Nhiều doanh nghiệp cấp nước có doanh thu tăng trưởng tích cực
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 11:04, 21/11/2022
|
Công ty cổ phần Nước môi trường Bình Dương Biwase (BWE: HOSE) đạt doanh thu hợp nhất 860 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 196,6 tỷ đồng, tăng lần lượt 32,1% và 23,9% so với quý III năm ngoái.
Bình Dương là tỉnh có mức độ công nghiệp hóa và đô thị hóa cao ở miền Nam. Biwase không chỉ kinh doanh nước sạch mà còn kinh doanh dịch vụ môi trường, xử lý chất thải ở địa bàn Bình Dương. Đây là 2 ngành có sự tăng trưởng khá vững chắc trong các năm vừa qua.
Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai (DNW: UPCOM) đạt doanh thu 279,5 tỷ đồng, tăng 23,8% so với quý III/2021, lợi nhuận sau thuế 67,1 tỷ đồng, tăng 7,6% so với quý III năm ngoái.
Nằm sát TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai là tỉnh đang trong quá trình phát triển đô thị hóa và công nghiệp hóa, tạo thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực kinh doanh cơ sở hạ tầng trong đó có ngành cấp nước. Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai được cổ phần hóa năm 2014, hiện có 9 chi nhánh cấp nước, 2 công ty con (CTCP cấp nước Nhơn Trạch và CTCP cấp nước Long Khánh) và 2 công ty liên kết. Tuy chỉ có vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng nhưng hiện nay DNW là công ty cấp nước có sản lượng đứng thứ 3 toàn quốc (sau Sawaco và Hawacom) với sản lượng xấp xỉ 450.000 m3/ngày đêm. Công ty đang triển khai dự án Nhơn Trạch 2 để tăng thêm 100.000m3/ngày. Sản lượng của DNW cao hơn khoảng 10% so với Biwase là công ty có công suất đứng thứ 4 toàn quốc. Cổ đông nhà nước nắm 64% của DNW là Tổng công ty Sonadezi, hai cổ đông chiến lược là CTCP Nước Môi trường Bình Dương (Biwase) nắm 17,7% và CTCP nước Thủ Dầu Một nắm 12%.
Công ty cổ phần cấp nước Gia Định (GDW: HNX) đạt doanh thu 160 tỷ đồng, tăng 26% so với quý III/2021, lợi nhuận sau thuế 5,7 tỷ đồng, trong khi quý III năm ngoái lợi nhuận âm. Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu 459 tỷ đồng, tăng 8% so với 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt 15,6 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình của công ty, doanh thu quý III/2022 tăng mạnh là do đơn giá bán nước tăng 1.597 đồng/m3 và sản lượng tiêu thụ nước sạch tăng 1,088 triệu m3. Kết hợp nhiều yếu tố khiến cho lợi nhuận cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty cổ phần hóa năm 2007, hiện có vốn điều lệ 95 tỷ đồng, phần vốn nhà nước chiếm 51,2% do Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) quản lý. Các cổ đông lớn khác gồm Công ty TNHH nước sạch REE sở hữu 20%, Ngân hàng TMCP Đông Á sở hữu 10% và Quỹ America LLC sở hữu 5,23%. Ngoài ra, Công ty đầu tư tài chính TP. Hồ Chí Minh nắm giữ 0,44%. Công ty đang quản lý hệ thống cấp nước, kinh doanh nước sạch ở quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận, một số phường thuộc quận 3 và quận Gò Vấp (TP. HCM). Năm 2021, công ty đạt sản lượng nước tiêu thụ 51,5 triệu m3, doanh thu 561 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 23 tỷ đồng, không hoàn thành kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông đề ra. Năm 2022, công ty đặt kế hoạch sản lượng nước tiêu thụ 54,5 triệu m3 (tăng 6% so với 2020), doanh thu 643 tỷ đồng (tăng 14,6%) và lợi nhuận trước thuế 24,5 tỷ đồng (tăng 6,5%).
Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè (NBW: HNX) đạt doanh thu 218,5 tỷ đồng, tăng 27% so với quý III/2021 và lợi nhuận sau thuế 4,74 tỷ đồng, tăng 47,7% so với cùng kỳ.
Công ty được cổ phần hóa năm 2006, hiện có vốn điều lệ 109 tỷ đồng, phần vốn nhà nước chiếm 53,4% do Tổng công ty Sawaco quản lý, ngoài ra cổ đông lớn nắm 20% vốn là REE Water hiện sở hữu xấp xỉ 2,2 triệu cổ phần. Công ty đang quản lý hệ thống cấp nước, kinh doanh nước sạch ở quận 4, quận 7 và huyện Nhà Bè (TP. HCM), đồng thời bước đầu mở rộng địa bàn cấp nước sang các xã của huyện Cần Giuộc (Long An). Từ sau khi cổ phần hóa, công ty đã phát triển thêm nhiều khách hàng, từ 66 nghìn đồng hồ nước năm 2007 đến nay đã vượt 131 nghìn đồng hồ, sản lượng nước sạch tiêu thụ từ 36,5 triệu m3 năm 2007 lên 69,6 triệu m3 năm 2021.
Quý III/2021, Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng (HPW: UPCOM) đạt doanh thu 261,9 tỷ đồng, tăng 6,3% so với quý III/2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 30,3 tỷ đồng, xấp xỉ quý III/2021.
Được cổ phần hóa năm 2015, công ty có vốn điều lệ 742 tỷ đồng, phần vốn nhà nước chiếm 80,6% do UBND TP.Hải Phòng quản lý. Trải qua nhiều thập kỷ phát triển, đến nay địa bàn kinh doanh của công ty trải dài trên toàn bộ thành phố Hải Phòng với tổng số 331.000 hộ khách hàng, lượng nước sản xuất 80,36 triệu m3. Với sản lượng này, công ty là doanh nghiệp có quy mô lớn thứ 2 trong số các DN cấp nước ở miền Bắc (chỉ đứng sau Công ty nước sạch Hà Nội Hawacom) và là doanh nghiệp cấp nước lớn nhất ở miền Bắc đã cổ phần hóa.
Tại thời điểm cổ phần hóa vào năm 2015, công ty đang quản lý và sử dụng 36 lô đất lớn với tổng diện tích 212.531 m2 ở nhiều vị trí vàng tại Hải Phòng, ví dụ như 2.205,5 m2 ở 54 Đinh Tiên Hoàng, quận Hồng Bàng; 86.427,5 m2 ở số 249 Tôn Đức Thắng, quận Lê Chân; 2.688,7 m2 ở khu đô thị Cựu Viên, quận Kiến An; 30.045m2 ở xã Thái Sơn, huyện An Lão; 12.668,8 m2 ở phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn, 658m2 ở 426 Lê Duẩn, quận Kiến An… Đa số các lô đất này nằm ở mặt đường lớn tại Hải Phòng, nếu một vài trong số đó mà được chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì sẽ có thể mang lại lợi nhuận rất lớn cho công ty.
Hải Phòng là thành phố trực thuộc trung ương, là thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng và cũng là một trong những trung tâm phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Dự kiến dân số đô thị Hải Phòng đến năm 2025 khoảng 2,4-2,7 triệu người, đến năm 2035 đạt khoảng 3,5-4,2 triệu người.
Theo quy định pháp luật hiện hành (Nghị định 117/2007/NĐ-CP), mỗi vùng phục vụ cấp nước chỉ do một đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước. Đặc thù này của ngành cấp nước hình thành thế độc quyền, tạo điều kiện thuận lợi lớn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cấp nước khiến cho ngành này được đánh giá là 1 trong những kinh doanh an toàn nhất hiện nay. Tuy nhiên, cổ phiếu ngành nước thời gian qua chưa thu hút nhiều chú ý của dòng tiền trên thị trường chứng khoán.