt Nam.[5]
Thứ hai, sự quyết tâm cao của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thấy được tầm quan trọng của phát triển ngân hàng số, thời gian qua, Chính phủ, cũng như Ngân hàng Nhà nước đã có những chỉ đạo quyết liệt và đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý và thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, bước đầu thiết lập hạ tầng pháp lý cho việc triển khai ngân hàng số, chẳng hạn như: Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 80/2019/NĐ-CP); Quyết định số 35/2007/QĐ-NHNN về các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử; Nghị định số 35/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2019-2020; Thông tư số 16/2020/TT-NHNN cho phép mở tài khoản thanh toán cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC); Thông tư số 09/2020/TT-NHNN quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng nhằm cập nhật các quy định mới của Luật An toàn thông tin mạng... Với sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm cao của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng với việc ban hành các văn bản pháp luật đã và đang được hoàn thiện là một trong những tiền đề vững chắc giúp các ngân hàng phát triển ngân hàng số thuận lợi hơn.
Thứ ba, nhận thức và quyết tâm của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Thực tế cho thấy, so với hoạt động ngân hàng truyền thống thì ngân hàng số có rất nhiều ưu điểm vượt trội dựa trên nền tảng mô hình hoạt động số hóa, ngân hàng số sẽ cung cấp nhiều sản phẩm tài chính mới như thanh toán di động, cho vay tiêu dùng tín chấp trên nền tảng công nghệ phân tích dữ liệu tiên tiến, sản phẩm bảo hiểm số, đầu tư số,… Với ưu điểm vượt trội, ngân hàng số giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí hoạt động, gia tăng lợi nhuận, tăng tốc độ xử lý và bảo đảm hiệu quả vận hành, giúp khách hàng tiết giảm chi phí, thuận lợi hơn. Thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã chủ động và quyết tâm cao trong việc phát triển ngân hàng số để phù hợp với xu thế của thời đại, cũng như đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
2.2. Thách thức
Thứ nhất, khung pháp lý về ngân hàng số còn chưa theo kịp so với tốc độ phát triển công nghệ. Như chúng ta đều biết, hoạt động của các ngân hàng đều phải tuân thủ theo qui định của pháp luật, do đó muốn phát triển ngân hàng số các ngân hàng phải dựa trên các qui định của luật pháp. Có thể thấy, thời gian qua tuy được sự quan tâm chỉ đạo rất quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, song với tốc độ phát triển công nghệ nhanh chóng, trong khi việc ban hành các quy định pháp luật không phải một sớm một chiều mà đòi hỏi khoảng thời gian nhất định, nên phần nào cũng đã ảnh hưởng đến sự phát triển của ngân hàng số. Ví dụ như mảng thanh toán số đã phát triển từ nhiều năm trước nhưng đến năm 2020, các văn bản quy phạm pháp luật cho hoạt động này mới được ban hành qua Thông tư số 16/2020/TT-NHNN; Thông tư số 09/2020/TT-NHNN.
Thứ hai, chi phí đầu tư cho công nghệ số lớn với sự phát triển về công nghệ nhanh như vũ bão ngày nay, công nghệ ra đời một thời gian rất ngắn lại được thay thế bằng những công nghệ mới, hiện đại hơn. Do đó, để thích ứng với sự phát triển của công nghệ mới, hệ thống ngân hàng phải thường xuyên nâng cấp, cải tiến, bảo trì, đổi mới công nghệ để đáp ứng cạnh tranh, điều này tạo áp lực rất lớn về tài chính cho các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có qui mô vừa và nhỏ thì áp lực tài chính sẽ không hề nhỏ. Đây cũng là một trong những thách thức đối với các ngân hàng thương mại.
Thứ ba, hạn chế về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Hoạt động của ngân hàng số rất cần có đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin. Trong khi đó, theo thống kê của các kênh tuyển dụng, hiện nay nhu cầu tuyển dụng của ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần, trong đó nhóm ngành phát triển phần mềm luôn đạt mức tăng trưởng gấp đôi, chiếm hơn 50% nhu cầu tuyển dụng của toàn ngành công nghệ thông tin. Đây cũng là nhóm ngành có nguồn nhân lực trí tuệ chất lượng cao, gồm tập hợp các kỹ sư về giải pháp phần mềm quản lý đa chức năng, kỹ sư lập trình, an toàn an ninh thông tin… Theo dự báo, công nghệ thông tin sẽ là một trong số những nghề phát triển nhất trong 10 năm tới, tuy nhiên, nhu cầu nhân lực tăng nhưng thị trường lao động lĩnh vực này tại Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu hụt về cả số lượng và chất lượng. Cụ thể, năm 2019, số lượng nhân lực công nghệ thông tin cần có ước tính là 350.000 người, nhưng thiếu khoảng 90.000 người, năm 2020, số nhân lực ngành công nghệ thông tin cần có ước tính khoảng 400.000 người và ước tính thiếu hụt 100.000 nhân sự, năm 2021 cần 500.000 người và thiếu hụt 190.000 người [6]. Bên cạnh đó nguồn nhân lực có chất lượng cao, am hiểu và có khả năng nắm bắt kịp thời với tốc độ phát triển của công nghệ cũng không phải dồi dào, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngân hàng số. Như vậy, có thể thấy, các ngân hàng Việt Nam hiện nay đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhân lực trong xây dựng và phát triển ngân hàng số.
Thứ tư, khó khăn trong bảo mật thông tin khách hàng. Có thể khẳng định, ngân hàng số đem lại rất nhiều tiện ích cho khách hàng, ngân hàng, song bên cạnh đó cũng phải đối đối mặt với vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, khi khách hàng, ngân hàng luôn là mục tiêu của tội phạm công nghệ cao. Trên thực tế, có nhiều trường hợp xảy ra là do khách hàng sử dụng dịch vụ không đúng hướng dẫn, hoặc những thông tin giả mạo dẫn đến bị lừa và bị kẻ gian lợi dụng chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Thứ năm, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn phổ biến. Các dịch vụ ngân hàng số được sử dụng khá nhiều ở khu vực thành thị. Song thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Do đó, việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân cũng đặt ra nhiều thách thức cho quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng Việt Nam.
Thứ sáu, tuy đang có những phát triển khá nhưng sự phát triển ngân hàng số ở Việt Nam còn chưa có nhiều đột phá. Các sản phẩm ngân hàng số tuy đã được các ngân hàng thương mại đầu tư nhưng chưa có sự khác biệt rõ rệt. Do đó, chưa thực sự có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với người sử dụng dịch vụ.
Thứ bảy, thách thức về sự đồng bộ và chuẩn hóa các hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng vẫn chưa được liên thông, thống nhất một cách chặt chẽ.
3. Khuyến nghị
Một là, việc hoàn thiện môi trường pháp lý cho phát triển của ngân hàng số cần được đẩy nhanh tiến độ thêm một bước nữa để bắt nhịp với sự phát triển của khoa học công nghệ. Mặt khác, các bộ ngành có liên quan trong tham gia ý kiến về dự thảo văn bản có liên quan đến một số lĩnh vực như Mobile Money, chứng từ điện tử… cũng cần từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về quan điểm, nhận thức, cách tiếp cận về ngân hàng số tại Việt Nam.
Hai là, các ngân hàng thương mại cần nâng cao năng lực tài chính, triển khai đồng bộ về ngân hàng số. Chủ động từng bước tăng nguồn vốn điều lệ, nâng cao hiệu quả hoạt động để nâng cao năng lực tài chính, từ đó có đủ nguồn lực để nâng cấp, cải tiến, bảo trì, thay mới công nghệ đáp ứng cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Đồng thời, phải lựa chọn thông số kỹ thuật, công nghệ và nhà thầu có đủ năng lực, uy tín để lựa chọn những công nghệ tối ưu, giá thành hợp lý đáp ứng sự phát triển và cạnh tranh trong môi trường quốc tế. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cần chủ động làm việc và hợp tác các doanh nghiệp thương mại điện tử, hạ tầng logistics, từ đó có thể nâng cao hiệu quả hơn nữa của hoạt động ngân hàng số.
Ba là, các ngân hàng thương mại Việt Nam cần chủ động tăng cường đào tạo nghiệp vụ liên quan đến ngân hàng số và công nghệ thông tin, để có được đội ngũ nhân viên đầy đủ năng lực về nghiệp vụ ngân hàng số, kể cả đội ngũ nhân viên bảo trì và vận hành hệ thống mạng, chuyên gia công nghệ thông tin của ngân hàng thương mại, các cấp quản lý và các chốt kiểm soát nội bộ trong ngân hàng, đến nhân viên tác nghiệp trong các bộ phận nghiệp vụ… nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu phát triển của ngân hàng số trong điều kiện phát triển nhanh của khoa học, công nghệ cũng như môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Gắn kết quả đào tạo với việc bố trí sử dụng cán bộ theo đúng người, đúng việc, thực hiện luân chuyển cán bộ để sắp xếp công việc phù hợp nhất với năng lực chuyên môn, sở trường, phát huy tinh thần sáng tạo của cán bộ nhân viên ngân hàng, đồng thời có chính sách khen thưởng kịp thời, xứng đáng cho cán bộ có những đóng góp hiệu quả thiết thực đối với sự phát triển của ngân hàng số. Các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng cần chú ý đến chính sách thu hút và đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ thông tin, cán bộ ngân hàng số giỏi, đặc biệt cần mạnh dạn áp dụng mô hình thuê chuyên gia giỏi nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng số đến làm việc tại ngân hàng.
Bốn là, tăng cường công tác bảo mật an toàn thông tin. Để thực hiện được vấn đề này thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện bộ khung pháp lý đối với ngân hàng số, áp dụng các điều kiện, tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về an ninh, an toàn hệ thống thông tin vào các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các ngân hàng thương mại, áp dụng khung đánh giá rủi ro công nghệ thông tin theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế để từ đó nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra tuân thủ các quy định về an toàn bảo mật tại các ngân hàng thương mại. Về phía các ngân hàng thương mại phải hoàn thiện và tổ chức triển khai chính sách về an ninh bảo mật công nghệ thông tin, quản lý rủi ro công nghệ thông tin, rà soát chặt chẽ các quy trình đăng ký, kích hoạt sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử đảm bảo cung cấp dịch vụ cho đúng khách hàng, trang bị các hệ thống hỗ trợ giám sát giao dịch điện tử, điều tra gian lận, từng bước tổng hợp, phân tích dữ liệu của khách hàng và xây dựng bộ quy tắc để phát hiện và ngăn chặn sớm các gian lận; xây dựng các tiêu chí và phần mềm để xác định các giao dịch bất thường dựa vào thời gian, vị trí địa lý, tần suất giao dịch, số tiền giao dịch, số lần đăng nhập sai quá quy định hoặc các dấu hiệu bất thường khác. Đối với khách hàng, tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng điện tử cho bất kỳ ai, tránh truy cập các website không đáng tin cậy, hoặc vào bất kỳ đường dẫn nào yêu cầu cung cấp, cập nhật thông tin cá nhân và thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử.
Năm là, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Để thực hiện tốt điều này, thiết nghĩ Chính phủ nên có văn bản chỉ đạo tất cả các dịch vụ công trong tất cả các lĩnh vực của các cấp chính quyền, đến các đơn vị cung ứng dịch vụ công bắt buộc phải thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Các cơ quan có liên quan của Bộ Công Thương cần tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi gian lận, lừa đảo trong giao dịch thương mại điện tử, bán hàng trên mạng, những hành vi không chấp hành thanh toán điện tử, thanh toán qua ngân hàng nhằm giấu doanh thu, trốn thuế. Hệ thống các ngân hàng thương mại cần trang bị đầy đủ hệ thống thiết bị thanh toán không dùng tiền mặt đến các cơ quan, đơn vị có nhu cầu để mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là cần chú trọng hơn việc mở rộng hệ thống không dùng tiền mặt về khu vực nông thôn.
Sáu là, tăng cường trải nghiệm khách hàng. Ngày nay khách hàng, đặc biệt là giới trẻ cần sự thuận tiện, an toàn, chi phí thấp trong sử dụng dịch vụ ngân hàng. Họ không sẵn sàng sử dụng dịch vụ nếu như phải điền tay vào nhiều biểu mẫu phức tạp, chờ giao dịch lâu… Vì vậy, gia tăng trải nghiệm, giảm chi phí, số hóa dịch vụ, mở rộng thị trường khi số lượng người chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng số vẫn còn lớn, đây có thể được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu mà các ngân hàng thương mại cần quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.
Bảy là, củng cố hạ tầng kỹ thuật và công nghệ ngân hàng. Về phía Nhà nước và Chính phủ, nên xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho ngành Ngân hàng nói chung và các ngân hàng nói riêng về việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm giảm vốn đầu tư. Ví dụ như: đồng bộ hóa hạ tầng công nghệ, hệ thống băng thông đường truyền rộng để đảm bảo cho các giao dịch trực tuyến hoạt động tốt… Bên cạnh các chính sách vĩ mô của Nhà nước, các ngân hàng thương mại phải không ngừng nâng cao mức độ hiện đại hoá công nghệ ngân hàng, một mặt phù hợp với tiềm lực tài chính của ngân hàng, phù hợp với mặt bằng chung về công nghệ của đất nước, mặt khác phải đảm bảo xu thế chung của khu vực và quốc tế. Các ngân hàng thương mại cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công nghệ, vì chất lượng dịch vụ phụ thuộc rất lớn vào trình độ công nghệ. Có cán bộ giỏi chuyên môn, nhưng hệ thống máy móc thiết bị không hiện đại, trình độ công nghệ không tiên tiến, không thể làm nên hệ thống các dịch vụ ngân hàng số có chất lượng cao, uy tín để cung cấp cho khách hàng.
Tám là, tăng cường hoạt động tiếp thị và thực hiện tốt chính sách khách hàng. Tăng cường quảng cáo, tiếp thị giới thiệu đến đông đảo khách hàng nhằm giúp khách hàng có được các thông tin cập nhật, hiểu biết cơ bản về dịch vụ ngân hàng số, lợi ích của sản phẩm, cũng như cách thức sử dụng để khách hàng hiểu biết và thấy được lợi ích, tầm quan trọng và an toàn trong việc sử dụng ngân hàng số, từ đó sẽ thu hút được nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số.
Tóm lại: Phát triển ngân hàng số là xu hướng tất yếu của các ngân hàng thương mại hiện nay. Tại Việt Nam, bên cạnh những thuận lợi không hề nhỏ thì hệ thống ngân hàng thương mại cũng phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức. Bài viết đã trình bày một số thuận lợi, đồng thời cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức mà các ngân hàng thương mại Việt Nam đang gặp phải, cũng như đề xuất một số khuyến nghị nhằm phát triển ngân hàng số trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Hồng Anh (2021).Ngân hàng số - Cơ hội và thách thức. Báo Nhân dân
[2] .Nguyễn Thị Phương Dung (2020), “Chuyển đổi số và tác động của chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay”, Tạp chí Công Thương.
[3]. Minh Hoàng ( 2020), “Chuyển đổi số tạo cơ hội cho ngân hàng bứt phá”, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ.
[4]. Anh Minh (2021), “Chuyển đổi số ngân hàng gặp nhiều thách thức”, Báo điện tử Chính phủ Việt Nam.
[5]. Thủy Diệu(2022). Điện thoại smartphone đã “phủ sóng” hơn 73% người dùng viễn thông di động.VnEconomy
[6]. https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/khat-nhan-luc-cong-nghe-thong-tin-phuc-vu-qua-trinh-chuyen-doi-so-80758.htm
[7].https://www.agribank.com.vn/vn/ve-agribank/tin-tuc-su-kien/tai-chinh-ngan-hang/agribank-day-manh-phat-trien-ngan-hang-so-cung-cap-da-dang-san-pham-cho-nen-kinh-te
[8].https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/tk/hdtt/gdqatmpos?_afrLoop=51055554922327224#%40%3F_ter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Dcjbnola6t_4
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 8 năm 2022