Doanh nghiệp phân bón đặt nhiều kỳ vọng vào quý IV

Chứng khoán - Ngày đăng : 09:07, 26/11/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Dù đứng trước áp lực giảm chung của thị trường, song mặt bằng thị giá nhóm cổ phiếu phân bón ghi nhận sự ổn định trong năm nay, thậm chí có những thời điểm ngược dòng thị trường chung. Trải qua quý III với kết quả kinh doanh trái chiều, bước sang quý IV, cũng mùa cao điểm vụ Đông – Xuân, nhóm cổ phiếu phân bón được kỳ vọng sẽ là điểm sáng trong bức tranh ảm đạm chung của thị trường.

Lợi nhuận quý III phân hóa

Sau khi tăng mạnh vào cuối quý I/2022 do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine, giá phân bón đã hạ nhiệt và đi ngang trong nhiều tháng. Tuy nhiên, với ảnh hưởng kéo dài từ xung đột Nga – Ukraine, nguồn cung phân bón trên thế giới – đặc biệt là Ure tại khu vực châu Âu, bị thiếu hụt. Kết quả, giá phân bón Ure đã bật tăng trở lại từ tháng 9/2022.

Theo VDSC, mức giá bán các loại phân bón được nhiều bên dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong quý IV/2022 khi vụ Đông Xuân bắt đầu và sẽ kéo dài qua quý I/2023. Những dự báo này dựa trên tình hình xung đột Nga – Ukraine vẫn còn căng thẳng và Nga tiếp tục áp dụng hạn ngạch xuất khẩu phân bón Ure đến cuối 12/2022. Hay hoạt động xuất khẩu phân bón của Trung Quốc vẫn rất hạn chế nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa.

Trong nước, các doanh nghiệp phân bón ghi nhận kết quả kinh doanh trái chiều. Trong khi CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (DPM) vẫn ghi nhận lợi nhuận tốt so với cùng kỳ trong khi CTCP Phân bón Bình Điền (BFC) hay CTCP DAP – Vinachem (DDV) cho thấy sự sụt giảm.

DPM công bố kết quả kinh doanh quý III/2022 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 3.930 tỷ đồng (tăng 37,5% so với cùng kỳ) và 997 tỷ đồng (tăng 61,3% so với cùng kỳ).

Doanh thu của DPM tăng trưởng chủ yếu đến từ việc giá bán các sản phẩm chính như Ure, NPK duy trì ở mức cao so với cùng kỳ trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ không có nhiều đột biến. Theo ước tính của VDSC, giá bán Ure tăng hơn 40%, giá bán NPK tăng hơn 50%.

Biên lợi nhuận gộp đạt 37,8%, giảm nhẹ so với mức 36,9% cùng kỳ năm ngoái và mức 38,5% của quý II/2022. Giá bán duy trì mức cao cùng với việc giá khí đầu vào có xu hướng giảm là những yếu tố hỗ trợ biên lợi nhuận gộp chung của doanh nghiệp.

Sản lượng tiêu thụ được hỗ trợ nhờ hoạt động xuất khẩu khi mà tình hình tiêu thụ trong nước yếu, nhất là khi quý III lại là mùa thấp điểm trong cả năm.

Đối với DCM, sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp ghi nhận kết quả tốt nhờ hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng ở mảng NPK. DCM công bố kết quả kinh doanh quý III/2022 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 3.458 tỷ đồng (tăng 82,3% so với cùng kỳ) và 727 tỷ đồng (tăng 93,1% so với cùng kỳ). Các điểm nhấn chính gồm:

Doanh thu tăng trưởng đến từ giá bán các sản phẩm tăng cao cũng như sản lượng tiêu thụ. Theo đó, sản lượng tiêu thụ các loại sản phẩm trong quý III/2022 tăng hơn 30% so với cùng kỳ trong khi đơn giá sản phẩm Ure quý III/2022 tăng hơn 32,7% so với cùng kỳ và đơn giá sản phẩm NPK tăng hơn 20,4% so với cùng kỳ. Đặc biệt, sản lượng xuất khẩu Ure của DCM nhìn chung tốt hơn rất nhiều so với cùng kỳ khi doanh thu xuất khẩu Ure đạt 936 tỷ đồng, tăng 213%.

Biên lợi nhuận gộp đạt 33,6% trong quý III/2022, giảm nhẹ so với mức 35,3% cùng kỳ năm ngoái và 33,9% của quý II/2022. Cũng giống như DPM, giá bán duy trì ở mức cao cũng như giá khí đầu vào có xu hướng giảm là những yếu tố giúp biên lợi nhuận gộp của DCM ở mức tốt.

Đối với mảng NPK, công ty ước tính tiêu thụ 23.400 tấn trong quý III/2022, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ. Trong bối cảnh công suất nhà máy tăng dần từ khi đi vào hoạt động và giá phân NPK cao, biên lợi nhuận gộp của nhà máy đạt 10,6% - ở mức tốt so với các nhà máy sản xuất NPK khác với công suất cao hơn.

Ở chiều ngược lại, đối với BFC, doanh nghiệp doanh thu thuần ghi nhận tăng 28% so với cùng kỳ lên 2.285 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm mạnh 92% xuống chỉ còn 2,9 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ ghi nhận 6 tỷ đồng, giảm 77%.

Sản lượng tiêu thụ quý III/2022 của doanh nghiệp chỉ đạt 135.000 tấn, giảm 16,6% so với cùng kỳ, do đó BFC ghi nhận đà tăng doanh thu 28% chủ yếu từ việc giá phân bón ở mức cao. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân do cạnh tranh cao ở mảng NPK và nhu cầu thấp ở thị trường nội địa. Giá bán trung bình trong quý III/2022 đạt 16.981 đồng/kg, tăng 52,5%.

Cũng rơi vào trường hợp tương tự, dù doanh thu xuất khẩu giảm song giá bán tăng giúp DDV duy trì được doanh thu so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu của doanh nghiệp đạt 742 tỷ đồng, giảm 5,9% so với quý III năm ngoái. Cơ cấu doanh thu trong quý của DVV chủ yếu đến từ xuất khẩu với 548 tỷ đồng.

Công ty cho biết, doanh thu trong quý giảm do sản lượng tiêu thụ trong quý giảm (đạt 36.600 tấn, giảm 38,8% so với cùng kỳ). Sản lượng bán giảm nhưng giá bán bình quân lại tăng 52% so với cùng kỳ nên dẫn tới doanh thu không giảm nhiều. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 21% xuống còn 13%. Kết quả, quý III/2022, DDV chỉ còn lãi sau thuế 57 tỷ đồng, giảm 167%.

Quý IV sẽ là mùa cao điểm

Với vụ Đông - Xuân sắp tới, VDSC kỳ vọng sản lượng tiêu thụ ngành phân bón – đặc biệt là ở thị trường nội địa sẽ cải thiện hơn so với vụ thấp điểm trong quý III vừa rồi. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ nhìn chung vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào cả hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất Ure.

Theo dự báo của Argus, giá Ure nhiều khả năng sẽ đi ngang trong quý IV/2022 này. Trong tháng 10, đơn giá bán ure bình quân khoảng 15.000 – 15.800 đồng/kg. chúng tôi cho rằng mức giá này sẽ tăng dần, sau đó đạt đỉnh tại 16.500 – 17.000 đồng/kg trong tháng 11-12.

Kết hợp với xu hướng giá khí đầu vào của DCM, DPM đang có xu hướng giảm, kỳ vọng hoạt động kinh doanh mảng Ure sẽ cải thiện hơn so với quý III/2022 nhờ biên lợi nhuận gộp cao hơn. Từ đó giúp lợi nhuận quý IV của 2 doanh nghiệp tốt hơn so với quý trước.

Bên cạnh đó, CTCK KIS Việt Nam ước tính, giá gas đầu vào đối với DCM trong quý IV có thể đạt 210 USD/tấn, giảm 11% so với mức giá trong quý III. DCM có thể cải thiện doanh thu trong quý IV với tốc độ tăng trưởng khoảng 25 - 30% so với quý III, nhờ nhu cầu nội địa cải thiện trong vụ Đông - Xuân.

Đối với DPM, doanh nghiệp có thể tăng sản lượng tiêu thụ ure trong quý IV nhờ nhu cầu nội địa tăng vào mùa vụ Đông - Xuân sắp đến.

Ngoài ra, tại cuối quý III/2022, số dư tiền (tính luôn tiền gửi tiết kiệm) của đơn vị chiếm khoảng 54% tổng tài sản (khoảng hơn 9.000 tỷ đồng). Với tình hình tài chính tốt, cộng thêm việc chưa có kế hoạch triển khai dự án đầu tư nào đáng kể ở hiện tại, KIS cho rằng, DPM có thể theo đuổi chính sách chi trả cổ tức khá “hậu hĩnh”, khoảng 50% - 60% cho năm 2022.

Đối với BFC, doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ tiếp tục có mức biên gộp thấp như quý III/2022 nhưng bù lại sản lượng tiêu thụ tăng nhờ mùa cao điểm. Khi đó, lợi nhuận của BFC sẽ tăng trưởng tốt hơn so với quý III/2022 nhưng khó có thể quay về mức cao như các quý đầu năm.

Quỳnh Dương