Thêm giải pháp hỗ trợ thanh khoản ngân hàng

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 08:50, 10/12/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bên cạnh việc tăng kỳ hạn cho các khoản vay cầm cố giấy tờ có giá trên thị trường mở (OMO) lên 91 ngày, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng vừa bổ sung thêm một loạt giấy tờ có giá được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước... Đây là những giải pháp thiết thực giúp giảm áp lực thanh khoản lên các ngân hàng trong những ngày cuối năm và dịp Tết nguyên đán 2023.

Hình minh họa - Nguồn: Internet

Sau một thời gian dài không sử dụng kỳ hạn dài, ngày 7/12, trên kênh cầm cố thị trường mở, NHNN đã bổ sung thêm kỳ hạn 91 ngày cho các khoản vay cầm cố giấy tờ có giá. Với kỳ hạn mới này, các ngân hàng trúng thầu sẽ được phép sử dụng khoản tiền hỗ trợ này đến đầu tháng 3/2023.

Ngay trong phiên đầu tiên điều chỉnh tăng kỳ hạn này, NHNN chào thầu 8.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 6,0% và chào thầu 3.000 tỷ đồng kỳ hạn 91 ngày, đấu thầu lãi suất. Kết thúc phiên có 7.028,84 tỷ đồng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn, trong đó hạn 91 ngày có 2.999,99 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 6,3%/năm.

Tiếp đến trong phiên ngày 8/12, NHNN chào thầu 4.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 6,0%; chào 3.000 tỷ đồng kỳ hạn 91 ngày, đấu thầu lãi suất. Kết thúc phiên có 3.526,42 tỷ đồng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn, trong đó, kỳ hạn 91 ngày có 2.999,99 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất ở mức 6,8%/năm.

Tính đến ngày 8/12, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 80.241,04 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành giữ ở mức 39.999,8 tỷ đồng. NHNN tiếp tục không đấu thầu tín phiếu.

Với quyết định bổ sung thêm kỳ hạn 91 ngày cho các khoản vay cầm cố giấy tờ có giá trên kênh cầm cố thị trường mở, giới chuyên môn nhận định, đây là động thái giúp tạo điều kiện cho các TCTD có nguồn vốn dài hạn, đảm bảo thanh khoản trong thời gian tới. Quyết định này cũng cho thấy rõ định hướng của nhà điều hành: “hỗ trợ thanh khoản hệ thống ổn định và dài hạn hơn”.

Ngày 30/11 vừa qua, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 16/2022/TT-NHNN thay thế Thông tư số 04/2016/TT-NHNN quy định về việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại NHNN. So với Thông tư 04/2016/TT-NHNN thì Thông tư 16/2022/TT-NHNN đã bổ sung 3 loại giấy tờ có giá được lưu ký tại NHNN.

Cụ thể, 3 loại giấy tờ có giá được bổ sung tại Thông tư 16/2022 gồm: (i) trái phiếu chính quyền địa phương; (ii) trái phiếu đặc biệt, trái phiếu phát hành trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); (iii) trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng thương mại do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (trừ các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc), trái phiếu được phát hành bởi tổ chức tín dụng (trừ các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt) và doanh nghiệp khác.

Thông tư 16/2022 có hiệu lực từ ngày 17/1/2023. Như vậy, kể từ thời điểm thông tư có hiệu lực, các tài sản bảo đảm để vay mượn trên OMO sẽ đa dạng hơn, qua đó, hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tốt hơn.

Thực tế cho thấy, các giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt từ NHNN đã góp phần giúp thanh khoản trên thị trường tích cực và ổn định trở lại. Lãi suất liên ngân hàng cũng duy trì ở mặt bằng thấp so với thời điểm tháng 9 và tháng 10 vừa qua. Thống kê cho thấy, lãi suất kỳ hạn qua đêm trong phiên giao dịch ngày 8/12 ở mức 5,5%/năm; 1 tuần là 6,50%/năm; 2 tuần là 6,96%/năm…

Còn mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường 1 (khu vực tổ chức kinh tế và dân cư) dù đã tăng nóng sau khi NHNN 2 lần điều chỉnh tăng mạnh lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động dưới 6 tháng nhưng đến nay đà tăng đã dịu lại. Theo chia sẻ của một số lãnh đạo ngân hàng, lãi suất huy động tăng mạnh thời gian qua không phải do thiếu hụt thanh khoản hay tăng huy động vốn, mà do các ngân hàng tăng lãi suất để “níu chân” khách hàng, bởi khách hàng có xu hướng chuyển sang các ngân hàng lớn hơn.

Trong báo cáo vừa công bố, Công ty Chứng khoán SSI nhận định, tình hình thanh khoản trên hệ thống đã có tín hiệu dịu lại nhờ các nghiệp vụ thị trường mở được điều tiết linh hoạt cũng như các doanh nghiệp phát hành đã phần nào giải quyết tạm thời các vấn đề liên quan đến việc gia hạn/giãn/cơ cấu lại trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên về trung hạn, SSI cho rằng, áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các ngân hàng thương mại là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều do chênh lệch huy động vốn - tín dụng ở mức âm.

Với thanh khoản ổn định trở lại, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho thấy những dấu hiệu tích cực, cùng với đó là những tác động của tình hình thế giới đối với Việt Nam cũng đã dịu bớt… trên cơ sở đó, NHNN cũng vừa quyết định nới room tín dụng từ 1,5-2% cho các TCTD để tạo dư địa hỗ trợ cho các doanh nghiệp, dự án, chương trình, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế hiện nay.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, việc phân bổ tín dụng lần này có thể được xem là một trong những chính sách khuyến khích các ngân hàng tập trung huy động vốn và giảm lãi suất, tạo điều kiện rất thuận lợi, tích cực kể cả về nguồn vốn, lãi suất cho doanh nghiệp, cho các dự án, chương trình cần thiết của nền kinh tế.

“Tất cả cơ chế chính sách hiện nay của NHNN đặt ra đều xuất phát từ mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách bền vững và tiếp tục quán xuyến thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Ngô Hải