Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp thúc đẩy triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn An Giang
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 11:03, 05/11/2022
Hội nghị có sự tham gia của các sở, ngành hữu quan, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cùng hơn 15 doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh và 36 chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn An Giang.
Hội nghị kết nối ngân hàng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang |
Từ tháng 5 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang đã quyết liệt triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh, cùng các thông tư, chỉ thị có liên quan của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.
Sau 5 tháng triển khai, kết quả, đến ngày 30/9/2022, sau khi rà soát khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực theo Nghị định 31 của Chính phủ của 36 chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh có 133 khách hàng đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất đã được các chi nhánh ngân hàng thương mại thông tin về chính sách với dư nợ cho vay 1.368.616 triệu đồng. Trong đó, có 18 khách hàng đang hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ lãi suất với dư nợ cho vay 811.909 triệu đồng, có 57 khách hàng đã phản hồi không có nhu cầu hỗ trợ lãi suất với dư nợ cho vay 22.524 triệu đồng. Hiện có ngân hàng ACB An Giang đã phát sinh dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất số tiền 58 triệu đồng/1 khách hàng (Công ty TNHH MTV Vỹ Thịnh).
Song hành với việc tuyên truyền, triển khai chính sách, các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong 9 tháng năm 2022 đã tích cực triển khai cho vay hỗ trợ phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Trong điều kiện vẫn còn những khó khăn nhất định sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và những thách thức từ bên ngoài do giá dầu tăng mạnh và lạm phát cao tại một số quốc gia trên thế giới… song hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh năm 2022 vẫn ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng phù hợp.
Trong đó, các yếu tố tỷ giá, lãi suất cơ bản vẫn ổn định và phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi tăng trưởng; hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất - nhập khẩu, mặc dù chịu áp lực biến động khi đặt trong bối cảnh giá cả nguyên vật liệu đầu vào và lạm phát tại một số quốc gia và khu vực trên thế giới tăng.
Kết quả, hệ thống ngân hàng trên địa bàn An Giang đạt tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 9/2022 là 98.179 tỷ đồng, so với cuối năm 2021 tăng 7,16%. Chất lượng tín dụng tốt, nợ xấu chỉ chiếm 0,83% trên tổng dư nợ. Cơ cấu tín dụng giữa đồng Việt Nam, ngoại tệ; giữa ngắn hạn với trung và dài hạn đảm bảo, phù hợp với cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh là động lực tăng trưởng kinh tế. Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng và Phó Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư đồng chủ trì Hội nghị kết nối ngân hàng doanh nghiejp trên địa bàn An Giang |
Tại hội nghị, nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại cho biết đã có các chương trình ưu đãi dễ tiếp cận, các doanh nghiệp/hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động tốt, hiệu quả được vay theo đối tượng ưu tiên với lãi suất 4,5%. Các gói vay lãi suất ưu đãi hoặc lãi suất áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên vẫn được xem là hợp lý và không chêch lệch nhiều nên doanh nghiệp ít có nhu cầu thực hiện thêm thủ tục vay hỗ trợ lãi suất 2%...
Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh An Giang, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại tiếp tục đẩy mạnh triển khai, đôn đốc thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ. Làm tốt công tác truyền thông, thông tin, phổ biến các cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước và kết quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, tạo sự đồng thuận, quan tâm của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.