Trưởng Ban kinh tế Trung ương: Đến năm 2045, đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 15:00, 29/11/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết số 30-NQ/TW xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc và đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số.

Trao đổi về Hội nghị toàn quốc trực tiếp kết hợp với trực tuyến quán triệt và triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết: “Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị được ban hành là hết sức cần thiết trong bối cảnh, tình hình mới tác động đến phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và các địa phương trong vùng”.

Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh

Vùng đồng bằng sông Hồng tiếp tục khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực. Kinh tế vùng tăng trưởng khá, 2005 - 2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn bình quân cả nước. Quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt 2,37 triệu tỷ đồng, chiếm 29,4% GDP cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước…   

Quá trình phát triển vùng cũng bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế và nhiều thách thức mới. Ông Trần Tuấn Anh cho biết, Nghị quyết 30 cũng đã chỉ ra những hạn chế yếu kém của vùng này.

Tăng trưởng kinh tế của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm. Các địa phương phát triển không đồng đều, chất lượng tăng trưởng chưa cao, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động.

Quy hoạch còn nhiều bất cập, nhất là quy hoạch đô thị. Quy hoạch “treo”, dự án “treo” khá phổ biến. Hệ thống đô thị phát triển chưa hợp lý, thiếu bền vững. Ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp. Sự liên kết và hợp tác trong vùng còn kém…

“Đồng bằng Sông Hồng là địa bàn có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng với cả nước và có nhiều tiềm năng, lợi thế vượt trội. Nghị quyết 30-NQ/TW ban hành nhằm tiếp tục phát huy vai trò của vùng Đồng bằng sông Hồng là vùng động lực phát triển hàng đầu để định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh cơ chế, chính sách phát triển vùng và cả nước còn nhiều bất cập, hạn chế, Nghị quyết số 30 -NQ/TW sẽ là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng để các bộ, ngành và các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để khai thác tốt hơn nữa các tiềm năng, lợi thế, điều chỉnh, bổ sung nguồn lực để tiếp tục phát triển vùng và các địa phương thời gian tới.

Nghị quyết số 30-NQ/TW xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc và đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước. Có hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao…

Hà Nội là Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại và là trung tâm, là động lực thúc đẩy phát triển Vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

"Đến năm 2045, đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái. Là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc…", ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị rất toàn diện. Để cụ thể hóa các mục tiêu phát triển vùng đến năm 2030, Nghị quyết số 30-NQ/TW đã đưa ra 3 nhóm chỉ tiêu chính với 21 chỉ tiêu cụ thể cho phát triển vùn và đã đề ra những giải pháp trọng tâm, đột phá, cụ thể:

Thứ nhất, đòi hỏi các ngành, các cấp cần nhận thức đúng đắn hơn về vị trí, tầm quan trọng của vùng và liên kết phát triển vùng. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng mang tính đột phá. Thể chế điều phối đủ mạnh với quyết tâm chính trị cao để bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng. 

Thứ hai, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động và đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP)...

Phát triển nhanh, bền vững vùng với có cơ cấu kinh tế hiện đại để định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước dựa vào 3 động lực chính: Tập trung đầu tư để vùng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu của cả nước; phát triển hệ thống đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; được tổ chức theo mạng lưới và phân bổ hợp lý và mô hình đô thị trên cơ sở giao thông; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm của cả nước trong đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao của cả nước.

Thứ ba, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, hình thành một số khu vực đóng vai trò các cực tăng trưởng. Thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Thứ tư, phát triển văn hóa làm nền tảng và là sức mạnh nội sinh quan trọng, hướng tới chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch; gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá và không gian, kiến trúc văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ; tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hoá mới.

Thứ năm, tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tăng cường phân cấp, phân quyền và tổ chức bộ máy gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tin tưởng: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết đồng lòng của hơn 23 triệu người dân vùng đồng bằng sông Hồng, Nghị quyết 30 sẽ sớm đi vào cuộc sống và đạt nhiều thành tựu mới góp phần quan trọng vào công cuộc Đổi mới của đất nước.

Tri Nhân