Vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 25,1 tỷ USD
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 11:01, 28/11/2022
Vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 25,1 tỷ USD - Nguồn: Internet |
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm đến ngày 20/11/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt hơn 25,1 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 0,4 điểm % so với 10 tháng năm 2022. Vốn đầu tư đăng ký mới tuy giảm song đã được cải thiện, vốn đầu tư điều chỉnh vẫn tăng so với cùng kỳ.
Cụ thể: Có 1.812 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 14,9% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 11,5 tỷ USD (giảm 18% so với cùng kỳ, tăng 5,7 điểm % so với 10 tháng); có 994 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 13,3% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 9,54 tỷ USD (tăng 23,3% so với cùng kỳ); có 3.298 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN (giảm 4,8% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 4,08 tỷ USD (giảm 7% so với cùng kỳ).
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14,96 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 4,19 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với vốn đăng ký đạt lần lượt gần 2,26 tỷ USD và gần 1,03 tỷ USD.
Xét về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 29,9%, 24,5% và 16,5% tổng số dự án.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, đã có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,78 tỷ USD, chiếm 23% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 24% so với cùng kỳ 2021; Nhật Bản đứng thứ hai với trên hơn 4,6 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư, tăng 24,4%; Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên hơn 4,1 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đan Mạch…
Theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và giải phóng mặt bằng nhiều nhất trong 11 tháng năm 2022 (chiếm 20,7% số dự án mới, 33,2% số lượt điều chỉnh và 34,1% số lượt giải phóng mặt bằng).
Tính từ đầu năm tới ngày 20/11/2022, ước tính các dự án ĐTNN đã giải ngân được khoảng 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính lũy kế đến ngày 20/11/2022, cả nước có 36.109 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 437,52 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt gần 271,3 tỷ USD, bằng 62% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Đến nay đã có 141 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 80,8 tỷ USD (chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với gần 70,75 tỷ USD (chiếm 16,2% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc)…
Trong bản tin tài chính Tuần từ ngày 21 - 25/11, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB Research) cho biết, các nhà ĐTNN nhận định Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh biến động trên toàn cầu, thời gian qua là nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam an toàn và ổn định. Do vậy, họ vẫn tự tin đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Với xu hướng đầu tư đang dịch chuyển sang các lĩnh vực khác như sản xuất hàm lượng công nghệ cao, tăng trưởng xanh, năng lượng xanh, giới chuyên môn cho rằng, Việt Nam cần chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghệ để bắt kịp với sự thay đổi đó.
Dù việt Nam vẫn có sức hấp dẫn rất lớn với dòng đầu tư nước ngoài, song các nhà ĐTNN cũng khuyến nghị, để giữ được đà tăng trưởng tốt như hiện tại, chiến lược phát triển của Việt Nam trong những năm tới nên là vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để làm được điều đó thì Việt Nam cần nâng cao trình độ lao động, đầu tư nhiều hơn vào các trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D, tạo thêm động lực cho các nhà cung cấp để họ nâng cấp chính mình…