Nỗ lực tạo dư địa hỗ trợ phát triển kinh tế tỉnh Tây Ninh
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 10:30, 18/12/2022
Nỗ lực tạo dư địa hỗ trợ phục hồi kinh tế
Dưới sự chỉ đạo của NHNN chi nhánh Tây Ninh, các tổ chức tín dụng (TCTD) trong tỉnh kịp thời triển khai các chính sách của Trung ương và địa phương, “tiếp sức” cho khách hàng, như giảm lãi suất, giãn nợ… góp phần hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp trong tỉnh khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Dưới sự chỉ đạo của NHNN chi nhánh Tây Ninh, các tổ chức tín dụng (TCTD) trong tỉnh kịp thời triển khai các chính sách của Trung ương và địa phương, “tiếp sức” cho khách hàng |
Theo Giám đốc NHNN chi nhánh Tây Ninh Nguyễn Xuân Hiền, năm 2022 hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và ngành Ngân hàng về lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và ngân hàng đến các TCTD; chỉ đạo giám sát các TCTD trong tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ, định hướng và giải pháp cụ thể của ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường giám sát việc thực hiện kiến nghị và xử lý sau thanh tra của các TCTD, bảo đảm tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác huy động vốn nhằm khai thác tốt nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế; đáp ứng tốt nhu cầu vốn, tập trung cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn của các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực theo chủ trương của Chính phủ và của địa phương để góp phần phục hồi kinh tế địa phương.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 44 đầu mối TCTD hoạt động, trong đó có 23 chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM), 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), 1 chi nhánh ngân hàng hợp tác xã, 1 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô (CEP) và 18 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) với 126 điểm giao dịch, có 206 ATM và 864 POS. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 1.340 điểm giao dịch của 10 công ty tài chính.
Thời gian qua, hệ thống ngân hàng tỉnh đã có sự phát triển mạnh về số lượng các TCTD, quy mô và chất lượng hoạt động, đáp ứng tốt nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế địa phương.
Những con số “biết nói”
Diễn biến thị trường tiền tệ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thời gian qua cho thấy các TCTD chấp hành tốt quy định về lãi suất: Lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,6 - 6% năm; có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng từ 5,4 - 8,8% năm; lãi suất có kỳ hạn trên 12 tháng từ 5,7 - 9,2% năm.
Cửa ngõ vào Tây Ninh |
Về lãi suất cho vay, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên tối đa tại các NHTM là 5,5% năm và tại các QTDND là 6,5% năm; lãi suất cho vay ngắn hạn lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác phổ biến ở mức 10 - 12% năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phổ biến ở mức 11 - 13,5% năm; lãi suất cho vay tăng khoảng 2 - 3% so với đầu năm.
Về tỷ giá, hoạt động ngoại hối và thị trường vàng, các chi nhánh NHTM trên địa bàn chấp hành đúng quy định về hoạt động ngoại hối, niêm yết đầy đủ, công khai, kịp thời tỷ giá mua - bán ngoại tệ và giá vàng; giá vàng, tỷ giá ngoại tệ biến động theo biến động chung của cả nước.
Hoạt động mua - bán vàng miếng, ngoại tệ tại các đơn vị được cấp phép không có biến động bất thường, nhu cầu vàng miếng và ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Trong năm 2022, việc mặt bằng lãi suất huy động tăng, cùng với việc các TCTD đẩy mạnh công tác huy động vốn, quảng bá, chăm sóc khách hàng và triển khai nhiều sản phẩm huy động vốn phù hợp đã giúp hoạt động huy động vốn trên địa bàn có mức tăng trưởng khá cao.
Ước đến cuối năm 2022 huy động vốn đạt 64.250 tỷ đồng, tăng 20% so đầu năm (kế hoạch năm 2022 tăng từ 10 - 12%); trong đó vốn huy động trên 12 tháng ước đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 13,8% so đầu năm và chiếm 10,1% tổng nguồn vốn huy động.
Có được nguồn vốn huy động cùng với nguồn vốn điều hòa từ hội sở của các TCTD, các chi nhánh NHTM đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp, khách hàng đầu tư sản xuất kinh doanh phục hồi kinh tế địa phương. Trong năm, với nhu cầu vốn cho phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch tăng, cùng với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ khách hàng, quy trình, thủ tục cho vay thuận lợi nên dư nợ cho vay tiếp tục tăng trưởng; dư nợ tăng mạnh chủ yếu trong những tháng đầu năm. Kết quả, tổng dư nợ cho vay ước đến cuối năm 2022 đạt 87.350 tỷ đồng, tăng 15% so đầu năm (kế hoạch năm 2022 tăng từ 13% - 15%). Trong đó, dư nợ ngắn hạn ước đạt 60.700 tỷ đồng, tăng 15,7% so đầu năm và chiếm 69,5% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung, dài hạn ước đạt 26.650 tỷ đồng, tăng 13,5% so đầu năm và chiếm 30,5% tổng dư nợ.
Đáng chú ý, dư nợ cho vay bằng đồng nội tệ ước đạt 80.500 tỷ đồng, tăng 14,3% so đầu năm và chiếm 92,2% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngoại tệ quy đổi ra VND ước đạt 6.850 tỷ đồng, tăng 23,9% so đầu năm và chiếm 7,8% tổng dư nợ.
Dư nợ cho vay sản xuất kinh doanh ước đạt 69.150 tỷ đồng, tăng 15,2% so đầu năm và chiếm 79,2% tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp ước đạt 26.000 tỷ đồng, tăng 14,5% so đầu năm với 1.200 doanh nghiệp; dư nợ cho vay tiêu dùng ước đạt 14.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so đầu năm và chiếm 16% tổng dư nợ.
Đặc biệt, dư nợ cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 15.450 tỷ đồng, tăng 13,3% so đầu năm và chiếm 17,7% tổng dư nợ; dư nợ cho vay công nghiệp ước đạt 16.400 tỷ đồng, tăng 7,3% so đầu năm và chiếm 18,8% tổng dư nợ; dư nợ cho vay các ngành dịch vụ ước đạt 36.800 tỷ đồng, tăng 19,2% so đầu năm và chiếm 42,1% tổng dư nợ.
Về dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng ưu đãi ngắn hạn ước đến ngày 31/12/2022 gồm: Cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 11.600 tỷ đồng, tăng 27,5% so đầu năm; cho vay xuất khẩu đạt 2.200 tỷ đồng, giảm 7.6% so đầu năm; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 9,3% so đầu năm.
Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng chính sách ước đạt 3.339 tỷ đồng, tăng 14,5% so đầu năm; nợ xấu chiếm tỷ lệ 0,68% tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc và phục hồi kinh tế theo Nghị quyết số 68/NQ-CP đến 31/10/2022 là 675,7 triệu đồng của 02 doanh nghiệp với 56 lao động.
Cho vay các chương trình khác gồm: dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ước đạt 53.000 tỷ đồng, tăng 12,4% so đầu năm và chiếm 60,7% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg còn 1,1 tỷ đồng với 07 khách hàng.
Về thực hiện cho vay các chương trình tín dụng của NHCSXH tỉnh Tây Ninh theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đến ngày 31/10/2022: (i) Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc: Đã giải ngân cho 2.245 khách hàng, với tổng số tiền 100 tỷ đồng, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch; (ii) Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP: Đã giải ngân cho 73 khách hàng, với tổng số tiền 30,4 tỷ đồng/64 tỷ đồng, đạt 47,4% kế hoạch; (iii) Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập: Đã giải ngân cho 226 khách hàng (318 học sinh, sinh viên) với tổng số tiền 3,2 tỷ đồng/4 tỷ đồng, đạt 79,5% kế hoạch; (iiii) Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch: Đã giải ngân cho 40 khách hàng, với tổng số tiền 3,3 tỷ đồng/4,8 tỷ đồng, đạt 69% kế hoạch.
Thực hiện Nghị định số 31 của Chính phủ, Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất (HTLS) 2% từ ngân sách nhà nước cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Đến cuối tháng 11/2022 các chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh đã thực hiện HTLS 399 khách hàng với tổng dư nợ khoảng 1.400 tỷ đồng. Dư nợ đến ngày 31.8 là 13,7 tỷ đồng với 12 khách hàng.
Giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
Dự báo thời gian tới tình hình kinh tế trong và ngoài nước còn diễn biến khó lường, chịu tác động ảnh hưởng. Trước bối cảnh đó, NHNN chi nhánh tỉnh Tây Ninh tiếp tục chủ động bám sát chỉ đạo, điều hành của NHNN Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh để thường xuyên chỉ đạo hệ thống ngân hàng trên địa bàn thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, triển khai thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của ngành về lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trong hệ thống ngân hàng trên địa bàn.
Hai là, tiếp tục nắm bắt tình hình biến động về thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn để kịp thời phản ánh, đề xuất, kiến nghị với NHNN Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Ba là, thực hiện kế hoạch tăng trưởng năm 2023 của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tăng vốn huy động 12 - 14% so năm 2022; dư nợ tín dụng tăng từ 13% – 15% so năm 2022; tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ dưới 3%.
Bốn là, thực hiện tốt công tác thanh toán; tiền tệ kho quỹ và quản lý ngoại hối, vàng bạc trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện tốt công tác điều hòa tiền mặt, đảm bảo giao dịch tiền mặt thông suốt và đáp ứng đầy đủ nhu cầu về giá trị và cơ cấu cho TCTD, Kho bạc Nhà nước. Thực hiện tốt Kế hoạch kiểm tra công tác ngoại hối, công tác an toàn kho quỹ năm 2023.
Năm là, triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch thanh tra năm 2023, tập trung vào những nội dung theo đúng định hướng của NHNN Việt Nam; chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng, tích cực thu hồi, xử lý nợ xấu và thực hiện kiến nghị, cảnh báo qua công tác thanh tra, giám sát.
Sáu là, tiếp tục giám sát các QTDND thực hiện Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; hướng dẫn và phê duyệt “Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025” của các QTDND trên địa bàn.
Bảy là, chỉ đạo các TCTD thực hiện tốt định hướng hoạt động tín dụng năm 2023 của NHNN Việt Nam, tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục cải cách thủ tục, đơn giản hóa quy trình cấp tín dụng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận tín dụng. Triển khai thực hiện quyết liệt chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN; duy trì hoạt động của đường dây nóng, kiểm tra, giám sát, nắm bắt những vướng mắc của chi nhánh các ngân hàng trên địa bàn để tháo gỡ hoặc kiến nghị tháo gỡ.
Tám là, tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, nhất là dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; tích cực thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 và các văn bản chỉ đạo của NHNN Việt Nam, UBND tỉnh. Chủ động và tăng cường tiếp cận, kết nối với các ngành, lĩnh vực để mở rộng, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là đối với các đơn vị trong lĩnh vực y tế, giáo dục và trung tâm hành chính công.
Chín là, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh mới. Các TCTD có tỷ lệ nợ xấu cao tập trung thực hiện các giải pháp xử lý và thu hồi nợ xấu; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên địa bàn, đặc biệt là cơ quan công an, tòa án, cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình thu hồi nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo. Đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh mới; tăng cường xử lý nợ xấu, áp dụng nhiều giải pháp hiệu quả để xử lý, kéo giảm tỷ lệ nợ xấu.
Mười là, yêu cầu các TCTD trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục cải cách thủ tục vay vốn, đơn giản hóa hồ sơ, quy trình cho vay, rút ngắn thời gian thẩm định tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, nắm bắt, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm khách hàng có đủ điều kiện được tiếp cận vốn thuận lợi. Các TCTD chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật về hoạt động đại lý bảo hiểm; giải thích, tư vấn khách hàng về việc tự nguyện mua bảo hiểm và đặc biệt là không được “ép” khách hàng vay mua bảo hiểm. Tăng cường giám sát, quản lý cán bộ nhân viên đơn vị, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm túc cán bộ hoạt động cho vay đáo nợ./.