Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tại nhiều ngân hàng tăng kịch trần

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 15:21, 08/11/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - VPBank vừa là ngân hàng tiếp theo điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên kịch trần 1%. Trước đó, các ngân hàng như: Techcombank, SCB, NCB, SeABank, Kienlongbank, SHB, ACB, NamABank, BacABank, MSB… cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất kỳ hạn này.

Hình minh họa

Ngày 7/11, VPBank công bố tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn (tiền gửi trên tài khoản thanh toán - Casa) áp dụng với khách hàng cá nhân lên mức “kịch trần” 1%/năm, áp dụng từ ngày 1/11/2022.

Với quyết định điều chỉnh này, các khách hàng tại VPBank có số dư tiền gửi bình quân dưới 100 triệu đồng trên tài khoản thanh toán sẽ hưởng lãi suất không kỳ hạn 0,2%/năm; số dư tiền gửi bình quân từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng sẽ hưởng lãi suất 0,5%/năm; số dư tiền gửi bình quân từ 500 triệu đồng trở lên trong tài khoản thanh toán sẽ được hưởng lãi suất không kỳ hạn kịch trần với mức 1%/năm.

Trong ngày 5/11, Techcombank cũng thông báo điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn từ 0,03%/năm lên 1%/năm không giới hạn số tiền tối thiểu. 

Theo khảo sát nhanh biểu lãi suất của các ngân hàng do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, thực hiện trong ngày 8/11, không riêng VPBank và Techcombank, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác trên thị trường cũng đang niêm yết lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ở mức kịch trần, ví như: SCB, NCB, SeABank, Kienlongbank, SHB, ACB, NamABank, BacABank, MSB…

Trái ngược với các ngân hàng trên, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tại các NHTM có vốn nhà nước như Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV vẫn ở mức khiêm tốn ở mức từ 0,1 – 0,2%/năm; một số NHTM cổ phần khác cũng niêm yết lãi suất không kỳ hạn chỉ từ 0,5 – 0,9%, ví như: TPBank lãi suất không kỳ hạn ở mức 0,5%/năm, OCB lãi suất không kỳ hạn là 0,9%/năm...

Thống kê cho thấy, trong 2 năm qua, lãi suất huy động không kỳ hạn thường được các ngân hàng niêm yết ở mức rất thấp, từ 0,1 – 0,2%/năm. Tuy nhiên, sau 2 lần Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tăng lãi suất điều hành nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ, mặt bằng chung của lãi suất huy động các kỳ hạn dài cũng đã kéo lãi suất này tăng lên để tăng tính cạnh tranh.

Chia sẻ về quyết định điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn, đại diện VPBank cho biết, khoản lãi suất không kỳ hạn này sẽ được trả vào tài khoản của khách hàng theo định kỳ hàng tháng, dựa trên số dư tiền gửi bình quân mỗi tháng của khách hàng tại tài khoản thanh toán. Khách hàng duy trì số dư trên tài khoản thanh toán càng nhiều, lãi suất sẽ càng cao.

“Việc điều chỉnh này nhằm tri ân và gia tăng lợi ích tối đa cho khách hàng đã tin tưởng và đồng hành với VPBank, đặc biệt là các khách hàng thường xuyên duy trì và sử dụng tài khoản thanh toán để nhận lương, chi tiêu thanh toán, hay thực hiện các giao dịch tài chính khác”, đại diện VPBank chia sẻ.

Trong báo cáo vừa công bố, CTCK Vietcombank (VCBS) đánh giá nền kinh tế tiếp tục ghi nhận tín hiệu tăng trưởng tích cực, tuy nhiên, nhìn về phía trước vẫn còn thách thức cho ổn định kinh tế vĩ mô.

VCBS cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, áp lực đến chủ yếu từ các cân đối kinh tế vĩ mô đặc biệt là tỷ giá và lãi suất do tình hình thế giới không thuận lợi. Cụ thể, ngày 3/11 sau cuộc họp chính sách tiền tệ trong tháng 11, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ 4 liên tiếp.

Đề cập tới khả năng làm chậm đà tăng lãi suất, Fed cho rằng các dữ liệu mới hàm ý mức lãi suất mục tiêu được hướng đến sẽ cao hơn các đánh giá trước đây. Do vậy, không loại trừ Fed sẽ giữ tốc độ tăng lãi suất trong kỳ họp sắp tới vào tháng 12 tới.

Trong tuần trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản và đưa ra tín hiệu sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất khi quyết định tăng lãi suất của NHTW này đã quá chậm khiến con số lạm phát của EU (trong tháng 10 lên trên 10%).

Với lần điều chỉnh sau cuộc họp ngày 3/11, tính từ đầu năm đến nay, Fed đã nâng lãi suất thêm 3,75%. Đây là mức tăng rất mạnh trong khoảng thời gian ngắn. Các chuyên gia của VCBS cho rằng, điều này hàm ý áp lực đối với tỷ giá và lãi suất trong nước hiện hữu đồng nghĩa NHNN nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục nâng lãi suất điều hành đi cùng với việc tăng tỷ giá nhằm đảm bảo các cân đối vĩ mô.

Cũng theo VCBS, đây không chỉ là xu hướng ghi nhận ở Việt Nam mà còn ở nhiều nền kinh tế mới nổi khác. Lãi suất tăng nhanh và mạnh đối với cả lãi suất cho vay và huy động ở nhiều quốc gia trong thời gian ngắn gây nên áp lực rút vốn ròng trên các thị trường tài sản tại các thị trường mới nổi và kéo theo các rủi ro định giá lại tài sản tiếp diễn.

Tính tới hết tháng 10/2022, tỷ giá giao dịch tại các NHTM đã tăng khoảng 8,5% so với cuối năm 2021. Đồng thời giai đoạn này, mặt bằng lãi suất và chi phí vốn cao hơn cũng tiếp tục được hiện thực hóa trong tháng 10 nhiều NHTM đã tăng lãi suất huy động thêm 90-100 điểm cơ bản tại tất cả các kỳ hạn sau khi NHNN quyết định tăng thêm 1% lãi suất điều hành vào ngày 24/10. Từ nay đến cuối năm, VCBS dự báo: “xu hướng tăng lãi suất huy động vẫn tiếp diễn, VND có thể tiếp tục giảm giá so với đồng USD”.

Trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài đến thị trường tiền tệ trong nước, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng vừa đưa ra một số thông điệp quan trọng liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới.

Về tổng thể, Thống đốc cho biết, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ổn định và biến động trong tháng 10/2022 chủ yếu đến từ yếu tố tâm lý. Các NHTM trong hệ thống đều đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động theo quy định của NHNN.

Về định hướng trong thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: “NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là dịp cuối năm. Đặc biệt, việc đẩy mạnh sử dụng công cụ tài khóa cũng được nhắc đến nhằm giảm bớt áp lực tiền tệ và tín dụng từ hệ thống ngân hàng”.

Thanh Hải