Singapore Fintech Festival 2022: Xây dựng các mô hình kinh doanh có khả năng phục hồi trong bối cảnh biến động và thay đổi

Công nghệ - Ngày đăng : 17:35, 03/11/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Từ ngày 2- 4/11/2022, Lễ hội Công nghệ Tài chính Singapore lần thứ 7 - Singapore Fintech Festival 2022 (SFF2022) được tổ chức tại Singapore EXPO với chủ đề  "Xây dựng các mô hình kinh doanh có khả năng phục hồi trong bối cảnh biến động và thay đổi".

SFF 2022 được tổ chức bởi Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) – Ngân hàng Trung ương của Singapore và Elevandi, với sự hợp tác của Constellar và phối hợp của Hiệp hội Ngân hàng Singapore (ABS).

Lễ hội năm nay có sự tham dự của hơn 850 diễn giả chuyên nghiệp cùng đông đảo người tham gia đến từ hơn 110 quốc gia và 2.000 tổ chức. 

Ông Lawrence Wong, Phó Thủ tướng Singapore kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính và Phó Chủ tịch MAS phát biểu khai mạc sự kiện

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Lawrence Wong, Phó Thủ tướng Singapore kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính và Phó Chủ tịch MAS cho biết, Singapore đặt mục tiêu trở thành trung tâm của hoạt động tài sản kỹ thuật số sáng tạo và có trách nhiệm, thực hiện theo nguyên tắc 5E (Enhance - Tăng cường; Empower  - Trao quyền; Envision - Tầm nhìn xa; Encourage and Engage - Khuyến khích và Tương tác) cho phép Singapore khai thác toàn bộ tiềm năng của công nghệ cho ngành tài chính. Chẳng hạn, để cải thiện thanh toán xuyên biên giới, Singapore đã và đang thiết lập liên kết với các hệ thống thanh toán theo thời gian thực với các đối tác chính trong khu vực. Năm ngoái, hệ thống thanh toán theo thời gian thực PayNow của Singapore đã kết nối với hệ thống thanh toán theo thời gian thực PromptPay của Thái Lan. Hiện tại, Singapore đang làm việc để xây dựng các kết nối tương tự với Malaysia và Ấn Độ. 

Phó Thủ tướng cũng cho biết, Singapore đã có Đề án Đổi mới và Công nghệ Khu vực Tài chính, hay còn gọi là FSTI, để hỗ trợ việc tạo ra một hệ sinh thái sôi động cho sự đổi mới trong lĩnh vực tài chính.

Kể từ khi chương trình bắt đầu vào năm 2015, đã có hai vòng tài trợ, đợt đầu tiên đã trao hơn 100 triệu đô la Singapore tài trợ cho gần 500 dự án; vòng thứ hai cung cấp 200 triệu đô la Singapore vốn cam kết cho hơn 1.000 dự án. Đề án đã tạo ra nhiều kết quả tích cực, giúp thu hút những người chơi mới trong hệ sinh thái tài sản kỹ thuật số, cũng như thúc đẩy các nỗ lực của ngành để áp dụng các công nghệ tiên tiến. Hơn 200 việc làm đã được tạo ra với việc thiết lập các phòng thí nghiệm đổi mới và chương trình này cũng đã hỗ trợ sự phát triển của các công ty khởi nghiệp trở thành những công ty công nghệ có mối liên hệ chặt chẽ với các dịch vụ tài chính.

Tại sự kiện, Phó Thủ tướng Lawrence Wong cũng thông báo MAS sẽ cung cấp đợt tài trợ thứ ba cho FSTI, với cam kết mới là 150 triệu đô la Singapore cho ba năm tới với trọng tâm tập trung vào các lĩnh vực chính về tài chính, như AI, phân tích, RegTech, an ninh mạng và lĩnh vực mới đó là ESG FinTech (các Fintech phát triển bền vững, tuân thủ các yếu tố môi trường – xã hội – quản trị công ty).

Phó Thủ tướng cho biết, những nỗ lực trên đây là cách để đảm bảo ngành tài chính ở Singapore luôn dẫn đầu về Fintech - liên tục thử nghiệm và đổi mới, tạo ra sự thay đổi tích cực và giải quyết các vấn đề cho nhân loại và thế giới. Chính phủ Singapore và MAS sẽ đồng hành trong hành trình này, để hỗ trợ và hợp tác với cộng đồng Fintech trong nỗ lực chung này.

Quang cảnh lễ khai mạc sự kiện

Được biết, SFF 2022 gồm có các sự kiện lớn: Hội nghị Fintech; Triển lãm công nghệ và mô hình kinh doanh mới; Trình diễn và trao giải cuộc thi Fintech toàn cầu. Năm nay, SFF2022 đã giới thiệu thêm 3 chương trình đặc biệt:

1. Đỉnh cao của người sáng lập: 50 Nhà sáng lập xuất sắc được tuyển chọn kỹ lưỡng từ khắp nơi trên thế giới sẽ chia sẻ, truyền cảm hứng bằng những câu chuyện chưa kể về hành trình của họ.

2. Đối thoại Chính sách đáp ứng vốn (CMPD): Tốc độ đổi mới và áp dụng công nghệ nhanh chóng đã dẫn đến việc tăng cường cân nhắc về quy định, với các nhà đầu tư tìm kiếm sự rõ ràng để giảm thiểu rủi ro phân bổ vốn cho các sản phẩm và dịch vụ chịu rủi ro pháp lý. CMPD là một sự kiện khép kín, tập trung vào cuộc đối thoại giữa Nhà đầu tư và Nhà hoạch định chính sách về những đổi mới hiện tại trong dịch vụ tài chính.

3. Diễn đàn Elevandi Insights: Tiếp theo phiên bản thành công của Diễn đàn Point Zero, Zurich, Diễn đàn Elevandi Insights là một hội nghị bàn tròn chuyên sâu, chỉ dành cho người được mời do các đối tác kiến thức chuyên môn của Ban tổ chức phụ trách. Những người tham dự từ khu vực tư nhân và nhà nước cùng nhau tranh luận về các thách thức trong việc triển khai đổi mới sản phẩm và công nghệ tài chính và phát triển các bước tiếp theo. Các tổ chức tham gia là: Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Trung tâm Đổi mới của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), Trung tâm Tài chính, Công nghệ và Doanh nhân, Viện Tài chính Quốc tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Viện Milken, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS), Ban Thư ký Thụy Sĩ về Tài chính Quốc tế, Công ty thành lập Temasek - Affinidi & Synfindo, Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc về Châu Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).

Song song với hội nghị là Triển lãm công nghệ và sản phẩm mới, trưng bày các giải pháp sáng tạo trong Fintech và công nghệ mới từ khắp nơi trên thế giới. Hơn 450 gian hàng từ các quốc gia trên thế giới trình bày nhiều giải pháp từ các quốc gia hoặc khu vực của họ.

Cũng trong dịp này, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) tổ chức trao giải Global Fintech Hackcelerator 2022 cho các giải pháp đột phá cho phép ngành tài chính giảm thiểu tác động tiêu cực và khai thác công nghệ để xây dựng, hướng tới một tương lai kỹ thuật số với những tiến bộ trong Web 3.0.

Hiệp hội Fintech Singapore, Hiệp hội Tài chính & Công nghệ Campuchia, Hiệp hội Fintech Malaysia, Hiệp hội số Philippines (Digital Pilipinas), Hiệp hội Fintech Thái Lan và Câu lạc bộ Fintech Việt Nam cùng ký biên bản ghi nhớ (MOU) để hình thành Phong trào Fintech ASEAN

Trong khuôn khổ sự kiện, 6 Hiệp hội Fintech trong ASEAN bao gồm Hiệp hội Fintech Singapore, Hiệp hội Tài chính & Công nghệ Campuchia, Hiệp hội Fintech Malaysia, Hiệp hội số Philippines (Digital Pilipinas), Hiệp hội Fintech Thái Lan và Câu lạc bộ Fintech Việt Nam cùng ký biên bản ghi nhớ (MOU) để hình thành Phong trào Fintech ASEAN, chính thức hóa sự tham gia của mỗi hiệp hội trong việc hình thành Phong trào Fintech ASEAN.

Phong trào Fintech ASEAN được ký kết nhằm nâng cao vị thế của khu vực như một cường quốc Fintech, cũng như cung cấp một nền tảng mạng chung cho những công ty Fintech trong khu vực.

Phong trào sẽ hợp tác trong 4 lĩnh vực chính: (i) Giáo dục thông qua việc chia sẻ tài liệu đào tạo và nguồn lực để thúc đẩy sự hiểu biết của các bên liên quan đối với Fintech; (ii) Xem xét các cập nhật quy định mới; (iii) Kết nối và hỗ trợ các sự kiện và chương trình đặc trưng của nhau nhằm mở rộng thị trường; (iv) Các hoạt động nhằm thúc đẩy Đông Nam Á như một cường quốc Fintech.

Ngay từ khi mới thành lập, chủ đề hàng năm của Lễ hội Fintech Singapore đều được lựa chọn kỹ lưỡng để phản ánh những cơ hội và thách thức phổ biến trong lĩnh vực tài chính.

Với nền kinh tế toàn cầu đang trải qua thời kỳ lạm phát gia tăng và phải đối mặt với rủi ro tăng trưởng chậm lại đáng kể, nhiều công ty Fintech đang cố gắng duy trì khả năng phục hồi và tồn tại.

Các động lực thay đổi và 3 câu hỏi chính tại SFF 2022 được xem xét, trao đổi bao gồm:

Tính khả thi: Các tổ chức đang xây dựng và xác định lại các mô hình kinh doanh như thế nào để có thể linh hoạt hơn trước các điều kiện thị trường đầy biến động?

Tinh thần trách nhiệm: Làm cách nào để các tổ chức cân bằng giữa trách nhiệm của doanh nghiệp và lợi nhuận để đạt được sự hài lòng và gắn bó hơn của các bên liên quan?

Tính bao trùm: Làm thế nào các tổ chức thiết kế các mô hình kinh doanh toàn diện đáp ứng nhu cầu của khách hàng không thể tiếp cận các dịch vụ tài chính phổ thông?

Một số hình ảnh tại khu vực triển lãm SFF2022

 

 

 

 

Lan Anh - Huy Hoàng