Chỉ số Phát triển bền vững PSDI 2021, Đà Nẵng và Hải Phòng dẫn đầu

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 09:03, 25/12/2022

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI) 2021 vừa được công bố, với Đà Nẵng và Hải Phòng là 2 địa phương dẫn đầu.

 

Tại Việt Nam, Chính phủ đã đề ra các mục tiêu phát triển bền vững ở cấp độ quốc gia, tuy nhiên, để đo lường và thống kê ở cấp độ địa phương là một thách thức lớn đối với các tổ chức và cấp chính quyền.

Theo đó, chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI) được nhóm nghiên cứu tại Học viện Chính sách và Phát triển xây dựng nhằm đánh giá mức độ phát triển các địa phương trên nhiều khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Bên cạnh việc đánh giá, xếp hạng mức độ phát triển bền vững của các địa phương, chỉ số PSDI còn phần nào phản ánh khoảng cách trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của địa phương đó.

PSDI 2021 bao gồm 14 chỉ số thành phần phản ánh 17 mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Kết quả trung bình của 63 tỉnh thành trên cả nước năm 2021 đạt 51,38 điểm cho thấy các địa phương cần tích cực hơn nữa trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.

Năm 2021, Đà Nẵng là địa phương đứng đầu cả nước với 65,28 điểm. Trong số 14 mục tiêu phát triển bền vững, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về mục tiêu bình đẳng giới, nước sạch và vệ sinh; tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm.

Xếp thứ hai là thành phố Hải Phòng, với 64,09 điểm. Hải Phòng thể hiện sự vượt trội về các chỉ tiêu kinh tế với thành phần: Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế (xếp thứ nhất trong 63 tỉnh thành thành) và Công nghiệp, đổi mới sáng tạo (xếp thứ 2/63 tỉnh thành).

Tuy nhiên, sự phát triển của Hải Phòng được đánh giá còn thiếu sự đồng đều khi có nhiều chỉ tiêu nằm trong Top 20 tỉnh đứng cuối, đặc biệt là các chỉ tiêu xã hội - môi trường như bình đẳng giới, đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững…

Đứng cuối bảng xếp hạng chủ yếu là các địa phương thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, với đặc điểm chung là những hạn chế trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Bùi Trang