Đánh giá ảnh hưởng của tỷ giá đến các nhóm ngành cổ phiếu

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 08:50, 13/11/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-3% lên +/-5% sẽ có tác động tới các doanh nghiệp xuất và nhập khẩu có cổ phiếu đang niêm yết ra sao?

Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu khi chi phí nhập khẩu tăng thì khối lượng nhập khẩu có thể giảm xuống. Hơn nữa, hàng nhập khẩu phục vụ tiêu dùng trong nước tăng giá do chi phí cao có thể là cơ hội để sản xuất trong nước cạnh tranh. Ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu lại có lợi thế tương đối về giá. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, hàng hoá vào để sản xuất nhằm mục đích xuất khẩu thì khi đó sẽ có sự bù trừ.

Những tác động tích cực hỗ trợ đến các nhóm ngành

Các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ trực tiếp và có kết hợp sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ được hưởng lợi từ việc điều chỉnh tỷ giá, trong đó các ngành thủy sản, may mặc, cao su và khoáng sản. Điều này được thể hiện trên hai phương diện đó là giúp tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu, mở rộng thị phần và phần vượt trội thêm mà doanh nghiệp được hưởng khi các khoản thu ngoại tệ được ghi nhận bằng đồng nội tệ.

Các doanh nghiệp ngành dầu khí và vận tải biển có nguồn thu ngoại tệ trực tiếp từ việc bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ đầu ra cũng đồng thời được hưởng lợi từ việc thay đổi tỷ giá. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi nhưng mức độ ảnh hưởng tới từng doanh nghiệp lại khác nhau tùy vào cơ cấu doanh thu.

Những ảnh hưởng tích cực ở đây được hiểu là không những được nhìn nhận theo chiều hướng làm tăng giá giao dịch của cổ phiếu trên thị trường mà có thể giúp giá cổ phiếu không bị điều chỉnh sâu trong một chu kỳ giảm chung của thị trường.

Những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến các nhóm ngành

Ngược lại, việc điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp có các khoản nợ nước ngoài khi phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tỷ giá cuối năm, trong đó có các doanh nghiệp ngành dịch vụ công cộng, xi măng, vận tải biển và dầu khí.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài và phục vụ nhu cầu trong nước cũng chịu tác động từ việc thay đổi tỷ giá khi chi phí đầu vào gia tăng, có thể kể đến các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành như: nguyên vật liệu cơ bản (thép, nhựa), hàng tiêu dùng (sữa, bánh kẹo), công nghiệp (hóa chất, vận tải kinh doanh xăng dầu) cũng đều bị ảnh hưởng.

Tác động chung tỷ giá đến thị trường chứng khoán

Hiện nay, thị trường vẫn đang nằm trong xu hướng giảm. Hầu hết cổ phiếu niêm yết trên thị trường có giá giảm chung theo xu hướng này. Trong thị trường giá xuống thì hiệu ứng của các thông tin tốt thường rất hạn chế và cũng có thể những thông tin này đã phần nào được phản ảnh vào diễn biến giá cổ phiếu trong những đợt tăng điểm trước đó qua kỳ vọng của nhà đầu tư. Ngoài ra, diễn biến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu còn phụ thuộc vào nhiều các yếu tố khác liên quan đến triển vọng của từng ngành chứ không riêng vấn đề tỷ giá hối đoái.

Về nguyên tắc, khi đồng nội tệ giảm giá sẽ thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Trong ngắn hạn, sau mỗi lần điều chỉnh giảm giá đồng nội tệ sẽ có tác động tích cực đến việc thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế cả trực tiếp lẫn gián tiếp nếu những lần điều chỉnh đó mang tính chủ động và thể hiện sự linh hoạt của NHNN nhằm đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn của thị trường. Qua đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được hưởng lợi khi hiệu quả đầu tư được gia tăng.

Tuy nhiên, nếu việc điều chỉnh tỷ giá mang tính bị động thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ lo ngại nhiều hơn về những bất ổn kinh tế vĩ mô, vì là nhà đầu tư thì họ sẽ phải tính đến cả thời điểm rút vốn khỏi thị trường nước ngoài để hoàn tất từng chu kỳ đầu tư.

ThS. Nguyễn Minh Trí