Cung ứng dịch vụ ngoại hối, trách nhiệm thực hiện của tổ chức tín dụng có vai trò quan trọng
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 17:59, 27/11/2022
|
Cung ứng dịch vụ ngoại hối, xét ở góc độ quản lý, là một trong những dịch vụ của các tổ chức tín dụng (TCTD) phải được ngân hàng trung ương (NHTW) cấp phép (TCTD được phép). Khác với các dịch vụ ngân hàng khác, ngoài việc đáp ứng nhu cầu hợp pháp, hợp lệ của doanh nghiệp, của người dân liên quan đến ngoại hối. Dịch vụ này là dịch vụ có điều kiện và phải tuân theo quy định của Chính phủ, của NHTW về quản lý ngoại hối, về thực thi chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất. Vì vậy, việc cung ứng dịch vụ ngoại hối của các TCTD được phép, có ý nghĩa quan trọng không chỉ góp phần giữ ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối mà còn bảo đảm an ninh tiền tệ quốc gia, phòng ngừa và hạn chế rủi ro phát sinh liên quan đến tiền tệ, ngoại hối đất nước.
Nhận diện như vậy để các TCTD được phép thực hiện trách nhiệm nhiệm vụ cung ứng dịch vụ ngoại hối và thực hiện tốt cơ chế chính sách của Chính phủ, của NHTW về quản lý ngoại hối. Ý nghĩa to lớn này, phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của TCTD được phép khi thực thi nhiệm vụ được giao trong quá trình cung ứng dịch vụ ngoại hối cho khách hàng. Thể hiện cụ thể ở những nội dung sau:
Thứ nhất, tổ chức triển khai thực hiện tốt các quy định của Chính phủ, của NHTW về hoạt động ngoại hối và quản lý ngoại hối: thanh toán, chuyển tiền một chiều xuyên biên giới; mua bán ngoại tệ; xác nhận vay trả nợ nước ngoài, đầu tư nước ngoài; kiều hối và thu đổi ngoại tệ… với nội hàm về xây dựng quy trình giao dịch; các quy định nội bộ phù hợp, đúng quy định; công tác kiểm tra, giám sát; lưu trữ chứng từ… đảm bảo thực hiện tốt trong toàn hệ thống của TCTD. Đồng thời công khai minh bạch, để thực hiện nghiêm quy định của NHTW trong lĩnh vực này.
Thứ hai, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho doanh nghiệp và người dân theo quy định, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay. Đây là nhu cầu cần thiết và khách quan.
Tuy nhiên, việc thực hiện đúng quy định cũng như đáp ứng đúng nhu cầu ngoại tệ để sử dụng ngoại tệ đúng mục đích của khách hàng, nhất là đối với khách hàng cá nhân (mua ngoại tệ để đi công tác, du lịch, khám chữa bệnh, học tập, trợ cấp, định cư…), trên thực tế rất đa dạng, phong phú đòi hỏi các TCTD được phép phải xây dựng quy trình, quy định cụ thể, không chỉ phù hợp quy định của pháp luật mà còn phải đảm bảo hạn chế được những rủi ro phát sinh; hạn chế việc lợi dụng để mua, bán và sử dụng ngoại tệ không đúng quy định, vừa ảnh hưởng đến tỷ giá và thị trường ngoại hối, vừa tiềm ẩn yếu tố ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia.
Thực tế, vai trò này của các TCTD được phép rất quan trọng và phụ thuộc nhiều vào trách nhiệm thực thi của mỗi TCTD. Đặc biệt, trong việc xây dựng quy định nội bộ; quy trình và thủ tục giao dịch, nhất là các quy định về việc chứng minh mục đích sử dụng ngoại tệ của cá nhân; kế hoạch chi tiêu của du học sinh, nhu cầu trợ cấp; cũng như chứng minh giá trị tài sản của người chuyển tiền định cư… đây là những vấn đề rất cụ thể, chi tiết không thể có quy định cụ thể và chung cho mọi trường hợp. Vì vậy, ở vị trí là người cung cấp dịch vụ ngoại hối, người làm thực tế hơn ai hết các TCTD sẽ là chốt chặn an toàn nhất đảm bảo hoạt động chuyển tiền một chiều ra nước ngoài an toàn, hiệu quả và đảm bảo phát huy được hiệu quả chính sách cũng như cùng cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt chính sách liên quan đến hoạt động ngoại hối.
Thứ ba, dịch vụ ngoại hối là dịch vụ có điều kiện, dịch vụ liên quan trực tiếp đến ngoại tệ, đến thị trường ngoại hối và hiệu quả chính sách. Vì vậy, các TCTD được phép cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa này để định vị vai trò, trách nhiệm của tổ chức cung ứng, không chỉ cung cấp dịch vụ cho khách hàng mà còn giữ vai trò là người bảo vệ, vai trò là công cụ, là giải pháp để ổn định thị trường ngoại hối, hạn chế tình trạng mua bán ngoại tệ không đúng quy định; những rủi ro và sai phạm trong chuyển tiền xuyên biên giới, trong phòng chống rửa tiền… góp phần bảo đảm an ninh tiền tệ quốc gia. Trong đó, đối với dịch vụ ngoại hối việc thực hiện đúng quy định là ưu tiên số một trong quá trình cung ứng dịch vụ và đáp ứng nhu cầu dịch vụ cho khách hàng.
Thứ tư, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và tư vấn cho doanh nghiệp, người dân về các quy định của NHTW trong lĩnh vực quản lý ngoại hối. Thực hiện tốt hoạt động này, không chỉ hạn chế sai phạm phát sinh trong lĩnh vực ngoại hối mà còn tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp nắm bắt rõ chủ trương chính sách của Chính phủ, của NHTW về lĩnh vực này, từ đó thực hiện tốt, cũng như góp phần hạn chế việc mua bán ngoại tệ tự do vừa vi phạm pháp luật, vừa ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ và ngoại hối, nhất là trong bối cảnh tỷ giá biến động và áp lực làm phát như hiện nay.