Không để ngân hàng nào thiếu thanh khoản
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 08:52, 09/12/2022
Trong 9 tháng đầu năm 2022, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã có những đóng góp rất tích cực vào kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thị trường tiền tệ, ngoại hối tương đối ổn định; duy trì sự ổn định của tiền đồng VND (đồng VND có mức mất giá thấp nhất so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới). Mặt bằng lãi suất có tăng lên phù hợp với xu hướng tăng lãi suất trên thế giới nhưng so với mặt bằng lãi suất của các nước cũng thấp hơn nhiều. Kết thúc 9 tháng năm 2022, tín dụng đạt 11,5 % so với cuối năm 2021.
Nhưng từ tháng 10/2022, trên thị trường tiền tệ thế giới có nhiều biến động mạnh, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng nhanh lãi suất, áp lực lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia; còn ở trong nước, thị trường trái phiếu doanh nghiệp biến động mạnh khiến niềm tin thị trường bị suy giảm, cùng với đó, thị trường chứng khoán, bất động sản sụt giảm.
Các yếu tố cộng hưởng cả trong và ngoài nước đã tác động tâm lý thị trường, dẫn đến hoạt động của hệ thống ngân hàng chuyển biến rất nhanh, có thời điểm tỷ giá lên đến kịch trần, một số TCTD gặp khó khăn thanh khoản, mặt bằng lãi suất huy động tăng cao, nhiều TCTD hạn chế cho vay vì để tập trung thanh khoản, do vậy, tăng trưởng tín dụng trong tháng 10/2022 rất thấp (chỉ tăng 0,4%).
Trước tình hình đó, với quan điểm điều hành “Không để ngân hàng nào thiếu thanh khoản”, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, kết hợp nhuần nhuyễn các chính sách và giải pháp như: bơm thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng; tăng biên độ tỷ giá; 2 lần liên tiếp điều chỉnh tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng…. Kết quả đến nay, thị trường tiền tệ và ngoại hối đã ổn định, áp lực lên tỷ giá đã "nguội", thanh khoản toàn hệ thống duy trì ở trạng thái tốt và cải thiện hơn nhiều so với thời điểm tháng 10/2022.
Đến nay, tăng trưởng tín dụng đạt 12,2%; các TCTD đã chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng.
Mới đây nhất, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, ngày 6/12/2022, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống tăng thêm 1,5 - 2%. Theo đó, ngân hàng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn; các ngân hàng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ,… theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Đánh giá về thực trạng hệ thống ngân hàng hiện nay, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nhận định, với sự linh hoạt của NHNN trong điều hành nghiệp vụ thị trường mở (OMO) đã giúp thanh khoản của toàn hệ thống được cải thiện tích cực, nhiều ngân hàng có thanh khoản tốt, thường xuyên duy trì cho vay lên thị trường liên ngân hàng với khối lượng lớn.
Một trong những động thái tích cực thể hiện rõ thông điệp “Không để ngân hàng nào thiếu thanh khoản” của cơ quan điều hành, đó là trong phiên giao dịch ngày 7/12 trên OMO, NHNN đã chính thức đã đưa ra kỳ hạn 91 ngày trên kênh cầm cố giấy tờ có giá, thay vì chỉ 14 ngày như những phiên giao dịch trước đó. Quyết định tăng kỳ hạn trên kênh cầm cố giấy tờ có giá lên 91 ngày là tín hiệu tích cực trong việc hỗ trợ thanh khoản cho thị trường từ cơ quan quản lý.
Những điều chỉnh của NHNN đã giúp thanh khoản của toàn hệ thống được cải thiện, từ đó kéo lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm nhanh, cũng như giúp giảm áp lực và hỗ trợ tốt hơn đến sự ổn định của tỷ giá.
Nhận định về cuộc đua lãi suất huy động trên thị trường, vị chuyên gia trên cho rằng, cuộc đua lãi suất trên thị trường thời gian qua không phải đến từ áp lực thanh khoản mà do các ngân hàng nhỏ sợ mất khách hàng vào tay các ngân hàng lớn nên buộc phải tăng lãi suất để giữ chân khách hàng.
Do đó, để tránh cuộc đua lãi suất tiếp diễn, ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống, vị chuyên gia này khuyến nghị: “các ngân hàng cần đồng thuận có một mặt bằng lãi suất huy động hợp lý, ổn định để đảm bảo an toàn hệ thống và hỗ trợ giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp, người dân”.
Để giảm lãi suất huy động, ngoài sự đồng thuận từ các ngân hàng, vị chuyên gia này cũng khuyến nghị cần có thêm nhiều giải pháp thiết thực hơn nữa từ cơ quan quản lý, ví như: tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thông qua thị trường mở; có sự điều chỉnh về tỷ lệ Dư nợ tín dụng/Vốn huy động (LDR); đẩy nhanh việc sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN theo hướng lùi thời hạn sử dụng tỷ lệ sử dụng tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn…
Cùng chung quan điểm, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, quy định hiện tại về tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động buộc các ngân hàng phải duy trì tỷ lệ LDR tối đa 85%. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, để đảm bảo thanh khoản và duy trì sự ổn định của hệ thống, vị lãnh đạo này cho rằng NHNN nên xem xét nới lỏng hơn tỷ lệ này.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng mong lùi thời hạn áp dụng quy định về sử dụng tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN. Bởi, theo quy định tại thông tư này, đến thời điểm ngày 1/10/2023, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn sẽ giảm từ 34% hiện tại xuống 30%. Trong bối cảnh đầy khó khăn thách thức như hiện nay, nếu tiếp tục áp dụng quy định này sẽ buộc nhiều ngân hàng phải tăng lãi suất để huy động vốn nhằm đáp ứng các tỷ lệ an toàn. Do vậy, để giảm áp lực cho các TCTD, cũng như giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, NHNN nên xem xét lùi thời gian áp dụng quy định này thêm 1 năm.
Tại cuộc họp của Hiệp Hội Ngân hàng với các hội viên ngày 7/12 mới đây TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị các ngân hàng hội viên Hiệp hội Ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, nhằm tiếp tục ổn định thị trường tiền tệ cần đồng thuận giữ mặt bằng lãi suất ổn định để đảm bảo an toàn hệ thống và hỗ trợ giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp, người dân, cũng như hỗ trợ lẫn nhau nguồn lực để thanh khoản hệ thống thông suốt. Bên cạnh đó, cần trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, đẩy mạnh truyền thông để dư luận hiểu và chia sẻ hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Được biết, để hỗ trợ nền kinh tế, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay trong các tháng cuối năm 2022. Thống kê, đến nay đã có 12 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền là 3.312 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân, với mức lãi suất giảm từ 0,5% - 3%/năm. Đây là những nỗ lực rất lớn của các ngân hàng trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đang bủa vây.