Ngăn chặn rửa tiền qua buôn bán động vật hoang dã

Ngân hàng Xanh và Phát triển bền vững - Ngày đăng : 15:30, 08/12/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 8/12, Học viện Ngân hàng phối hợp với Tổ chức Wildlife Conservation Society – Chương trình Việt Nam (WCS) tổ chức tọa đàm “Báo cáo khảo sát nhận thức, năng lực phòng chống các rủi ro tài chính liên quan đến hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã”.

Ngăn chặn rửa tiền qua buôn bán động vật hoang dã

Buổi tọa đàm được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của các đại diện: Cục Phòng, chống rửa tiền (PCRT), Ngân hàng Nhà nước; Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Tổng cục Hải quan; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05), Bộ Công an; thành viên của Nhóm làm việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền liên quan đến tội phạm môi trường (NRA11); Học viện Ngân hàng; Học viện Cảnh sát nhân dân; cùng một trường đại học, viện nghiên cứu, ngân hàng thương mại…

Cùng tham dự tọa đàm còn có đại diện một số tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, như: UNODC; WWF; TRAFFIC; đại diện Cục Phòng, chống ma túy và Thực thi pháp luật quốc tế (INL), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam; đại diện Lực lượng đặc nhiệm liên ngành về PCRT Nam Phi (SAMLIT); đại diện tổ chức WCS Việt Nam…

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho biết, bảo vệ môi trường, trong đó có bảo vệ các loài động vật hoang dã mang tính cấp thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trên toàn cầu. Tuy nhiên, tội phạm liên quan đến động vật hoang dã lại đang là một vấn đề rất phức tạp. Việt Nam được nhận định là một trong những điểm đến, điểm trung chuyển chính trong chuỗi cung ứng động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã.

PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh cho biết, tội phạm về động vật hoang dã được đánh giá là loại hình nghiêm trọng, có tổ chức, đặc biệt loại hình tội phạm này có liên quan đến hoạt động rửa tiền. Do đó, điều tra tài chính là công tác quan trọng để đánh giá và ngăn chặn tội phạm rửa tiền trong buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã.

Còn theo bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia WCS Việt Nam, buôn bán trái phép vật hoang dã là một loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, có liên quan tới các loại tội phạm khác như: rửa tiền, trốn thuế, tham nhũng. Các tổ chức tội phạm này thường lợi dụng các điểm yếu trong lĩnh vực tài chính để vận chuyển, cũng như che dấu các khoản tiền bất chính.

Chuyển biến trong nhận thức chung về rủi ro rửa tiền liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã

Kết quả khảo sát về nhận thức và năng lực của đơn vị tình báo tài chính (FIU), các ngân hàng thương mại và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính về rủi ro rửa tiền liên quan đến hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã (IWT) tại Việt Nam do Học viện Ngân hàng thực hiện cho thấy, số vụ vi phạm về động vật hoang dã có xu hướng tăng trong 2 năm gần đây. Cụ thể, Cơ sở dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) năm 2021, đã ghi nhận tổng số 3.703 vụ vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, nhiều hơn đáng kể so với năm 2020 là 2.909 vụ; số liệu này trong quý I/2022 là 808 vụ.

Với buôn bán xuyên quốc gia, Việt Nam vừa là quốc gia tiêu thụ động vật hoang dã nhập lậu từ các quốc gia khác, vừa là quốc gia trung chuyển để bán sang các nước xung quanh (chủ yếu là Trung Quốc). Với hoạt động trung chuyển xuyên quốc gia, động vật hoang dã chủ yếu vận chuyển qua ba đường chính là đường biển, đường bộ, và đường hàng không. Các điểm nóng tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật tại Việt Nam là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đắk Lắk.

Đặc điểm buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã là thông qua nhiều khâu, với nhiều đối tượng tham gia vào chuỗi cung ứng, bao gồm cả vận chuyển xuyên quốc gia. Do đó, việc theo dõi dòng tiền của các đối tượng tham gia vào đường dây này gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều đơn vị như: hải quan, công an, ngân hàng, các công ty tài chính... Về hình thức chuyển tiền, các đối tượng sử dụng cả hình thức phi chính thức và chính thức như chuyển tiền qua ngân hàng, qua các trung tâm chuyển tiền, chuyển qua di động...

Hoạt động ngân hàng được nhận định tiềm ẩn rủi ro rửa tiền cao: hoạt động chuyển tiền/thanh toán; thanh toán quốc tế/tài trợ thương mại; các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số.

Đến nay, có trên 60% cán bộ NHTM có hiểu biết cơ bản về các biện pháp và hoạt động PCRT liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã đang được triển khai. 84,5% cán bộ NHTM tham gia khảo sát nhận định buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật là một hoạt động tiềm ẩn rủi ro rửa tiền cao và trung bình cao. 73,4% cán bộ NHNN nhận định buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật là một hoạt động tiềm ẩn rủi ro rửa tiền cao và trung bình cao. Hơn 90% cán bộ công an và hải quan nhận định buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật là một hoạt động tiềm ẩn rủi ro rửa tiền từ trung bình đến trung bình cao.

Dù đã có nhận thức về các nguy cơ rửa tiền thông qua buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã, tuy nhiên, các đối tượng tham gia khảo sát cũng cho biết, các quy định về PCRT liên quan tới buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã đã có nhưng chưa đầy đủ. Các quy định về PCRT hiện nay chỉ đề cập tới việc PCRT nói chung, chưa có quy định cụ thể liên quan tới buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã, do đó chưa có hiệu quả cao trong công tác PCRT liên quan tới buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã.

Cùng chung quan điểm, các cán bộ công an và hải quan cũng cho biết, các quy định liên quan tới buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã cũng chưa đề cập tới nội dung về theo dõi dòng tiền và PCRT. Việc thiếu các quy định về xác định nguồn gốc dòng tiền, xác định giá trị hàng hóa, xác định dấu hiệu nghi ngờ rửa tiền liên quan tới buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã, các hướng dẫn về trao đổi thông tin, hướng dẫn về công tác thanh tra... đã gây ra những khó khăn trong công tác thực thi của các đơn vị. Ngoài ra, các chế tài xử phạt chưa được quy định rõ ràng, chưa có tính răn đe cũng đang gây ra nhiều khó khăn cho các đơn vị thực thi.

Đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành trong hoạt động PCRT

Để tăng cường PCRT liên quan đến hoạt động buôn bán động vật hoang dã, Học viện Ngân hàng đưa ra 5 khuyến nghị, cụ thể:

Đầu tiên, nhận diện về rủi ro rửa tiền liên quan tới buôn bán động vật hoang dã: Các NHTM, tổ chức tài chính cần tăng cường cảnh giác đối với các giao dịch có khả năng tiềm ẩn rủi ro rửa tiền từ buôn bán động vật hoang dã. Đồng thời nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bảo vệ động vật hoang dã thông qua công tác PCRT liên quan tới buôn bán động vật hoang dã;

Thứ hai, khung pháp lý và việc áp dụng các quy định liên quan: Các cơ quan quản lý mà đầu mối là NHNN cần hoàn thiện khung pháp lý về PCRT liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã hiện nay ở Việt Nam, trong đó làm rõ thêm về mảng PCRT trong buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã; ban hành các quy định pháp luật bắt buộc kê khai nguồn gốc tài sản đối với những tài sản không tương xứng với giá trị mô tả trên hồ sơ giao dịch của khách hàng; Bộ Công an hoàn thiện quy trình điều tra về hành vi rửa tiền khi bắt giữ được các vụ việc về buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã theo hai trường hợp: Tiền thu được từ hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã còn nguyên; tiền thu được từ hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã đã bị tẩu tán hoặc tiêu thụ, cần điều tra nơi đến của tiền này có biết rõ nguồn gốc của nguồn tiền phi pháp không…;

Thứ ba, cơ chế tuân thủ nội bộ và cơ chế quản lý rủi ro rửa tiền tại các ngân hàng đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã liên quan: Các NHTM, tổ chức tài chính cần xem xét bổ sung các quy định, hướng dẫn chi tiết hơn về từng loại tội phạm nguồn trong PCRT; các NHTM cần thường xuyên hoàn thiện, cập nhật danh sách đối tượng khách hàng liên quan tới rủi ro rửa tiền liên quan tới buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã trên cơ sở các nguồn thông tin thu thập được; xây dựng cơ chế đánh giá, giám sát các cán bộ trực tiếp giao dịch với khách hàng về việc tra cứu thường xuyên danh sách đối tượng tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền…;

Thứ tư, cơ chế chia sẻ thông tin, phối hợp điều tra: Tăng cường khả năng trao đổi thông tin theo chiều ngang giữa các NHTM, tổ chức tài chính với các bộ, ngành liên quan tới công tác PCRT từ buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã; NHNN có thể đứng ra làm đầu mối xây dựng một thỏa thuận về trao đổi thông tin liên bộ giữa NHNN, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Quốc phòng trong công tác PCRT…;

Cuối cùng, xây dựng năng lực, nâng cao nhận thức về rủi ro rửa tiền từ buôn bán động vật hoang dã: các NHTM, tổ chức tài chính cần tăng cường nhận thức về PCRT liên quan tới buôn bán động vật hoang dã cho cán bộ thông qua đào tạo; các cơ quan quản lý như NHNN, Bộ Công an, Hải quan cần thường xuyên đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho các cán bộ có hoạt động tác nghiệp liên quan tới PCRT nói chung và PCRT từ buôn bán động vật hoang dã nói riêng; các trường đại học khối ngành kinh tế có thể đưa vào chương trình đào tạo tại các bậc học đối với các nội dung về PCRT, về tình hình buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã để nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ….

Với kinh nghiệm đang được Nam Phi triển khai thành công trong việc PCRT từ buôn bán động vật hoang dã, ông Kishor Harri, Nhóm Phòng, chống tội phạm có tổ chức Trung tâm Tình báo tài chính Nam Phi cho rằng, cần phải đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành trong hoạt động PCRT và đấu tranh với tội phạm về động vật hoang dã.

“Nếu chúng ta không thể thành công trong sứ mệnh tham gia cơ chế hợp tác quan trọng này, các đối tượng tội phạm sẽ tiếp tục luân chuyển trơn tru các khoản tiền phi pháp thông qua hệ thống tài chính xuyên quốc gia, mở rộng và tăng cường quyền lực cho các tổ chức và doanh nghiệp tội phạm của mình. Sự tận tuy, chăm chỉ và nguồn lực đầy đủ là cần thiết để đảm bảo sự thành công của các cơ chế hợp tác”, ông Kishor Harri nhấn mạnh.

Thanh Hải