Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam kiến nghị bỏ kinh doanh vàng trang sức ra khỏi mục kinh doanh có điều kiện
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 15:00, 14/11/2022
Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam kiến nghị bỏ kinh doanh vàng trang sức ra khỏi mục kinh doanh có điều kiện |
Phát biểu tại Hội thảo “Chất lượng của quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh” do VCCI tổ chức mới đây, ông Đinh Nho Bảng Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho biết, với quy định hiện hành, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam thống nhất với quy định tại Điều 7- về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (Khoản 1 Điều 7) của Luật Đầu tư đó là: “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Trong Luật Đầu tư năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 năm 2016 về Danh mục kinh doanh có điều kiện đối với ngành vàng lại chưa thể hiện đúng quy định tại các điều luật (Khoản 1 Điều 7). Do vậy, Hiệp hội đã đề nghị cần xuất phát từ quy định của Luật để đề xuất danh mục kinh doanh có điều kiện, không thể ban hành danh mục kinh doanh có điều kiện khác với quy định của điều luật.
Như vậy, khi đối chiếu với quy định Khoản 1 Điều 7 của Luật Đầu tư thì hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp là hoạt động sản xuất kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ và mua bán vàng miếng. Ông Đinh Nho Bảng cho rằng, việc sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ là sản xuất kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thông thường như tất cả các ngành nghề sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng khác nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước tham gia xuất khẩu như các nước trong khu vực, đây cũng là ngành thu hút nhiều lao động có tay nghề cao, kể cả ở các làng nghề. Chính vì vậy, việc sản xuất kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ hoàn toàn không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Còn liên quan đến việc sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, ông Đinh Nho Bảng cho rằn vẫn do Ngân hàng Nhà nước vẫn thực hiện theo quy định của luật pháp hiện hành vì mục đích điều hành chính sách tiền tệ (Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý kinh doanh vàng và Nghị định 51 của Chính Phủ về quản lý dự trữ Ngoại hối Nhà nước).
Do đó, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề nghị không đưa sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng vào danh mục kinh doanh có điều kiện tại phụ lục 4 của Luật Đầu tư (nằm trong danh mục 242).
Cũng theo ông Đinh Nho Bảng, Ngân hàng Nhà nước không phải doanh nghiệp nên Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp không nên đề cập đến hoạt động sản xuất vàng miếng do cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện. Còn về kinh doanh, mua bán vàng miếng thì có thể là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định hiện hành (Nghị định 24NĐ-CP của Chính phủ).
Từ thực tế trên, ông Đinh Nho Bảng cho biết, Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị:
Thứ nhất, việc sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng thì vẫn do Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo quy định hiện hành. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý Nhà nước chứ không phải là doanh nghiệp nên không đưa Ngân hàng Nhà nước vào đối tượng điều chỉnh như doanh nghiệp trong luật đầu tư. Vì vậy đề nghị việc sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật đầu tư.
Thứ hai, riêng việc mua bán, kinh doanh vàng miếng theo quy định hiện hành (Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý kinh doanh vàng) do Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho cả doanh nghiệp kinh doanh vàng, ngân hàng thương mại thực hiện thì vẫn có thể vẫn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hoặc có thể loại bỏ khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện vì việc sản xuất vàng miếng Ngân hàng Nhà nước đã nắm và điều chỉnh (tức là phần cung cho thị trường đã do Ngân hàng Nhà nước nắm, quản lý). Còn việc mua bán trên thị trường nên để thị trường tự điều tiết và thị trường vàng miếng không còn hấp dẫn như trước đây.
Thứ ba, việc sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ là sản xuất, lưu thông hàng hóa tiêu dùng. Cần loại bỏ ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4.