Định hướng hoàn thiện công tác kiểm toán nghiệp vụ thanh tra, giám sát ngân hàng tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 10:11, 26/11/2022
Tóm tắt: Trong “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018, Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu “Tăng cường năng lực thể chế, hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng (TTGSNH) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN); mở rộng phạm vi thanh tra, giám sát đến các tập đoàn tài chính dưới hình thức công ty mẹ - con, trong đó công ty mẹ là tổ chức tín dụng (TCTD); đến cuối năm 2025, TTGSNH tuân thủ phần lớn các nguyên tắc giám sát ngân hàng hiệu quả theo Basel”. Do đó, muốn đạt được mục tiêu trên đây, NHNN phải thực hiện các công cụ để quản lý về hoạt động của các TCTD thông qua các kênh khác nhau, trong đó thanh tra, giám sát an toàn hoạt động là một công cụ hỗ trợ đắc lực.
Trong thời gian qua, bám sát định hướng, mục tiêu và các nhiệm vụ trọng tâm của NHNN, hoạt động kiểm toán nội bộ (KTNB), đặc biệt là công tác kiểm toán nghiệp vụ TTGSNH đã phát huy có hiệu quả vai trò tư vấn cho Thống đốc NHNN nhằm nâng cao tính tuân thủ, đảm bảo vai trò giám sát vĩ mô và an toàn hoạt động ngân hàng. Bài viết tìm hiểu các nội dung cũng như những nhân tố ảnh hưởng, tiêu chí đánh giá chất lượng, hoạt động kiểm toán nghiệp vụ TTGSNH, đồng thời đề xuất một số định hướng nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán nghiệp vụ TTGS tại NHNN.
Từ khóa: thanh tra giám sát ngân hàng, kiểm toán nghiệp vụ TTGS, NHNN
ORIENTATION FOR PERFECTING THE PROFESSIONAL AUDIT OF BANKING SUPERVISION AND INSPECTION OPRATIONS AT THE STATE BANK OF VIETNAM
Abstract: In the "Development Strategy of Vietnam Banking sector to 2025 with orientations to 2030" approved by the Prime Minister at Decision No. 986/QD-TTg dated August 8, 2018, the Government clearly defined the objective of “strengthening the institutional capacity, effectiveness and efficiency of banking inspection and supervision of the State Bank of Vietnam (SBV); expanding the scope of inspection and supervision to financial groups in the form of parent-subsidiary companies, in which the parent company is a credit institution; By the end of 2025, banking inspection and supervision will mostly comply with the principles of effective banking supervision under Basel”. Therefore, in order to achieve the above goal, the SBV must implement tools to manage activities of credit institutions through different channels, in which inspection and supervision of operation safety is a supporting tool.
During the past time, closely following the orientations, goals and key tasks of the SBV, internal audit activities, especially the audit of banking inspection and supervision operations have effectively promoted their role as an advisor for the Governor of the SBV to improve compliance, ensuring the role of macro supervision and safety of banking operations. The article explores contents as well as the influencing factors, quality assessment criteria, professional audit of banking inspection and supervision operations, and at the same time proposes some orientations to improve the quality of the audit at the SBV.
Keywords: banking inspection and supervision, professional audit of banking inspection and supervision operations, the State Bank of Vietnam
1. Sự cần thiết phải thực hiện kiểm toán nghiệp vụ TTGSNH
Theo chuẩn mực của Ủy ban giám sát ngân hàng Basel II, nguyên tắc cốt lõi về giám sát ngân hàng hiệu quả nhấn mạnh sự cần thiết phải có trách nhiệm và quy trình minh bạch, có nghĩa rằng TTGSNH phải công bố các mục tiêu của mình và chịu trách nhiệm thực hiện thông qua một khuôn khổ minh bạch trong việc thực hiện các mục tiêu của mình.
Để đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động của TTGSNH, sự xác nhận của KTNB, một đơn vị có chức năng đảm bảo sự tin cậy và minh bạch của Ngân hàng Trung ương (NHTW) là rất cần thiết và quan trọng, do đó việc kiểm toán và đánh giá hoạt động của TTGSNH là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động của KTNB tại NHTW các nước có chức năng thanh tra, giám sát.
Trong thực tế phát triển hiện nay, TTGSNH là một trong những trụ cột quan trọng của NHNN để góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD và hệ thống tài chính; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng của TCTD; duy trì và nâng cao lòng tin của công chúng đối với hệ thống các TCTD; bảo đảm việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Là một lĩnh vực quan trọng và cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, việc kiểm toán Cơ quan TTGSNH trong đó có thanh tra, giám sát chi nhánh luôn được KTNB coi trọng để thông qua đó gián tiếp đảm bảo an toàn hệ thống cũng như đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm của NHNN trong khi thực hiện và theo đuổi các mục tiêu của mình. Đến nay, bên cạnh việc kiểm toán tại các vụ, cục của NHTW, trong đề cương và thực tiễn kiểm toán tuân thủ, hoạt động tại NHNN chi nhánh, nội dung kiểm toán hoạt động thanh tra, giám sát luôn được lồng ghép và được coi là nội dung kiểm toán trọng tâm.
2. Nội dung thực hiện kiểm toán nghiệp vụ thanh tra, giám sát
Hiện nay, việc kiểm toán công tác TTGSNH đang được KTNB NHNN thực hiện theo hướng dẫn tại Văn bản hướng dẫn số 8660/HD-NHNN ngày 21/11/2014, trong đó tại Mục 3 Phần II Hướng dẫn kiểm toán, kiểm toán hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng bao gồm 8 nội dung:
(i) Việc thực hiện nhiệm vụ liên quan đến cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng/mạng lưới ngân hàng thương mại (NHTM): tập trung kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ nhiệm vụ theo phân cấp ủy quyền liên quan đến việc thay đổi mạng lưới hoạt động của các TCTD và các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng trên địa bàn (chấp thuận thay đổi địa điểm chi nhánh, mở phòng giao dịch...).
(ii) Giám sát việc mua, bán, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập/giám sát, kiểm soát đặc biệt đối với TCTD: Trong giai đoạn hiện nay, trọng tâm kiểm toán là đánh giá tuân thủ và thực hiện các quy định về giám sát đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn.
(iii) Công tác phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Tập trung vào việc đánh giá tuân thủ các quy định về phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo tại chi nhánh và trên địa bàn.
(iv) Công tác giám sát hoạt động ngân hàng: Đây được coi là một trong những nội dung trọng tâm kiểm toán trong giai đoạn hiện nay, đánh giá việc tuân thủ và hoạt động của các chi nhánh có được thực hiện nghiêm túc theo các quy định hiện hành hay không. Bên cạnh đó là việc thanh tra chi nhánh về việc thực hiện giám sát đầy đủ và có chất lượng các chỉ số rủi ro theo sổ tay Giám sát thanh tra. Kết quả kiểm toán gần đây cho thấy, việc thực hiện chưa được đồng bộ và chất lượng còn hạn chế do còn thiếu các buổi tập huấn từ NHNN đối với nội dung này.
(v) Tổ chức, thực hiện công tác thanh tra ngân hàng: Bên cạnh việc quản lý mạng lưới các TCTD trên địa bàn, công tác giám sát, kiểm toán công tác thanh tra tại chỗ là một trong 3 nội dung quan trọng được KTNB dành nhiều nguồn lực nhất nhằm đánh giá việc xây dựng kế hoạch thanh tra; quy trình, chất lượng cuộc thanh tra và việc tuân thủ nghiêm các quy định về xử lý vi phạm hành chính đảm bảo theo quy định nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống. Kết quả kiểm toán cũng cho thấy đây là một nội dung phát sinh nhiều tồn tại và rủi ro nhất.
(vi) Công tác phòng, chống rửa tiền; phòng, chống tài trợ khủng bố: Tập trung kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật và NHNN về công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố trên địa bàn.
(vii) Công tác thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi: Chỉ thực hiện tại một số chi nhánh có hoạt động của bảo hiểm tiền gửi trên địa bàn.
(viii) Công tác chấp thuận nhân sự đối với các TCTD: Tập trung đánh giá việc tuân thủ quy trình, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của NHNN về công tác chấp thuận nhân sự trên địa bàn. Thực tiễn cho thấy, nội dung này cũng còn nhiều tồn tại, đặc biệt là đối với hệ thống QTDND.
Văn bản hướng dẫn số 8660/HD-NHNN ngày 21/11/2014 về việc kiểm toán tuân thủ và hoạt động đối với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, trong đó nội dung TTGSNH là một trong những nghiệp vụ chủ chốt tại NHNN chi nhánh hiện nay, đã tổng hợp và phân tích theo bố cục 4 phần, gồm: (i) mục tiêu kiểm toán; (ii) một số rủi ro chính; (iii) nội dung kiểm toán và (iv) các văn bản tham chiếu liên quan đến lĩnh vực thanh tra đối với 8 nội dung nêu trên, đang là “kim chỉ nam” để hỗ trợ kiểm toán viên trong quá trình tác nghiệp nghiệp vụ.
3. Các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động kiểm toán nghiệp vụ TTGSNH
Các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động kiểm toán nghiệp vụ TTGSNH bao gồm cả yếu tố khách quan và chủ quan, bao gồm:
- Năng lực trình độ của kiểm soát viên: Hiện nay, công chức phụ trách mảng kiểm toán tuân thủ, hoạt động có trình độ từ đại học trở lên, có kinh nghiệm và được đào tạo bài bản và được phân theo 2 nhóm: kiểm toán tuân thủ, hoạt động vụ, cục NHNN và kiểm toán tuân thủ, hoạt động NHNN chi nhánh. Việc phân công như hiện nay đòi hỏi công chức phải nắm bắt được hầu hết các nghiệp vụ hoạt động của các đơn vị NHNN, tuy nhiên bộc lộ những rủi ro trong việc công chức chuyên trách mảng nghiệp vụ này chưa đảm bảo tính chuyên sâu đối với các mặt nghiệp vụ của NHNN. Mặt khác, trong quá trình tham gia Đoàn kiểm toán, năng lực trình độ của kiểm soát viên thể hiện ở kỹ thuật chọn mẫu là yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc phát hiện ra tồn tại và tồn tại trọng yếu trong kiểm toán.
- Xây dựng chương trình, kế hoạch và thực hiện kiểm toán: Hiện nay, việc xây dựng chương trình, kế hoạch, đề cương và thực hiện kiểm toán công tác TTGSNH là một trong các nội dung của một cuộc kiểm toán tuân thủ và hoạt động của đơn vị NHNN. Kiểm toán công tác này được đánh giá là nghiệp vụ quan trọng, có rủi ro cao do đó trong quá trình xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm toán, các kiểm toán viên đều xem xét đánh giá hầu như toàn bộ các nội dung của thanh tra, giám sát và dành nhiều nguồn lực hơn trong quá trình kiểm toán. Tuy nhiên, việc thực hiện kiểm toán chưa có nhiều sự khác biệt tại các đơn vị NHNN do chưa có sự đánh giá, so sánh giữa các đơn vị NHNN.
Kể từ năm 2017, khi QTDND bộc lộ nhiều rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ mất khả năng thanh toán, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN cùng với các giải pháp của TTGSNH, công tác kiểm toán nghiệp vụ thanh tra, giám sát QTDND đã được Vụ KTNB coi trọng và thực hiện kiểm toán tuân thủ, hoạt động riêng biệt chuyên đề thanh tra, giám sát các QTDND tại NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố có số lượng lớn các QTDND.
- Công tác KSNB tại các đơn vị NHNN: Hiện nay, KSNB tại Cơ quan TTGSNH và NHNN chi nhánh có trách nhiệm thực hiện kiểm tra tuân thủ nghiệp vụ thanh tra, giám sát. Tuy nhiên, do tính chất nghiệp vụ khó, chưa có nguồn thông tin kịp thời nên việc thực hiện chưa thường xuyên và kết quả tự kiểm tra chưa được thể hiện trên báo cáo gửi Vụ KTNB, do đó chất lượng các báo cáo tự kiểm tra đối với nội dung này chưa thể hiện được vai trò của KSNB trong hệ thống kiểm toán, kiểm soát nội bộ của NHNN.
- Việc cập nhật, văn bản chế độ hướng dẫn nghiệp vụ và các chỉ đạo của Cơ quan TTGSNH: Hiện nay, Vụ KTNB chỉ nhận được văn bản pháp quy liên quan đến công tác TTGSNH, còn các văn bản chỉ đạo nghiệp vụ trực tiếp đối với công tác TTGSNH còn hạn chế, dẫn đến việc có những nội dung cần được kiểm toán thì chỉ đến khi làm việc trực tiếp tại chi nhánh, kiểm toán viên mới được nắm bắt và cập nhật, điều này làm giảm đi tính hiệu quả của công tác KTNB đối với nội dung thanh tra, giám sát tại Cơ quan TTGSNH và NHNN chi nhánh.
- Quy trình kiểm toán: Quy trình kiểm toán được xây dựng và cập nhật thường xuyên, có tính hệ thống để đảm bảo thực hiện được mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn công tác KTNB chưa được đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Hiện nay, đã có Nghị định số 05/2019/NĐ-CP về KTNB, tuy nhiên KTNB NHNN lại không thuộc đối tượng điều chỉnh của văn bản này, vì vậy việc tổ chức mô hình, thiết kế quy trình còn nhiều khó khăn. Đồng thời, sự coi trọng, đánh giá và dành nguồn lực cho công tác KTNB cũng phần nào còn hạn chế.
4. Tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động kiểm toán nghiệp vụ thanh tra, giám sát
Đo lường chất lượng KTNB là một nội dung rất quan trọng để đánh giá hiệu quả của chất lượng kiểm toán, tuy nhiên đây cũng là một vấn đề khó. Một số chỉ số được dùng để đo lường chất lượng KTNB NHNN bao gồm:
- Đảm bảo thực hiện đầy đủ nội dung kiểm toán theo Đề cương được phê duyệt và đảm bảo tính chính xác, tính khách quan và tính xây dựng: Đây là yếu tố đầu tiên để đánh giá chất lượng kiểm toán, đảm bảo cung cấp đầy đủ, cô đọng, kịp thời các đánh giá về các nội dung trọng yếu được đề cập tại đề cương kiểm toán chi tiết cho một cuộc kiểm toán tại TTGSNH. Báo cáo KTNB phải tập trung vào đúng vấn đề, các sai phạm được phát hiện và hướng xử lý đối với các sai phạm.
- Số lượng tồn tại trọng yếu: Việc phát hiện ra các tồn tại trọng yếu có nguy cơ mất an toàn hệ thống như các kết luận thanh tra không xác định xử phạt hành chính; việc thực hiện lỏng lẻo và chưa tuân thủ các quy định về kiểm soát đặc biệt; việc cấp giấy phép mở chi nhánh, PGD đối với các ngân hàng không đảm bảo về điều kiện quản lý điều hành để có kiến nghị xử lý phù hợp cũng là một chỉ số để đánh giá chất lượng kiểm toán.
- Kết quả khắc phục tồn tại của TTGSNH: Giám sát việc thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của KTNB cũng là một thước đo quan trọng, không chỉ đảm bảo tính tuân thủ đối với các quy định về công tác thanh tra, giám sát, mà còn là cách hữu hiệu để đảm bảo ngăn ngừa rủi ro đối với mạng lưới ngân hàng thuộc quyền quản lý cũng như tính an toàn của cả hệ thống. Chất lượng của giám sát sau kiểm toán không chỉ thể hiện ở các văn bản, báo cáo thực hiện kiến nghị kiểm toán của đơn vị được kiểm toán, mà còn thể hiện ở kết quả kiểm tra công tác khắc phục sai phạm thực tế tại đơn vị được kiểm toán.
- Kiến nghị về hoàn thiện cơ chế chính sách đối với cơ quan thanh tra: Bên cạnh việc kiến nghị đối với thanh tra chi nhánh đảm bảo tính tuân thủ và giảm thiểu rủi ro, một trong những yếu tố cần thiết để đánh giá chất lượng kiểm toán trên cơ sở nguyên tắc rủi ro là các đánh giá và kiến nghị về tính hiệu quả các cơ chế, chính sách được áp dụng cho TTGSNH hiện nay, trên cơ sở đó có các kiến nghị đối với các đơn vị tham mưu trong việc bổ sung, chỉnh sửa và xây dựng mới các văn bản hướng dẫn nhằm tăng tính chặt chẽ, hiệu quả của các quy trình, nghiệp vụ trong công tác TTGSNH.
5. Định hướng hoàn thiện hoạt động kiểm toán nghiệp vụ thanh tra, giám sát tại NHNN trong thời gian tới
5.1. Định hướng phát triển của hoạt động KTNB
Để xây dựng NHNN Việt Nam thực sự trở thành một NHTW hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế thì việc tiếp tục hoàn thiện và đổi mới hoạt động vẫn là một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Trong đó, yếu tố ổn định, an toàn và hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu. Muốn vậy, phải xây dựng một môi trường kiểm soát lành mạnh, trong đó hoạt động KTNB có ý nghĩa hết sức quan trọng; đặc biệt theo yêu cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đối với NHTW của các nước thành viên phải tăng cường củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống bộ máy kiểm soát và KTNB theo thông lệ quốc tế. Theo đó, hoạt động KTNB phải đảm bảo các yếu tố sau:
- Vụ KTNB phải hoạt động độc lập với hoạt động kiểm soát hàng ngày.
- Các kiểm soát viên phải có tính khách quan, trung thực trong việc thực hiện kiểm toán; được tiếp cận các nguồn thông tin trong hoạt động ngân hàng.
- Phạm vi hoạt động KTNB bao gồm tất cả các lĩnh vực hoạt động của NHTW.
- Hoạt động KTNB phải là công cụ quan trọng trong bộ máy quản trị, điều hành hoạt động của NHNN.
- Hiệu quả hoạt động KTNB thể hiện ở việc giúp các đơn vị được kiểm toán kịp thời ngăn ngừa, xử lý những việc làm sai, tăng cường công tác an toàn về tài sản, tiền bạc; đảm bảo sự ổn định và phát triển của hệ thống NHNN.
- Bộ máy KTNB phải được củng cố theo hướng nâng cao tính chuyên môn hóa, năng lực nghiên cứu, phân tích, đánh giá rủi ro của kiểm soát viên.
- Củng cố cơ cấu tổ chức của Vụ KTNB theo hướng nâng cao năng lực kiểm toán các chuyên đề nghiệp vụ, đặc biệt là các lĩnh vực có rủi ro cao.
5.2. Định hướng nâng cao chất lượng kiểm toán nghiệp vụ thanh tra, giám sát tại NHNN
Hoạt động KTNB với chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động các đơn vị thuộc NHNN, ngoài việc thực hiện trách nhiệm kiểm tra, phân tích đánh giá nhằm phát hiện, chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế trong các hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt là công tác TTGSNH bảo đảm tuân thủ pháp luật, an toàn hiệu quả, hoạt động KTNB tại NHNN còn đảm nhận vai trò người tư vấn, đề xuất, cảnh báo, phòng ngừa rủi ro đối với các nghiệp vụ diễn ra trong hệ thống, là công cụ tin cậy của Thống đốc NHNN và Ban lãnh đạo trong việc quản trị hoạt động của NHNN, cụ thể:
- Nâng cao nhận thức về KTNB trong các cấp từ cấp lãnh đạo đến nhân viên thừa hành trong toàn bộ hệ thống NHNN. Ban hành một hệ thống các văn bản, hệ thống thông tin phục vụ cho KTNB trong đó xác định rõ vị trí và tầm quan trọng của công tác kiểm soát nội bộ.
- Hoàn thiện quy trình, hướng dẫn hoạt động kiểm toán công tác TTGSNH trên cơ sở rủi ro, từ đó xây dựng mô hình, tiêu chí chấm điểm rủi ro.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của ngành Ngân hàng và pháp luật.
- Xây dựng môi trường hoạt động của bộ máy KTNB có hiệu quả, phản ứng linh hoạt, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro cho NHNN.
- Với chức năng của mình trong việc cung cấp thông tin, KTNB cần xem xét và đánh giá đối với tất cả các hoạt động nghiệp vụ TTGSNH về các khía cạnh khác nhau như tính tuân thủ, hiệu quả và hiệu lực. Kết quả của quá trình đánh giá này phải được thông tin cho người có thẩm quyền, cùng với những giải pháp để cải thiện, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các hoạt động.
- KTNB phải đảm bảo chất lượng và phòng ngừa được rủi ro trong hoạt động ngân hàng, nhất là công tác TTGSNH. Hướng tới kiểm toán hệ thống, kiểm toán cơ chế và vận dụng tốt hơn thủ tục phân tích trong quy trình kiểm toán; chọn mẫu trong kiểm toán.
- Chú trọng rà soát, đánh giá để nhận diện những đơn vị có các hoạt động nghiệp vụ tiềm ẩn rủi ro cao để tăng cường nguồn lực kiểm toán những đơn vị này.
- Tiếp tục phát huy và nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát từ xa.
- Tăng cường công tác giám sát, đôn đốc hoạt động tự kiểm tra hoạt động TTGSNH, từ đó chấn chỉnh các đơn vị trong toàn hệ thống NHNN.
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị NHNN để đạt được mục tiêu kiểm toán đã đề ra.
- Lưu trữ, cập nhật, tra cứu thông tin, gắn trách nhiệm triển khai hoạt động KTNB, công tác tự kiểm tra, kiểm soát với triển khai nhiệm vụ của từng đơn vị nói riêng và của toàn hệ thống NHNN nói chung.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo thường niên của NHNN các năm
2. Financial reporting council, 2014. Guidance on risk management, Internal control and related financial and business reporting.
3. Phan Trung Kiên, 2018. Vận dụng tiếp cận kiểm toán cho mỗi lĩnh vực kiểm toán trong kiểm toán nội bộ. Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, Số 197 - Tháng 10/2018.
4. TS. Nguyễn Chí Đức và ThS. Hồ Thúy Ái, 2012. Nghiên cứu mối quan hệ giữa giám sát ngân hàng và chính sách tiền tệ trong nền tài chính hiện đại. Tạp chí Phát triển và Hội nhập, Số 7 (17) - Tháng 11-12/2012.
5. Trương Lệ Hiền, 2015. Nâng cao chất lượng kiểm toán nội bộ các NHTM Việt Nam theo các chuẩn mực quốc tế về thực hành kiểm toán nội bộ của Hiệp hội kiểm toán nội bộ quốc tế (IIA). Đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 10 năm 2022