Đầu tư công là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 17:53, 14/12/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chia sẻ tại Hội thảo “Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023”, do Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng khi kinh tế suy giảm thì đầu tư công là cứu cánh để thúc đẩy tăng trưởng.

 

PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng cho biết kinh tế Việt Nam đến cuối năm 2022 đã thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các địa phương, khá đều ở các lĩnh vực. Dự kiến tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 ước đạt 8%, trong khi lạm phát bình quân tăng hơn 3%, xuất khẩu tăng khoảng 12%, tiêu dùng cuối cùng tăng trên 10%, đầu tư tăng khoảng 9%...

Đạt được kết quả khá tích cực nêu trên có nhiều yếu tố tác động. Khái quát chung, có thể nêu ba lý do chính. Thứ nhất, Việt Nam kịp thời chuyển trạng thái chống dịch COVID-19, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Thứ hai, kiên trì dùng nhiều chính sách, giải pháp phục hồi kinh tế và ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Cuối cùng, các chỉ số tăng trưởng trên được đặt trong tương quan với mức nền khá thấp của năm trước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, dễ nhận thấy một số dấu hiệu đáng lo ngại. Những chính sách, giải pháp lành mạnh hóa thị trường chứng khoán và bất động sản ít nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường và nhà đầu tư. Vấn đề pháp lý, nguồn vốn, thị trường và lao động cho doanh nghiệp cũng cần thời gian để giải quyết...

Thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất để giảm lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng quốc gia, nhất là ở các đối tác kinh tế quan trọng, tạo sức ép rất lớn lên tỷ giá, lãi suất và thị trường ngoại tệ.

Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại, tình hình cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên xuất hiện trở lại.

Công tác dự báo còn nhiều hạn chế, phản ứng chính sách của bộ, ngành trong một số trường hợp còn chậm, công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp yêu cầu đề ra, chưa phối hợp chặt chẽ; chủ yếu nhằm giải quyết khi vấn đề thực tế đã phát sinh. Một bộ phận cán bộ thực thi còn tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm trong triển khai công vụ.

Trong bối cảnh này, đề cập tới một số giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 2023, ông Hùng cho rằng đà phục hồi của năm 2022 sẽ tạo nền tảng, nguồn lực cho điều hành chính sách năm 2023. Mức tăng trưởng cao năm 2022 góp phần hiện thực hóa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Lạm phát được kiểm soát tốt tạo điều kiện thích ứng, thận trọng (chứ không phải thắt chặt) chính sách tiền tệ; thâm hụt ngân sách ở mức thấp và thu ngân sách đạt kế hoạch tạo dư địa mở rộng phù hợp chính sách tài khóa.... Theo đó, cần duy trì và phát huy ảnh hưởng tích cực của quá trình phục hồi này, để tạo quán tính cho nền kinh tế tiếp tục vận hành ổn định.

Thêm nữa, nhiều chương trình, kế hoạch phát triển trung - dài hạn đã được phê duyệt; kế hoạch, hồ sơ giải ngân đầu tư công, quy trình thủ tục đã được chuẩn bị kỹ trong năm 2022; các gói thuộc Chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia đã được thông qua, nên sẽ có thể triển khai nhanh hơn trong năm tới, tạo tác động nhanh hơn đến nền kinh tế.

Trong đó, ông Hùng nhấn mạnh “đầu tư công có thể là cứu cánh”. Khi kinh tế suy giảm thì tăng đầu tư công chính là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Nhất là trong điều kiện cụ thể hiện nay, khi mà dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, dư địa của chính sách tài khóa còn tương đối tốt nhờ những nỗ lực để đảm bảo cân đối tài chính ngân sách thời gian qua, tỷ lệ nợ công, bội chi ở mức thấp so với trần quy định. Do đó, với việc nới thêm các chỉ tiêu để mở rộng chính sách tài khóa, sẽ tăng thêm nguồn lực cho đầu tư công (chi đầu tư phát triển khoảng gần 730 nghìn tỷ, cao hơn 2022 được phân bổ là gần 530 nghìn tỷ).

“Tất nhiên, để nguồn lực này đạt hiệu quả cao nhất thì dòng vốn cho đầu tư công phải đi vào đúng hướng, đúng lĩnh vực, đúng tiến độ để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực. Còn ngược lại, nếu dòng vốn không đi vào đúng lĩnh vực, đúng tiến độ thì hiệu quả với tăng trưởng sẽ không như mong muốn, ngược lại còn có thể gây những bất ổn. Yêu cầu mở rộng chính sách tài khóa gắn với hiệu quả đầu tư công có ý nghĩa là phải gắn dòng vốn đó vào những lĩnh vực mang lại hiệu quả cho tăng trưởng”, ông Hùng cho biết.

Năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Các chỉ tiêu chủ yếu được xác định là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5-6%.

Bùi Trang