Đảm bảo triển khai hiệu quả công tác thi hành Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 08:05, 14/12/2022
Quang cảnh buổi tập huấn |
Buổi tập huấn có sự tham dự của ông Tạ Quang Đôn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN; ông Phạm Huyền Anh – Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc NHNN, các bộ, ngành, các Hiệp hội, các tổ chức tín dụng…
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 - là văn bản pháp lý toàn diện quy định về PCRT, tạo cơ sở pháp lý để từng bước nâng cao hiệu quả công tác PCRT ở Việt Nam.
Trải qua 10 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, Luật PCRT năm 2012 đã bộc lộ những bất cập, cần được thay thế. Bên cạnh đó, Luật PCRT năm 2012 được xây dựng trên cơ sở 40 khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) và hiện nay, các khuyến nghị này đã được sửa đổi, bổ sung. Do đó, một số quy định tại Luật PCRT năm 2012 không còn phù hợp với khuyến nghị hiện hành của FATF. Điều này đòi hỏi phải nghiên cứu, ban hành Luật thay thế Luật PCRT năm 2012 để khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn, nâng cao hiệu quả công tác PCRT tại Việt Nam và đảm bảo việc thực thi cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị của FATF.
Từ các yêu cầu cấp bách nêu trên, trong năm 2021 và 2022, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật PCRT thay thế Luật PCRT năm 2012. Ngày 15/11/2022, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật PCRT số 14/2022/QH15, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2023.
Phát biểu tại buổi tập huấn, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, Luật PCRT có một số nội dung giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN hướng dẫn chi tiết. Hiện nay, theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, NHNN đang khẩn trương xây dựng các văn bản quy định chi tiết Luật để được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm Luật có hiệu lực thi hành - đảm bảo theo đúng yêu cầu tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phó Thống đốc đề nghị các đại biểu tham dự buổi tập huấn tích cực nêu ý kiến, trao đổi, đóng góp về các nội dung hướng dẫn này. Trên cơ sở các ý kiến tại buổi tập huấn và tham vấn, NHNN sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh nội dung để trình các cấp có thẩm quyền ban hành.
Tại buổi tập huấn, đại diện Vụ Pháp chế đã giới thiệu khái quát các nội dung mới của Luật PCRT năm 2022 và kế hoạch tổ chức, triển khai thi hành Luật. Theo đó, Luật PCRT năm 2022 có kết cấu gồm 04 Chương và 86 Điều, so với năm 2012 thì đã giảm bớt 01 Chương và bổ sung 16 Điều.
Đại diện Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trình bày nội dung cơ bản về trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đối tượng báo cáo theo Luật PCRT năm 2022; tóm tắt nội dung dự thảo Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của NHNN hướng dẫn chi tiết Luật PCRT.
Các đại biểu tham dự buổi tập huấn cũng đã có phiên thảo luận xoay quanh nội dung các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết một số điều của Luật PCRT.
Thông qua buổi tập huấn, các cơ quan, tổ chức có thể nắm và hiểu rõ nội dung các quy định tại Luật PCRT năm 2022, đảm bảo công tác triển khai thi hành Luật tích cực, hiệu quả.