Tháo gỡ “điểm nghẽn” về cơ chế quản lý nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam hiện nay
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 08:00, 24/12/2022
|
Những năm gần đây, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT) đã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản cơ chế chính sách liên quan đến chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước cũng như hoạt động của ngân hàng. Liên quan đến công tác quản lý nguồn vốn, NHPT đã đề xuất sửa đổi hoặc ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng, như: Nghị định số 46/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với NHPT (thay thế Quyết định số 44/2007/QĐ-TTg ngày 30/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ), Thông tư số 128/2021/TT-BTC ngày 31/12/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 46/2021/NĐ-CP, Thông tư số 07/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của NHPT…
So với quy định tại các văn bản pháp lý được các cơ quan quản lý nhà nước ban hành trước đây (Quyết định số 44/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 111/2007/TT-BTC, Thông tư số 67/2016/TT-BTC và Thông tư số 26/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, Thông tư số 07/2019/TT-NHNN của NHNN…), cơ chế quản lý nguồn vốn của NHPT tại các Nghị định và Thông tư vừa được ban hành nói trên đã có khá nhiều thay đổi. Trong đó, có thể kể đến một số nội dung đáng chú ý như:
Một là, đã quy định chi tiết nguồn vốn hoạt động của NHPT phù hợp với quy định mới của pháp luật về hoạt động ngân hàng và thực tế hoạt động của NHPT, trong đó có quy định cho phép NHPT được vay tái cấp vốn tại NHNN.
Hai là, quy định cụ thể về xác định vốn tự có của NHPT để làm căn cứ xác định giới hạn cấp tín dụng.
Ba là, bổ sung một số hoạt động sử dụng vốn liên quan đến nghiệp vụ nguồn vốn như: mua, bán, chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá theo quy định của pháp luật (bao gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, tín phiếu NHNN); sử dụng vốn nhàn rỗi để gửi tại các tổ chức tín dụng; góp vốn thành lập công ty con, tham gia các công ty liên kết…
Bốn là, thay đổi phương pháp tính cấp bù lãi suất cho NHPT, trong đó điều chỉnh tỷ lệ tồn ngân khi tính cấp bù giảm từ 7% xuống còn 5,3%, đồng thời bổ sung số thu lãi tiền gửi vào tổng thu từ sử dụng vốn của NHPT để tính lãi suất hòa đồng đầu ra khi xác định số cấp bù.
Năm là, quy định nguyên tắc huy động vốn phải đảm bảo các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của NHPT theo hướng dẫn của NHNN, đồng thời quy định một số giới hạn về lãi suất khi phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cũng như khi huy động tiền gửi, tiền vay từ các tổ chức…
Những quy định nói trên là cơ sở rất quan trọng để việc quản lý nguồn vốn tại NHPT ngày càng tiến gần đến thông lệ chung về hoạt động ngân hàng và phục vụ có hiệu quả cho việc triển khai các nhiệm vụ mà NHPT được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao.
Tuy nhiên, quá trình triển khai những quy định mới nêu trên trong bối cảnh hiện nay của NHPT cho thấy vẫn có một số khó khăn phát sinh, trong đó đáng kể là việc NHPT vừa phải đảm bảo hạn mức tồn nguồn khi tính cấp bù theo quy định của Bộ Tài chính, vừa phải tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn vốn theo quy định của NHNN, trong đó có tỷ lệ dự trữ thanh khoản. Nếu để tồn nguồn nhiều thì mức tồn nguồn vượt quy định sẽ không được ngân sách nhà nước cấp bù, trong khi nếu để tồn nguồn thấp thì sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ dự trữ thanh khoản của NHPT. Trong một số trường hợp, để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của NHNN thì NHPT sẽ phải huy động thêm nguồn vốn trong khi tồn nguồn của NHPT đang ở mức cao hơn quy định của Bộ Tài chính và dự kiến có các khoản tiền cấp bù do ngân sách nhà nước sẽ chuyển về. Do vậy, để đảm bảo không bị tồn nguồn nhiều, NHPT đã không huy động thêm vốn, tuy nhiên, điều này lại dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo tỷ lệ dự trữ thanh khoản theo quy định của NHNN.
Đối với nghiệp vụ mua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh hoặc trái phiếu chính quyền địa phương, việc trở thành thành viên đấu thầu trái phiếu đòi hỏi các điều kiện mà NHPT khó có thể đáp ứng. Việc tham gia thị trường thứ cấp vì mục đích kinh doanh yêu cầu phải có kinh nghiệm và có hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống quản trị rủi ro mà NHPT chưa đáp ứng được. Do vậy, để thực hiện nghiệp vụ chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá, với thực trạng hiện nay về cơ chế chính sách, thì NHPT chưa có cơ sở để triển khai, chưa đáp ứng được các điều kiện để thực hiện. Thêm vào đó, NHPT là một ngân hàng hoạt động không vì mục đích lợi nhuận với nhiệm vụ chính là thực hiện chính sách tín dụng của Nhà nước, nguồn vốn được sử dụng chủ yếu là để giải ngân cho các dự án. Trường hợp NHPT thực hiện nghiệp vụ đầu tư các giấy tờ có giá thì khi thị trường vốn gặp diễn biến bất lợi, việc chuyển đổi các tài sản tài chính này thành tiền cũng sẽ gặp khó khăn và ảnh hưởng đến khả năng đảm bảo thanh khoản của NHPT.
Bên cạnh đó, mặc dù số cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý mà ngân sách nhà nước chưa thanh toán cho NHPT hiện đã lên đến mức khá cao, song việc thanh toán số tiền này từ ngân sách nhà nước cho NHPT lại được thực hiện với tiến độ khá chậm, ảnh hưởng đến tình hình tài chính và khả năng thanh khoản của NHPT. Trường hợp ngân sách nhà nước chuyển tiền cấp chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho NHPT kịp thời thì áp lực huy động vốn đối với NHPT sẽ được giảm đi đáng kể.
Ngoài ra, mặc dù Nghị định số 46/2021/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với NHPT cũng cho phép NHPT được vay tái cấp vốn tại NHNN, song đến thời điểm hiện tại, NHPT vẫn chưa được hướng dẫn về nghiệp vụ này. Do đó, trong trường hợp phát sinh nhu cầu vay tái cấp vốn tại NHNN thì NHPT cũng chưa có cơ sở để thực hiện...
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý nguồn vốn tại NHPT, trong thời gian tới, NHPT cần đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét thực hiện một số giải pháp về cơ chế, chính sách. Trong đó, quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm phê duyệt định hướng hoạt động của NHPT sau khi tái cơ cấu và sửa đổi Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước cũng như ban hành Quy chế xử lý rủi ro tín dụng tại NHPT để tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng, tăng nhu cầu sử dụng vốn, giảm tồn nguồn và giảm nợ xấu cho NHPT. Cùng với đó, NHPT cũng cần báo cáo NHNN sớm ban hành văn bản hướng dẫn về việc vay tái cấp vốn để NHPT có cơ sở thực hiện khi phát sinh nhu cầu. Ngoài ra, NHPT cần tích cực làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để được bố trí đủ số cấp bù lãi suất và phí quản lý trong dự toán ngân sách nhà nước cũng như được thanh toán kịp thời số tiền này, đáp ứng yêu cầu về đảm bảo khả năng thanh khoản cũng như cải thiện tình hình tài chính của NHPT.