Sắp ban hành khung giá cho điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 17:13, 23/11/2022
Thông tin này được đại diện Bộ Công Thương đưa ra tại Toạ đàm "Thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức.
Toàn cảnh buổi tọa đàm |
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) - ông Nguyễn Văn Vy, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn trong phát triển điện mặt trời, điện gió. Tổng tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời của Việt Nam khoảng 434 nghìn MW (trong đó: điện mặt trời quy mô lớn mặt đất khoảng 309 nghìn MW; trên mặt nước khoảng 77 nghìn MW; trên mái nhà khoảng 48 nghìn MW). Tổng tiềm năng kỹ thuật khoảng 377 nghìn MW (trong: đó điện gió trên đất liền khoảng 217 nghìn MW, trên mặt biển khoảng 160 nghìn MW)
Nhờ chính sách khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, điện mặt trời đã có các bước phát triển vượt bậc. Đến nay tổng công suất nguồn điện mặt trời của Việt Nam là 16.545 MW (trong đó có 8.904 MW công suất điện mặt trời tập trung và 7.641 MW điện mặt trời mái nhà)
Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam được quy định tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và đầu tư các dự án điện gió. Đến nay đã có 7.605 MW công suất nguồn điện gió đã hoàn thành, trong đó có 4.126 MW đã vào vận hành, đã được hưởng giá FIT (giá mua điện ưu đãi) theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; còn 62 dự án điện gió với tổng công suất 3.479 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng do giá FIT hết hạn nên chưa có giá bán điện.
Chỉ ra những bất cập trong phát trển các dự án điện mặt trời, điện gió, đại diện VEA cho rằng Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam quy định một số dự án điện mặt trời nối lưới và các dự án điện mặt trời mái nhà đáp ứng các điều kiện được áp dụng biểu giá FIT khi đưa vào vận hành thương mại đến ngày 31/12/2020. Bộ Công Thương nghiên cứu hoàn chỉnh cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời để áp dụng từ năm 2021. Thế nhưng, từ đầu năm 2021, các dự án điện mặt trời không được áp dụng biểu giá FIT, trong khi cơ chế đấu thầu chưa được ban hành.
Với điện gió, theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, giá mua điện của dự án điện gió trong đất liền và trên biển được áp dụng giá FIT đối với các dự án vào vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021. Như vậy, sau thời điểm này, các dự án điện gió chưa có cơ chế thực hiện. Hiện nay còn 3.479 MW công suất nguồn điện gió đã xây dựng xong, nhưng vẫn chưa được đưa vào vận hành, gây khó khăn cho nhiều nhà đầu tư và lãng phí lớn do thiếu cơ chế giá cho các dự án này.
|
Với khoảng trống - khoảng dừng đột ngột về việc ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển đối với hai nguồn điện tái tạo có tiềm năng lớn (gần 2 năm qua với điện mặt trời và hơn 1 năm với điện gió), nhiều nhà đầu tư đang rất khó khăn do đã đầu tư nhiều nguồn lực cho mua sắm, xây dựng và lắp đặt mà vẫn không kịp hưởng giá FIT cũng như nhiều nhà đầu tư khác đang trong giai đoạn đầu tư ban đầu (bổ sung dự án vào quy hoạch điện, mặt bằng đất đai…) và chuẩn bị xúc tiến đầu tư các dự án mới…
Do vậy thông tin khung giá điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp sắp được ban hành đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm và mong đợi suốt 2 năm nay.
Theo đại diện Bộ Công Thương, khung giá được ban hành trên cơ sở Thông tư 15/2022/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Trên cơ sở khung giá này, EVN đàm phán với các chủ đầu tư.
Đại diện Bộ Công Thương cùng cho biết, hiện có khoảng 4.000 MW đối tượng chuyển tiếp điện gió và điện mặt trời.