WB: Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ hết sức quan trọng để đảm bảo giá cả ổn định

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 14:40, 16/11/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng việc phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ lúc này trở nên hết sức quan trọng để đảm bảo giá cả ổn định trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong nước tăng tốc.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,3% trong tháng 10 (so cùng kỳ năm trước), so với 10,3% trong tháng trước. WB cho rằng, tăng trưởng giảm tốc có thể do hiệu ứng xuất phát điểm thấp đang yếu dần. Tuy nhiên, sức cầu yếu đi bên ngoài cũng có thể là nguyên nhân quan trọng khi tăng trưởng tại EU, Mỹ và Trung Quốc đang chậm lại.

Doanh số bán lẻ tăng 17,1% trong tháng 10 so cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức 32,3% trong tháng trước. Điều này phản ánh nhu cầu trong nước đang yếu đi do quá trình hồi phục tiêu dùng trong ba quý đầu năm dường như đang yếu dần trong điều kiện lạm phát.

Mặc dù cán cân thương mại ghi nhận thặng dư ở mức 2,3 tỷ USD trong tháng 10, tháng thứ năm liên tiếp, nhưng tăng trưởng xuất khẩu lại giảm từ 10,3% trong tháng 9 (so cùng kỳ) xuống còn 4,8% trong tháng 10 (so cùng kỳ), là tốc độ tăng thấp nhất kể từ tháng 10/2021. Tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc một phần là do hiệu ứng xuất phát điểm thấp đang mờ dần và một phần cũng do sức cầu bên ngoài yếu đi.

Số đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng bật lại nhờ dòng vốn đầu tư cơ sở sản xuất kinh doanh mới tăng trong các lĩnh vực điện, khí và cấp nước, trong khi số giải ngân FDI vẫn duy trì tăng trưởng vững chắc.

Lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tốc từ 3,9% trong tháng 9 lên 4,3% trong tháng 10, lần đầu tiên vượt trên chỉ tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) kể từ tháng 4/2020. Yếu tố đóng góp của lĩnh vực vận tải tiếp tục giảm mạnh do giá xăng dầu trong tháng 10 giảm lần lượt 6,0% (so cùng kỳ) và 0,6% (so tháng trước), thấp hơn 2,1% so với năm trước. Bù lại, lạm phát gia tăng là do giá lương thực thực phẩm tăng mạnh từ 2,8% trong tháng 9 lên 5,0% trong tháng 10/2022, mức cao nhất kể từ tháng tháng 12/2020. 

Giá xăng nhập khẩu bình quân giảm bốn tháng liên tiếp (giảm 9,0% so tháng trước) và dự kiến sẽ giúp hạ áp lực lạm phát trên thị trường trong nước. Giá phân bón nhập khẩu cũng giảm 15,0%, gần bằng mức cách đây một năm. Giá thép cũng giảm ba tháng liên tiếp (giảm 8,5% so tháng trước và 20,4% so cùng kỳ năm trước).

Trong khi đó, nhằm giảm áp lực hạ giá VND, NHNN đã nâng độ linh hoạt của tỷ giá bằng cách nới rộng biên tỷ giá VND/USD từ +/- 3% lên +/- 5%, đồng thời nâng các mức lãi suất chính sách thêm 100 điểm cơ bản trong tháng 10/2022. Vào cuối tháng 10, ngân sách nhà nước ghi nhận bội thu ở mức 10,7 tỷ USD. Do bội thu ngân sách và chi phí vay nợ gia tăng trên thị trường trong nước, khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ trong 10 tháng đầu năm 2022 chỉ bằng 34,9% kế hoạch, so với 72,5% trong năm trước đó.

Với bối cảnh vĩ mô hiện tại, WB nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều lực cản mạnh. “Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ lúc này trở nên hết sức quan trọng để đảm bảo giá cả ổn định trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong nước tăng tốc. Hơn nữa, biến động gần đây trong khu vực ngân hàng đòi hỏi phải thận trọng hơn và tăng cường hơn nữa những nỗ lực giám sát”, WB nhận định.

Quỳnh Lê