“Điểm danh” các nguồn vốn cho năng lượng tái tạo

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 08:40, 20/11/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong dự thảo quy hoạch điện VIII vừa được Bộ Công Thương trình Chính phủ, năng lượng tái tạo (NLTT) sẽ chiếm khoảng 26% cơ cấu nguồn điện của Việt Nam vào năm 2030 và có thể lên mức 50,6% năm 2045. Để thực hiện mục tiêu này, cần một nguồn vốn lớn, ước tính lên tới tới khoảng 165,7 tỷ USD dành cho phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, bên cạnh các nguồn vốn chủ sở hữu, tín dụng thương mại từ đối tác, lĩnh vực NLTT hiện nay có thể tiếp cận vốn qua các kênh lớn chủ yếu là vốn ngân sách nhà nước (NSNN), tín dụng ngân hàng, thị trường vốn (cổ phiếu và trái phiếu), cho thuê tài chính, quỹ đầu tư và nguồn vốn quốc tế khác... 

Nguồn vốn ngân sách: Vốn “mồi”

Trong phát triển NLTT, nguồn vốn từ NSNN là dòng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng, mạng lưới truyền tải chính. Theo Quy hoạch điện VIII, trong 165,7 tỷ USD đầu tư phát triển điện lực, sẽ dành 131,2 tỷ USD cho phát triển nguồn điện, còn khoảng 34,5 tỷ USD dành cho lưới điện.

“Như vậy, bình quân mỗi năm cần vốn đầu tư 3,45 tỷ USD/năm trong khi đó thực tế triển khai trong giai đoạn 2011-2020, hàng năm EVN và EVN-NPT chỉ thu xếp được khoảng gần 1 tỷ USD/năm cho đầu tư lưới điện truyền tải…”- TS. Cấn Văn Lực phân tích.

Theo ông, tuy chỉ chiếm khoảng 29% nhu cầu đầu tư cho điện lực hàng năm, nguồn vốn từ NSNN lại có ảnh hưởng rất lớn bởi vấn đề mạng lưới truyền tải điện đang được xác định là một điểm nghẽn của ngành điện Việt Nam nhưng cũng là vốn mồi.

“Việc đảm bảo kế hoạch giải ngân đầu tư công trị giá 1 tỷ USD/năm này vì thế có ý nghĩa quyết định trong phát triển của NLTT nói riêng và ngành điện nói chung, đòi hỏi nhiều nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ…”- TS. Lực nhấn mạnh

Nguồn vốn tín dụng: Kênh an toàn, hiệu quả

Theo ước tính của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, kênh tín dụng hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) giúp cung cấp trên 50% tổng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Tính đến cuối tháng 10/2022, quy mô tín dụng của nền kinh tế đạt hơn 11,6 triệu tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với cuối năm 2011 với mức tăng trưởng giai đoạn 2011-2021 đạt 14,3%/năm.

Tín dụng cũng là nguồn vốn chủ lực cho lĩnh vực NLTT tại Việt Nam thời gian qua. Theo số liệu từ Nhân hàng nhà nước, tổng dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam đến tháng 6/2022 đạt 474 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng NLTT, năng lượng sạch chiếm tỷ trọng lớn nhất (47%, tương đương 218 nghìn tỷ đồng).

Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của NLTT vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế do: Các dự án NLTT đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu nên gây khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng; dự án NLTT cần nguồn vốn dài hạn, quy mô lớn trong khi nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn hạn nên các TCTD gặp khó trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.

Bên cạnh nguồn vốn tín dụng trong nước, lĩnh vực NLTT còn có thể vay vốn từ các tổ chức quốc tế. Đơn cử như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã cấp một khoản vay xanh trị giá 116 triệu USD cho Công ty CP Điện gió Liên Lập, Công ty CP Điện gió Phong Huy và Công ty CP Điện gió Phong Nguyên trong năm 2021 để xây dựng và vận hành 3 trang trại điện gió tại tỉnh Quảng Trị; Hay IFC, thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới, cũng đã công bố sẽ tài trợ 2 dự án điện gió tại Miền Trung Việt Nam với gói tài trợ trị giá 57 triệu USD cho Công ty CP Phong điện Thuận Bình (TBW, công ty con của Công ty CP Cơ điện lạnh - REE).

Theo TS Cấn Văn Lực, nguồn vốn từ những tổ chức này có quy mô lớn, lãi suất ưu đãi nên rất phù hợp cho lĩnh vực NLTT. Tuy nhiên, những dự án, DN muốn tiếp cận nguồn vốn này cần đảm bảo minh bạch thông tin cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn xanh mà các tổ chức quốc tế đưa ra.

Phát hành chứng khoán: Triển vọng tích cực

Thị trường chứng khoán Việt Nam có bước phát triển vượt bậc từ năm 2015. Tổng mức vốn hóa thị trường tăng lên hơn 5 lần từ mức 1,42 triệu tỷ đồng cuối 2015 lên đến mức hơn 7,7 triệu tỷ đồng cuối 2021 Đến nay, đã có gần 50 DN đạt mức vốn hóa trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường sụt giảm khá mạnh từ đầu năm 2022 với quy mô vốn hóa giảm xuống còn gần 6 triệu tỷ đồng (giảm 24% so với cuối năm 2021) làm ảnh hưởng đến nhiều kế hoạch phát hành cổ phiếu của các DN trong năm nay.

Lĩnh vực NLTT cũng có sự hiện diện đáng kể trên thị trường cổ phiếu. Có thể điểm qua một vài DN tiêu biểu như Cơ điện lạnh REE (REE), Điện Gia Lai (GEG), CTCP Tập đoàn PC1 (PC1), CTCP Tư vấn xây dựng điện 2 (TV), Tập đoàn Hà Đô (HDG)… Trong bối cảnh thị trường đang gặp nhiều biến động thì các ngành như NLTT lại được xem là nơi đầu tư an toàn.

VNDIRECT nhận định rằng các công ty tập trung đầu tư năng lượng sạch có thể phát triển vượt bậc trong những năm tới, nên việc lựa chọn các cổ phiếu phòng thủ có triển vọng tăng trưởng gắn chặt với tăng trưởng kinh tế, như nhóm ngành này là một lựa chọn an toàn và hợp lý, nhất là khi thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều biến động lớn.

Tương tự, Chứng khoán MBS cũng đánh giá cao triển vọng tươi sáng của ngành điện và sản xuất điện khi nhu cầu tiếp tục tăng lên cùng tăng trưởng kinh tế trong năm 2022. Do đó, triển vọng gọi vốn thông qua thị trường cổ phiếu của lĩnh vực NLTT là rất tích cực trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động hiện nay.

Phát hành trái phiếu: Khó khăn!

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2021, có gần 400 DN phát hành, khối lượng phát hành là gần 657 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các DN năng lượng đã phát hành khoảng 25 nghìn tỷ đồng, DN có lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhiều nhất là Trung Nam Group, tiếp đó là Điện Gia Lai (GEG)…

Tuy nhiên, trong năm 2022, với một số vụ vi phạm phát hành TPDN, Chính phủ chấn chỉnh, lành mạnh hóa và tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn, thị trường đã trầm lắng đáng kể. Theo báo cáo của VBMA, tính đến cuối tháng 10/2022, khối lượng phát hành thêm của các DN chỉ bằng 1/3 với tổng khối lượng phát hành 2021 là 259 nghìn tỷ đồng, cả năm chỉ khoảng 400 nghìn tỷ đồng (bằng 55% của năm 2021, trong khi nhu cầu vốn, nhu cầu trả nợ TPDN đến hạn tăng).

Bên cạnh những vấn đề chung của thị trường, TPDN của lĩnh vực NLTT cũng có những khó khăn, thách thức riêng. Trong năm 2021, lãi suất bình quân của TPDN lĩnh vực năng lượng dao động trong khoảng 9,5-11%/năm (cao hơn mặt bằng lãi suất bình quân của TPDN riêng lẻ năm 2021 là 8%), gây ra rủi ro tín dụng cho cả nhà đầu tư và DN. Về phía DN năng lượng, việc phát hành trái phiếu với lãi suất cao như trên khó có thể tối ưu được chi phí vốn (vì đầu tư dự án NLTT cần thời gian dài hạn, cơ chế về giá vẫn chưa rõ ràng nên rủi ro cao). Về phía nhà đầu tư, do thiếu công cụ thẩm định, các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân mua TPDN chủ yếu dựa vào lãi suất sẽ không biết được trái phiếu nào an toàn và thu được lợi nhuận.

Nguồn vốn FDI: Nhiều kết quả tích cực

Trong 10 tháng đầu năm 2022, lượng vốn đăng ký mới vào ngành Sản xuất, phân phối điện đạt hơn 2,2 tỷ USD, xếp thứ 3 về lượng FDI đăng ký (sau lĩnh vực Công nghiệp chế biến chế tạo và Kinh doanh BĐS). Việt Nam đang là điểm đến của dòng vốn đầu tư cho lĩnh vực năng lượng, thể hiện qua dữ liệu M&A các dự án NLTT vẫn tăng gấp đôi so với năm trước, bất chấp khó khăn với M&A giảm sút trên mọi lĩnh vực (theo VNDirect).

Bên cạnh những dự án trong lĩnh vực điện lực và năng lượng, những dự án FDI xanh tại các lĩnh vực khác cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của NLTT tại Việt Nam. Ví dụ, Tập đoàn LEGO đã khởi công xây dựng nhà máy mới trị giá hơn 1 tỷ USD được trang bị các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà và một trang trại ĐMT trên khu đất lân cận tại Bình Dương vào đầu tháng 11/2022; hay Tập đoàn Pandora, Đan Mạch cũng đã quyết định đầu tư dự án 100 triệu USD dự kiến sử dụng 100% NLTT. Các dự án FDI này không chỉ đóng góp nhiều giá trị kinh tế, mà còn thúc đẩy sự phát triển của NLTT, qua đó giúp Việt Nam phát triển bền vững hơn và "xanh" hơn…

Nguồn vốn từ các quỹ đầu tư: Thiếu mô hình quỹ đầu tư ESG

Số lượng quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam khá nhiều, gồm các quỹ đầu tư chủ yếu vào cổ phần tư nhân; quỹ đầu tư công nghệ cao và đầu tư mạo hiểm (Dragon Capital, IDGVV-IDG Venture Vietnam, VinaCapital, FPT Venture...); quỹ đầu tư vào bất động sản; quỹ đầu tư vào cổ phiếu niêm yết, các công ty cổ phần… Trong năm 2021, thị trường ghi nhận 165 thương vụ đầu tư vào các startup, thu hút được hơn 1,44 tỷ USD.

Trong năm 2022, thị trường khởi nghiệp Việt Nam đã đánh dấu sự khởi đầu tiềm năng với các thương vụ nội bật trong mảng công nghệ tài chính và thương mại điện tử như đầu tư của Square Peg vào ngân hàng kỹ thuật số Timo, đầu tư của VNG và Do Ventures vào công ty giải pháp phần mềm kỹ thuật số OpenCommerce Group…. Việt Nam hiện dẫn đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng số lượng giao dịch đầu tư mạo hiểm. So với năm 2020, số lượng giao dịch đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam vào năm 2021 đã tăng 57%, cao hơn Singapore (53%), Philippines (42%), Indonesia (27%), Thái Lan (9%) và Malaysia (1%). Về vốn đầu tư, Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong ASEAN về tốc độ tăng vốn cho đầu tư khởi nghiệp.

Sự phát triển mạnh mẽ của các quỹ đầu tư chính là cơ hội cho các các DN lĩnh vực NLTT, đặc biệt là các DN startup tại Việt Nam. Theo VNDirect, hoạt động M&A tại các dự án NLTT vẫn tăng gấp đôi so với năm trước, bất chấp khó khăn với M&A giảm sút trên mọi lĩnh vực. Điều này cho thấy NLTT vẫn có sức hút lớn tới dòng vốn tư nhân, và các DN NLTT cần quyết liệt thu hút dòng vốn từ nguồn này hơn nữa…

Tuy nhiên, Việt Nam hiện tại chưa có quỹ đầu tư ESG (ưu tiên các dự án tính đến các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị)), một nguồn vốn đầu tư quan trọng cho lĩnh vực NLTT. Ghi nhận từ các thị trường mới nổi và đang phát triển cùng khu vực cho thấy các quỹ ESG có xu hướng gia tăng quy mô vốn rất lớn. Do đó, việc thiếu sót loại hình quỹ đầu tư này tại Việt Nam là một thiệt thòi lớn cho lĩnh vực NLTT.

Bên cạnh đề xuất hoàn thiện cơ chế chinh sách để tháo gỡ bài toán vốn cho NLTT, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng các DN cần nghiên cứu các nguồn vốn để lựa chọn cách tiếp cận cho phù hợp.

Thanh Thanh