Chính sách tiền tệ: Kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 07:45, 28/12/2022
|
Nhìn lại năm 2022, ông Phạm Chí Quang chia sẻ, năm 2022 là năm đặc biệt khó khăn, diễn biến kinh tế vĩ mô đi ngược hoàn toàn so với diễn biến năm 2021. Bối cảnh chung có nhiều cú sốc, nhiều bất trắc, rủi ro, xung đột Nga – Ukraina nổ ra, các ngân hàng trung ương trên thế giới thay đổi chính sách tiền tệ, đảo chiều nhanh chóng, từ chính sách nới lỏng không giới hạn chuyển hướng thành thắt chặt. Năm 2022, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 7 lần liên tục, từ 0% lên 4,5 % - mức cao nhất trong hàng chục năm qua. Đây là biến động kinh tế vĩ mô toàn cầu tác động rất lớn đến Việt Nam.
Dự báo năm 2023, ông Phạm Chí Quang cho rằng, nguy cơ suy thoái rất lớn, đặc biệt các nền kinh tế đang là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Fed tiếp tục xu hướng tăng lãi suất và duy trì mặt bằng lãi suất cao tới cuối năm 2024 mới có thể giảm lãi suất. Mặt bằng lạm phát, lãi suất cao tiếp tục duy trì, xu hướng dịch chuyển dòng vốn trên toàn cầu tiếp tục duy trì.
“Tất nhiên tác động dữ dội, nhanh mạnh của xu hướng đó vào kinh tế Việt Nam có thể không như năm 2022 nhưng vẫn dai dẳng trong năm 2023”, ông Phạm Chí Quang nhấn mạnh.
Trong nước, dấu hiệu đáng quan ngại là mức tăng của lạm phát cơ bản. Số liệu thống kê cho thấy lạm phát cơ bản tháng 1/2022 tăng 0,66% so với cùng kỳ và sau đó tăng liên tục nhanh, mạnh, đến tháng 11 lên tới 4,5% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây, thể hiện sức ép lạm phát cho năm tới là rất lớn.
Với áp lực lạm phát được dự báo, ông Phạm Chí Quang cho rằng, năm 2023 là không thể chủ quan với lạm phát. "Điều hành chính sách tiền tệ hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định đồng tiền. Đây là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng", ông Phạm Chí Quang nhấn mạnh.
Với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ông Phạm Chí Quang cũng cho biết, NHNN xem xét rất thận trọng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhưng không cứng nhắc. "NHNN luôn rõ ràng minh bạch kiên định với định hướng luôn hỗ trợ cung ứng vốn đầy đủ cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát", ông Phạm Chí Quang khẳng định.
Tăng trưởng tín dụng bình quân gấp đôi tăng GDP. Điều này là một nguy cơ rủi ro khi năng lực hệ thống ngân hàng chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, NHNN luôn quan tâm vừa hỗ trợ nền kinh tế vừa đảm bảo an toàn hệ thống, không để xảy ra nợ xấu mất kiểm soát.
Đối với điều hành lãi suất và tỷ giá, trong xu hướng lãi suất quốc tế đang tiếp tục tăng, ông Phạm Chí Quang cho rằng, rất khó đi ngược dòng chảy chung. Vụ Chính sách tiền tệ sẽ cố gắng tham mưu cho NHNN điều hành chính sách hướng tới mục tiêu duy trì ổn định lãi suất, chỉ đạo các TCTD cố gắng tiết giảm chi phí để có khả năng hỗ trợ khách hàng.
“Chúng ta không thể chủ quan bởi sức ép chưa biết mất. Trong bối cảnh đồng USD còn nhiều bất trắc, có thể xảy ra biến động lớn. NHNN tiếp tục kiên trì định hướng điều hành thị trường ngoại tệ thông suốt và ổn định, NHNN có thể mua vào ngoại tệ để gia tăng dự trữ”, ông Phạm Chí Quang chia sẻ.
Đến ngày 21/12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021. Dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của ngân hàng chính sách xã hội đến ngày 30/11 đạt khoảng gần 280.000 tỷ đồng, tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ. |