Tuần giao dịch đầu năm 2023: Thị trường sẽ có nhịp phục hồi?
Thị trường - Ngày đăng : 08:55, 03/01/2023
|
Thị trường chứng khoán trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2022 đã có diễn biến rung lắc mạnh, tăng giảm đan xen với lực cầu thưa thớt. Dù vậy, VN-Index đã thu hẹp đà giảm so với tuần trước và đóng cửa tuần tại 1.007 điểm. Thanh khoản sụt giảm mạnh cho thấy tâm lý bi quan và thận trọng của nhà đầu tư trước diễn biến không mấy tích cực của thị trường.
Về diễn biến cụ thể, VN-Index chịu áp lực bán mạnh ngay trong phiên giao dịch ngày 26/12 khiến chỉ số chung liên tục đánh mất các mốc hỗ trợ mềm và lui sát về vùng điểm 980. Tuy thanh khoản sụt giảm rõ rệt nhưng sự xuất hiện của lực cầu bắt đáy, dù thưa thớt, cũng đã giúp cho chỉ số chung thu hẹp đà giảm và quay trở lại vùng điểm 1.020. Theo thống kê, 2 nhóm ngành chịu áp lực bán tiêu cực nhất là chứng khoán và bán lẻ với mức giảm lần lượt là 3,26% và 5,46%. Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022, thanh khoản mất hút xuyên suốt phiên, chỉ đạt xấp xỉ 7 nghìn tỷ đồng. Đà mua ròng của khối ngoại cũng có phần chững lại và tỏ ra khá thận trọng. Trong phiên cuối tuần, khối ngoại bất ngờ mua ròng về kết phiên với thanh khoản lớn 536 tỷ đồng, tập trung mua HPG, DXG, VND.
Về góc nhìn vĩ mô trong năm vừa qua, GDP năm 2022 tăng 8,02% (quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83%; quý III tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92%) do nền kinh tế hồi phục tăng trưởng trở lại sau dịch trên nền thấp của năm 2021. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 4,55% so với tháng 12/2021. CPI bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59% so với năm 2021. Tuy vây, lạm phát cơ bản tăng 4,99% so với cùng kỳ.
Năm 2022 chứng kiến áp lực đến từ các cân đối kinh tế vĩ mô trong nước là tỷ giá và lãi suất. Mặc dù vậy, tỷ giá đã cho tín hiệu hạ nhiệt từ vùng đỉnh. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2022 giảm 2,6% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021. Mặt bằng lãi suất huy động tính từ đầu năm tới nay đã tăng khoảng 220-260 điểm cơ bản. Tính đến thời điểm ngày 21/12/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,85% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 8,31%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,99% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,73%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,87% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 12,53%)
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Vietcombank VCBS, dưới góc nhìn kỹ thuật, VN Index tạo nến tuần Hammer, cho thấy lực cầu đã phần nào quay trở lại tại vùng hỗ trợ cứng 1.000 điểm của VN-Index. Đồng thời, 2 chỉ báo quan trọng là RSI và MACD tại khung tuần cũng có xu hướng tạo đáy hướng lên, dự báo cho 1 nhịp hồi phục nhẹ có thể xuất hiện vào tuần giao dịch đầu tiên của năm mới. Thanh khoản thị trường những ngày cuối năm sụt giảm mạnh nhưng cũng không đáng ngại khi đây là hiện tượng thường thấy ở các kỳ nghỉ lễ. VCBS cho rằng xu hướng VN-Index thời gian tới khả năng cao sẽ tiếp tục nhịp phục hồi hướng tới kháng cự mạnh gần nhất quanh khu vực 1.025 – 1.030 điểm và khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục duy trì sự thận trọng, kiên nhẫn chờ đợi phản ứng của thị trường trong phiên và chủ động hiện thực hóa lợi nhuận từng phần đối với danh mục cổ phiếu đã bắt đáy thành công trước đó.
Công ty chứng khoán Bản Việt VCSC dự báo trong phiên giao dịch tuần tới, thị trường sẽ phát ra tín hiệu xu hướng rõ hơn nếu thanh khoản hai sàn gia tăng trở lại. Trong kịch bản tích cực nếu lực mua chiếm ưu thế giúp VN-Index vượt qua kháng cự MA10 tại 1.015 điểm, chỉ số có thể sẽ tăng lên vùng kháng cự 1.025-1.030 điểm và có khả năng sẽ đảo chiều xu hướng điều chỉnh giảm hiện tại sau đó. Ở kịch bản này, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình được đại diện bởi VNMidcap có thể sẽ diễn biến tốt hơn phần còn lại. Ngược lại, nếu lực bán chiều ưu thế khiến VN-Index giảm xuống dưới mốc 1.000-1.005 điểm, chỉ số sẽ kéo dài đà điều chỉnh với các hỗ trợ lần lượt tại 985, 950 điểm và 910 điểm.