Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cần tiếp tục hoàn thiện

Tin tức - Ngày đăng : 11:02, 11/11/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 11/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường, sáng ngày 11/11

Đảm bảo về dữ liệu trong giao dịch điện tử

Phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội, đại biểu Phạm Đức Ấn, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội – Chủ tịch HĐTV Agribank, kiêm Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhấn mạnh sự về sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử khi công nghệ thông tin, công nghệ số phát triển như hiện nay.

Trong bối cảnh hiện nay, đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, dự án Luật cần phải đảm bảo về dữ liệu trong giao dịch điện tử, đặc biệt là trong công chứng các giấy tờ.

Tuy nhiên, trong dự án Luật vẫn rất nhiều chỗ coi giao dịch điện tử như phái sinh của giao dịch giấy và văn bản giấy. Ví dụ: tại Khoản 1, Điều 10 về giá trị pháp lý của giao dịch thông điệp dữ liệu, ghi: thông điệp thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu hay là thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc ở Điều 12. Thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ như Điều 13 cũng là cách thể hiện tương tự như vậy.

“Trong dự án Luật lần này cần phải thể hiện trực tiếp về tính pháp lý của giao dịch điện tử, về dữ liệu điện tử chứ không nói là tương đương nữa”, đại biểu Phạm Đức Ấn đề nghị và cho biết thêm: “Chính điều này cũng dẫn đến vướng mắc được đề cập liên quan đến vấn đề công chứng các giấy tờ. Bởi vì trong giao dịch điện tử, cách thức của vấn đề này hoàn toàn khác với việc công chứng”.

Đại biểu Phạm Đức Ấn, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội – Chủ tịch HĐTV Agribank, kiêm Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại hội trường Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Minh Đức, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung đầy đủ các loại hình xác nhận điện tử đang được sử dụng phổ biến trong thực tế, quy định cụ thể, rõ ràng hơn về cấp độ chữ ký điện tử, giá trị pháp lý theo từng cấp độ; bổ sung quy định về các loại công nghệ mới được sử dụng trong định danh nhân thân.

“Cần nghiên cứu bổ sung quy định về xác thực, định danh điện tử theo hướng áp dụng 3 yêu cầu đảm bảo đối với định danh điện tử, bao gồm: cơ bản, tiên tiến và cao. Đảm bảo ba mức độ này được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn của quốc tế”, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần có quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của lực lượng an ninh mạng, đảm bảo thống nhất với quy định trong Luật An ninh mạng để bảo đảm an ninh, an toàn trong thực hiện giao dịch điện tử.

Đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo Luật cũng như sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để quy định hợp lý về phạm vi điều chỉnh, nhằm đảm bảo tính bao trùm tất cả các giao dịch điện tử trên thực tế, tạo sự ổn định của hệ thống pháp luật.

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu về việc kiểm soát dữ liệu của các tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó là cần có quy định về các hành vi bị cấm như làm làm lộ, lọt thông tin của cá nhân trong giao dịch điện tử.

“Trong giao dịch điện tử, dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất bao gồm việc quy định quyền và nghĩa vụ của người tạo ra dữ liệu, quyền của người sử dụng dữ liệu, các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng dữ liệu. Tuy nhiên, trong dự thảo luật chưa quy định rõ các nội dung này”, đại biểu Trần Chí Cường nhấn mạnh.

Do đó, đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến sử dụng, khai thác, phân tích, kinh doanh các dịch vụ liên quan đến dữ liệu được tạo ra trong các giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng cần được quan tâm.

Tiếp tục hoàn thiện quy định về chữ ký điện tử và hợp đồng điện tử

Cơ bản tán thành với các ý kiến về chữ ký số, chữ ký điện tử. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hải Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán là lĩnh vực áp dụng chữ ký điện tử nhiều. Do đó, đại biểu hy vọng Luật sửa đổi lần này có quy định về chữ ký giao dịch điện tử nước ngoài. Vì khi công nhận được những chữ ký giao dịch điện tử nước ngoài sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc, tăng cao hiệu quả hoạt động.

Cũng quan tâm đến quy định công nhận và sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài, đại biểu Võ Mạnh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, quy định như dự thảo Luật có thể dẫn đến cách hiểu tất cả các giao dịch điện tử sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài sẽ phải trải qua thủ tục kiểm tra về mặt pháp lý. Tuy nhiên cần cân nhắc cho phép các bên được tự thỏa thuận về việc sử dụng các loại chữ ký điện tử hoặc chứng thư điện tử.

Do vậy, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị các cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng: “Cho phép các bên trong hoạt động thương mại được tự thỏa thuận về việc sử dụng chứng ký điện tử nước ngoài hoặc chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài. Trong trường hợp đó chữ ký điện tử nước ngoài vẫn có giá trị xác nhận giao dịch giữa các bên. Việc sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài trong các hợp đồng thương mại cho mục đích giao dịch với các cơ quan nhà nước vẫn phải thực hiện theo quy định và công nhận chữ ký điện tử ở trên”.

Về dịch vụ chứng chứng thực thông điệp dữ liệu, Điều 31 dự thảo bổ sung thêm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện mới là dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, quy định này có nguy cơ chồng chéo, trùng lặp với dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử quy định tại Nghị định số 52 sửa đổi Nghị định số 85 của Chính phủ.

“Đề nghị các cơ quan soạn thảo cân nhắc nâng cấp toàn bộ quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Nghị định số 52 lên thành dịch vụ chứng thực dữ liệu điện tử, đồng thời xác định rõ bộ chuyên ngành quản lý dịch vụ này để phù hợp với các nguyên tắc, việc ban hành điều kiện kinh doanh phải tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ cho nhà đầu tư”, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị.

Cần đảm bảo tính đồng bộ, tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Đồng Ngọc Ba, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định quan tâm tới tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) với các luật liên quan. Theo đại biểu, đây là nội dung rất lớn và rất khó.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, cần phải tiếp tục rà soát kỹ hơn nữa. Theo đại biểu, Luật chỉ đưa ra những quy định về tính kỹ thuật để sử dụng phương tiện điện tử trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch. Còn hầu hết những nội dung kinh tế - xã hội của các giao dịch đó lại nằm ở các luật chuyên ngành, luật cụ thể.

Lấy ví dụ cụ thể, đại biểu Đồng Ngọc Ba cho biết, dự thảo Luật đang có xung đột với Luật công chứng. Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 11 của dự thảo luật quy định trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được công chứng thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật công chứng. Trong khi Luật công chứng xác định tính hợp pháp, tính xác thực, vấn đề không trái đạo đức của các giao dịch, các hợp đồng là vấn đề mang tính chuyên môn rất cao phải có công chứng viên hoạt động trong tổ chức hành nghề công chứng và các yêu cầu khác…

Đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo xem xét thêm trong Luật Đầu tư đã quy định kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số, kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử. Đây là hai ngành nghề cụ thể được coi là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Cần cụ thể nội hàm của dịch vụ tin cậy khi đưa vào danh mục của Luật Đầu tư, chứ không nên để dịch vụ tin cậy một cách chung chung, mà phải xác định rõ dịch vụ cấp dấu thời gian, dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu dịch vụ chữ ký số công cộng, cần rà soát để rõ ràng, minh bạch, không xung đột với với các dịch vụ kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số hay kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử đã quy định trong Luật Đầu tư hiện hành…

Nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đến việc xây dựng một Việt Nam số. Nếu làm không tốt, vi phạm các nguyên tắc cơ bản căn bản của môi trường số thì sẽ không khả thi, không đủ nguồn lực để thực thi, thậm chí có thể là vật cản cho sự phát triển số của Việt Nam.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan để nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu trong quá trình hoàn thiện dự án Luật.

Cũng theo Bộ trưởng, Ban soạn thảo đã cân nhắc hết sức thấu đáo, mọi khía cạnh trong quá trình xây dựng Luật trên nguyên tắc ngành nào quản lý lĩnh vực nào thì sẽ quản lý lĩnh vực đó trên môi trường số.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không quản lý lấn sân sang các ngành khác trên môi trường số. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không làm thay công việc của các bộ ngành và địa phương. Các bộ, ngành, địa phương sẽ quy định chi tiết về thực hiện các giao dịch điện tử trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể.

Luật Giao dịch điện tử được sửa đổi theo nguyên tắc “thực sao thì số vậy” và “số phải phong phú hơn thực”. Trong đời thực có những ngoại giao dịch gì về độ tin cậy khác nhau, chi phí khác nhau, độ phức tạp khác nhau đã được luật pháp quy định thì cũng sẽ được ánh xạ vào môi trường số.

Do đó, Bộ trưởng cho rằng, Luật sửa đổi phải đảm bảo có độ phủ rộng và đảm bảo chi phí phải thấp hơn trong môi trường thực, làm phong phú hơn các loại giao dịch, tránh việc lên môi trường số thì phức tạp hơn, đắt hơn. Đồng thời, phải đảm bảo tính khả thi khi áp dụng tính đồng bộ với các luật khác, tính thống nhất, xuyên suốt trong Luật này.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sẽ lắng nghe, ghi chú cẩn thận sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ các nội dung tiếp thu sẽ phối hợp với các cơ quan chủ trì thẩm tra cơ quan có liên quan để nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến của đại biểu tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định: “ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo luật trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 5”.

Thanh Hải