Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đô thị toàn quốc

Tin tức - Ngày đăng : 09:43, 30/11/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng ngày 30/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đô thị toàn quốc phổ biến Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đô thị toàn quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đồng chủ trì Hội nghị có: ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Cùng dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, TP Hà Nội, các tổ chức, chuyên gia, đối tác quốc tế.

Tại điểm cầu trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các đô thị.

Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến tích cực trong công tác nâng cao lượng và chất của quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị trong 10 năm tới, định hướng đến 2045, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng tài nguyên, phát huy nguồn lực đổi mới sáng tạo của đô thị bên cạnh những nguồn lực truyền thống, phát huy lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của đô thị trong bối cảnh phát triển quốc gia, khu vực và thế giới.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “chúng ta đang triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết chuyên đề của Trung ương về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức thực hiện hiệu quả, thực chất để đưa Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị thực sự đi vào cuộc sống, giải quyết những vấn đề điểm nghẽn để quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần vì mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc”.

Thủ tướng cho biết, đây là hội nghị quan trọng, mang nhiều ý nghĩa, nhằm tiếp tục quán triệt sâu rộng những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm và tinh thần quan trọng của Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và phổ biến Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06, xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện; chào mừng, hưởng ứng Ngày 8/11 là Ngày Đô thị Việt Nam và cũng là Ngày Đô thị hóa thế giới bằng những hành động cụ thể, thiết thực, nâng cao nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tiềm năng, thách thức của đô thị trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã trình bày nội dung cơ bản trong Chương trình hành động của Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã trình bày các tham luận về xây dựng và hoàn thiện chính quyền đô thị; phát triển hạ tầng giao thông đô thị; xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị và định hướng đô thị hóa; các vấn đề đặt ra, tác động của biến đổi khí hậu tới phát triển đô thị; kinh nghiệm và định hướng phát triển đô thị tại một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh; xây dựng đô thị thông minh… Hội nghị cũng nghe ý kiến của đại diện các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc, với cam kết đồng hành, hỗ trợ, ủng hộ nguồn lực với Việt Nam trong quá trình thực hiện chương trình nghị sự đô thị mới.

Các ý kiến tại hội nghị thống nhất đánh giá, sau hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Đô thị hoá và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều trong cả nước; tỉ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 41% tháng 6/2022.

Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn. Chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Diện mạo kiến trúc, công trình của đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, vừa giao lưu với thế giới, vừa kế thừa, phát huy và làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền.

Hệ thống đô thị quốc gia đã phát triển mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng, trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của mỗi vùng. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn.

Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 - 15%, cao gấp 1,5 - 2 lần so với mặt bằng chung cả nước. Các đô thị đã đóng góp quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng phúc lợi xã hội, tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Hội nghị được tổ chức trong dịp Ngày Đô thị Việt Nam và Ngày Đô thị hóa thế giới (8/11), cả nước tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ năm 2022, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết chuyên đề của Trung ương. Hội nghị thể hiện tinh thần được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh là "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Như vậy, từ chủ trương của Đảng tới việc thể chế hóa bằng các cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển đô thị đã có một quá trình liên tục, xuyên suốt.

Đô thị chỉ chiếm một diện tích nhỏ, nhưng có đóng góp quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ đời sống kinh tế xã hội của quốc gia, đô thị và đến sự phát triển của con người. Đô thị hóa và phát triển đô thị là cơ hội đối với mỗi quốc gia, khu vực, địa phương để có thể phát triển và tăng trưởng đột phá về mọi mặt. Trên thế giới, các đô thị đang tạo ra đến 80% GDP toàn cầu, trong đó 100 thành phố lớn nhất chiếm khoảng 35% GDP toàn cầu. Tại Việt Nam, các đô thị đang đóng góp đến 70% GDP cả nước, 5 thành phố trực thuộc Trung ương mặc dù chỉ chiếm 2,9% về diện tích và khoảng 22% về dân số nhưng năm 2020 đã đóng góp tới 46,8% GDP cả nước.

Hiện nay, hơn 50% dân số đang sống tại khu vực đô thị. Dự báo đến 2050 khoảng 70% cư dân trên toàn thế giới sẽ sống tại khu vực đô thị, trong đó gần 90% diễn ra ở châu Á và châu Phi. Thủ tướng nhấn mạnh, đô thị hóa là xu thế tất yếu khách quan của thế giới, nhưng nếu phát triển đô thị không đúng hướng, không chuẩn mực, không bài bản sẽ dẫn tới nhiều hậu quả.

Thời gian tới, cùng với thời cơ và bối cảnh phát triển chung, trên tinh thần kết hợp nội lực với ngoại lực, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, việc quan tâm hoạch định chính sách, giải pháp thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị có kế hoạch, có lộ trình là nhiệm vụ quan trọng.

Về chủ trương, chính sách phát triển đô thị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển đô thị theo xu thế thế giới và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Văn kiện của nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng đã thể hiện sự quan tâm và có chủ trương định hướng lãnh đạo về phát triển đô thị. Ngay từ Đại hội IV, vấn đề công nghiệp hóa gắn với đô thị hóa đã được đặt ra. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao và xác định "lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng" là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII, Bộ Chính trị lần đầu tiên đã ban hành riêng một nghị quyết để chỉ đạo cụ thể về quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển bền vững đô thị. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị với nhiều tiêu chí cụ thể và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Để hiện thực hóa những mục tiêu, chỉ tiêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Bộ Chính trị, Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm, định hướng. Theo đó, cần có tư duy, cách tiếp cận mới; bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn lấy thực tiễn làm thước đo; triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu chắc đến đó với những biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu lực, hiệu quả.

Cùng với đó, coi trọng và đầu tư thích đáng cho công tác quy hoạch. Đa dạng hóa, kết hợp, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực. Thống nhất nhận thức và hành động; có giải pháp phù hợp, xử lý các vấn đề đặt ra đạt hiệu quả cao nhất; phát huy mạnh mẽ dân chủ, trí tuệ tập thể. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và đánh giá, tổng kết kinh nghiệm.

Thủ tướng nhấn mạnh, chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 33 nhiệm vụ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp:

Trước hết, nhóm nhiệm vụ nâng cao, thống nhất nhận thức về đặc thù của đô thị, vai trò, vị thế của đô thị trong sự phát triển chung, xác định phát triển đô thị gồm 3 trụ cột chính là quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị.

Thứ hai, nhóm nhiệm vụ nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị; nâng cao năng lực trong các khâu xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Quy hoạch là công cụ nền tảng để định hướng phát triển đô thị.

Thứ ba, nhóm nhiệm vụ về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại trên cơ sở huy động mạnh mẽ các nguồn lực, có cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài (trong đó nguồn lực bên trong gồm con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử - văn hóa là cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, thường xuyên), giữa nguồn lực Nhà nước với các nguồn lực xã hội; đồng thời tiết kiệm, tăng thu, giảm chi, phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Thứ tư, nhóm thực hiện song song các nhiệm vụ, đề án theo chuyên ngành riêng. Vì phát triển đô thị không phải là nhiệm vụ của riêng ngành xây dựng, đô thị là không gian chung dành cho tất cả mọi người và là mắt xích quan trọng kết nối các ngành, lĩnh vực khác nhau. Các ngành cần rà soát các nhiệm vụ có liên quan để ưu tiên tổ chức thực hiện song song, thiết thực tạo hiệu ứng cộng hưởng, phối hợp chung, thống nhất, hình thành sức mạnh tổng hợp trong phát triển đô thị vì lợi ích chung và mục tiêu chung.

Thứ năm, nhóm nhiệm vụ về xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, văn bản pháp luật, phát hiện các vướng mắc và phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, nếu cần thiết thì làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, nhất là trong việc xử lý những điểm nghẽn trong phát triển đô thị. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính quyền đô thị.

T.H