Thực trạng hoạt động tín dụng của các công ty tài chính tiêu dùng tại Việt Nam
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 13:50, 12/11/2022
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
I - Thực trạng và cơ hội cho các công ty tài chính
Tài chính tiêu dùng đã có những bước phát triển thần tốc trong các năm 2017-2018, với tốc độ bình quân 30% và giảm dần từ 2019 đến 2021 là 13,1%. Tốc độ tăng trưởng chậm lại vì các yếu tố kiểm soát vĩ mô cũng như dịch bệnh, tuy nhiên về quy mô thị trường có thể nói đã tăng gấp đôi sau 5 năm 2017-2021.
Tốc độ tăng trưởng nợ xấu trong 5 năm lại có xu hướng ngược lại. Nếu như trong các năm trước tỷ lệ nợ xấu kiểm soát trong phạm vi 5 - 6% thì dưới tác động của dịch COVID-19, năm 2021 đã tăng lên 9,6% và xu hướng này chưa có dấu hiệu dừng lại. Có thể nói thách thức lớn nhất của TCTD chính là nợ xấu. Đây là yếu tố khó kiểm soát nhất đối với các công ty tài chính (CTTC).
Các CTTC do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép và quản lý phải hoạt động tuân thủ từ quy định cho vay, thu hồi nợ, trích lập dự phòng rủi ro cho các nhóm nợ xấu giống như ngân hàng, mở rộng chi nhánh hoạt động… tất cả đều trong phạm vi kiểm soát của NHNN. Trong khi đó, các mô hình cung cấp tín dụng khác như: Vay App, P2P lending, cầm đồ… không thuộc NHNN quản lý nên tất cả mọi hoạt động đều vận hành như một đơn vị kinh doanh cá nhân, không có quy định cụ thể nào về an toàn hoạt động. Do đó, cần xây dựng lại cơ chế kiểm soát đối với các tổ chức này.
Tiềm năng thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam rất tốt. Với nhiều chính sách đúng đắn từ chính phủ đã giúp Việt Nam trở thành đất nước có nền kinh tế phục hồi sau đại dịch rất nhanh. Nhóm dân số thuộc độ tuổi lao động chín muồi từ 25 – 49 tuổi cũng là nhóm khách hàng tiềm năng của CTTC chiếm ~ 40% dân số. Đây là mảnh đất lớn đầy hấp dẫn đối với các tổ chức tài chính nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Như vậy, bức tranh lớn về cơ hội cho CTTC còn rất nhiều. Vì vậy, việc giải quyết các thực trạng nêu trên là rất cấp thiết.
II - Cơ hội và thách thức đối với tài chính tiêu dùng
Cơ hội cho ngành TCTD chỉ thực sự tiềm năng và phát triển mạnh mẽ khi những bài toán thách thức được giải đáp, tháo gỡ. Tác giả xin phác thảo một bức tranh về những thách thức xoay quanh TCTD như sau:
1. Quản lý:
Mọi hoạt động kinh doanh của CTTC do NHNN cấp phép hoạt động đều tuân thủ các thông tư được ban hành bởi NHNN, thực hiện theo các thông tư như: 18/2019/TT-NHNN; 43/2016/TT-NHNN…
Ba vấn đề khó khăn nhất hiện nay rất cần được tháo gỡ:
- Tăng trưởng tín dụng: Việc giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm đã thực sự gây khó khăn cho các CTTC thành lập từ năm 2018 đến nay. Thời gian chưa đủ dài để tích lũy tăng trưởng dư nợ cho vay ở con số lớn nên việc tính tỷ lệ tăng trưởng vô hình trung đã làm bó hẹp khả năng tăng thu nhập của công ty trong khi nợ xấu tăng nhanh suốt từ năm 2021 đến nay dẫn đến biên lợi nhuận thu hẹp dần nên phải cắt giảm chi phí, cắt giảm nhân sự… đây là điều mà không công ty nào mong muốn xảy ra.
- Tỷ lệ nợ xấu: Nợ xấu trung bình ngành tăng dần qua các năm và đến năm 2021 là 9,6%. Nếu dùng tỷ lệ nợ xấu như ngân hàng là 3% để đánh giá năng lực của CTTC thì không công ty nào đủ điều kiện đánh giá của NHNN để được xét duyệt mức tăng trưởng hàng năm.
- Tỷ lệ giải ngân tiền mặt: Dịch bệnh năm 2021 đã là một cản trở rất lớn đối với CTTC trong việc thực hiện các kế hoạch đầu tư hệ thống, chuyển đổi sản phẩm, mở rộng kênh bán mới để đáp ứng tỷ lệ giải ngân tiền mặt theo Thông tư 18/2019/TT- NHNN. Hơn nữa, thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt còn rất cao, đặc biệt sau dịch COVID-19 thì nhu cầu vay tiền mặt cho nhiều mục đích khác trong cuộc sống của người dân còn cấp thiết hơn nữa. Vì vậy, việc đáp ứng cho vay tiền mặt cũng là giải pháp giúp người dân không tìm đến “tín dụng đen”.
2. Cạnh tranh:
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển công nghệ thông tin mạnh mẽ thì sự cạnh tranh của CTTC không chỉ còn trong nội bộ ngành mà các CTTC còn phải đối mặt cạnh tranh với các công ty Fintech (gồm P2P - cho vay ngang hàng, vay qua App, vay ngày…), chuỗi cầm đồ (các công ty, tổ chức này không bị quản lý chặt chẽ bởi Luật Các TCTD).
- Khi gõ từ khóa vay tiền trên Google thì sẽ thấy xuất hiện rất nhiều các website quảng cáo vay tiền nhanh chỉ cần CCCD, không thẩm định… các website, App cho vay, P2P tiếp cận khách hàng mọi nơi, cho vay dễ dàng, chỉ cần khách hàng chấp nhận lãi suất cao. Đối với mô hình cho vay ngang hàng là hình thức dân sự, cho vay giữa cá nhân và cá nhân thông qua App trung gian. Vì vậy, việc cho vay lãi suất cao “cắt cổ” hay bị “xù nợ” đều không được bảo vệ quyền lợi, khó truy cứu trách nhiệm. Chưa kể hình thức P2P còn có thể là nơi núp bóng của “tín dụng đen”. Những loại hình này cũng gây hiểu nhầm, làm mất uy tín, ảnh hưởng tới các CTTC được NHNN cấp phép và quản lý.
- Chuỗi cầm đồ: không phải là tổ chức tài chính nên NHNN không quản lý. Chuỗi cầm đồ được cấp phép hoạt động theo quy định khác. Chính vì vậy, chính sách quản lý chế tài cũng khác nhau, đặc biệt là điều kiện về trích lập dự phòng rủi ro, các quy định cho vay/thu nợ.
Thời gian vừa qua, việc phát triển mạnh mẽ của chuỗi cầm đồ ngày càng lớn mạnh hơn. Thành lập một cửa hàng cầm đồ rất đơn giản về thủ tục, chỉ cần đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể (6.492 – 64.920: Hoạt động cấp tín dụng khác. Chi tiết: Dịch vụ cầm đồ). Vì vậy, các cửa hiệu cầm đồ mọc lên như nấm (gần 6.700 cơ sở dịch vụ cầm đồ).
Đi kèm theo việc mở rộng đó, đã có rất nhiều sai phạm mà truyền thông báo chí đã đưa tin (lãi suất được tính dưới dạng phí cao đến ~100%, nhận cầm tất cả các loại hình giấy tờ như CCCD, cà vẹt xe, bằng lái, sổ đỏ…). Với những biến tướng này đã biến các chuỗi cầm đồ thành các điểm cho vay tiền mặt cạnh tranh trực tiếp với CTTC. 16 CTTC được NHNN cấp phép so với gần 6.700 cửa hàng dịch vụ cầm đồ là sự chênh lệch về số lượng quá lớn
3. Khách hàng và truyền thông:
3.1 Khách hàng:
Thu nhập, hành vi vay cũng như trả nợ của khách hàng đã thay đổi nhiều sau 2 năm dịch bệnh.
Sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đã làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, mất/giảm thu nhập lên cao nhất vào giai đoạn quý III/2021 và đến nay sự ảnh hưởng đó vẫn chưa chấm dứt. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu hồi nợ của CTTC trong suốt năm 2021 đến nay.
Bên cạnh yếu tố khách quan, tỷ lệ khách hàng chây ỳ không trả nợ, vay xong trốn nợ hoặc cố tình làm giả hồ sơ vay để chiếm dụng vốn của CTTC ngày càng nở rộ.
Các trường hợp điển hình xấu ngày càng nhân rộng, có thể kể đến như:
+ Khách hàng vay, trả nợ chậm trễ 3-5 tháng. Khi nhân viên thu nợ đến gặp thì không hợp tác và thậm chí hành hung nhân viên công ty.
+ Khách hàng vay nợ tại nhiều CTTC cùng lúc trong khi thu nhập chỉ vừa đủ để trả nợ 1 khoản vay nên dẫn đến mất khả năng thanh toán, chây ỳ…
+ Khách hàng là công nhân ở trọ, trả nợ vài kỳ và dời nhà trọ không để lại thông tin gì.
+ Mạng xã hội (facebook) có nhiều nhóm tạo ra với mục đích hướng dẫn nhau cách bùng nợ tại các công ty tài chính, hướng dẫn đối phó với nhân viên thu nợ để không trả tiền.
+ Khách hàng làm hồ sơ giả vay tiền CTTC để chiếm dụng vốn.
Những câu chuyện thực tế nêu trên không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã xảy ra từ thời điểm đầu tiên khi có CTTC bắt đầu ra sản phẩm cho vay tín chấp (2007). Tuy nhiên, đến nay thì thực trạng này càng ngày càng phát triển tinh vi hơn, số tiền chiếm dụng lớn hơn và được nhân rộng hơn. Khách hàng hướng dẫn nhau bùng nợ mà không cảm thấy e ngại về danh dự hay chế tài pháp luật nữa.
3.2 Truyền thông:
CTTC bị đánh đồng với “tín dụng đen”.
Về phía CTTC, yêu cầu tuân thủ các quy định của NHNN trong hoạt động cho vay và thu hồi nợ theo Thông tư 18/2019 TT-NHNN quy định để bảo vệ khách hàng trước các hành vi thu nợ tiêu cực gây ảnh hưởng đến khách hàng, gây mất an ninh trật tự xã hội. Thế nhưng, hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể nào áp dụng đối với người đi vay mà không trả nợ để bảo vệ hoạt động của CTTC. CTTC huy động tiền từ các tổ chức và cho khách hàng vay lại với biên độ lãi suất và dự phòng rủi ro được tính toán trong phạm vi cho phép. Vì vậy, nếu chất lượng khách hàng ngày càng xấu dần mà không có giải pháp tiết chế thì e rằng lĩnh vực cho vay tài chính tiêu dùng sẽ là nơi chịu tổn thương nặng nề nhất.
Quy trình thu hồi nợ của CTTC luôn bắt đầu từ việc nhắc nhở khách hàng thanh toán nợ đúng hạn để tránh cho khách hàng bị rơi vào nhóm nợ quá hạn, ảnh hưởng đến CIC (lịch sử trả nợ của của khách hàng). Còn một tỷ lệ khách hàng vì lý do khách quan hay chủ quan nào đó mà bị trở thành nợ quá hạn và tiến dần đến các nhóm nợ xấu cao hơn thì tùy theo nhóm nợ của khách hàng mà CTTC sẽ có thang giải pháp xử lý nợ theo đúng quy trình của công ty và luôn bám sát các quy định của NHNN về hoạt động thu nợ. Vì vậy, rất cần sự thấu hiểu của truyền thông và sự bảo vệ của cơ quan chủ quản để làm sáng tỏ, tách bạch giữa CTTC và tín dụng đen; hay cụ thể hơn là cần truyền thông để hiểu rõ hơn những hoạt động của CTTC tiêu dùng được NHNN cấp phép để phân biệt với “tín dụng đen”.
III - Kiến nghị:
Để tạo điều kiện thuận lợi cho CTTC được phát triển tốt và bền vững, kiến nghị:
- NHNN giải quyết các khó khăn cho CTTC trong việc thực hiện Thông tư 18, Thông tư 43, Thông tư 52.
- NHNN xây dựng chính sách cơ chế quản lý riêng theo đặc thù ngành đối với mảng tài chính tiêu dùng. Tạo cho CTTC có môi trường hoạt động thông thoáng, an toàn và tuân thủ để có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
- Hệ thống thông tin CIC cập nhật đa dạng hơn bên cạnh thông tin về nợ vay. Đây là giải pháp giúp CTTC có thêm nhiều nguồn dữ liệu xung quanh khách hàng vay vốn để có các quyết định chuẩn xác hơn trong đánh giá thiện chí vay và khả năng trả nợ của khách hàng, giúp cho việc ra quyết định cho vay chuẩn xác. Hạn chế việc mất thanh khoản của khách hàng dẫn đến nợ xấu.
- Quy định về số lượng tổ chức tín dụng mà khách hàng vay vốn hoặc chỉ số dư nợ trên thu nhập để làm điều kiện cho vay, tránh tình trạng mỗi công ty quy định các tỷ lệ khác nhau dẫn đến cho khách hàng được xét vay quá khả năng chi trả.
- NHNN hỗ trợ chính sách giúp CTTC có thể thu hút nguồn vốn giá rẻ, làm cơ sở cho việc giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng vay vốn, trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho người yếu thế, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.
(*) Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance)