Chỉ có khoảng 30% lượng rượu bia tiêu thụ tại Việt Nam đang nộp thuế

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 09:05, 10/01/2023

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 63% lượng rượu bia tiêu thụ ở Việt Nam vẫn chưa được quản lý, điều này có nghĩa chỉ có 30% lượng đồ uống có cồn đang nộp thuế.

Ngày 9/1/2023, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA), phối hợp với Tiểu ban Rượu vang và Rượu mạnh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm) tổ chức tọa đàm “Đồ uống có cồn bất hợp pháp: Thực trạng và giải pháp”.

 

Mục tiêu của tọa đàm là cập nhật thực trạng và tồn tại của khu vực đồ uống có cồn bất hợp pháp; đánh giá các tác động tiêu cực mà đồ uống có cồn bất hợp pháp gây ra về mặt kinh tế xã hội; đồng thời đề xuất và kiến nghị những giải pháp phù hợp, dựa trên một số thông lệ quốc tế.

Báo cáo của Liên minh các doanh nghiệp rượu quốc tế tại châu Á – Thái Bình Dương (APISWA); cho biết mỗi năm có 77,6 triệu USD thuế bị thất thu do buôn lậu rượu mạnh nhập khẩu bất hợp pháp. Số tiền này đủ để trả lương cho 6.200 y tá và 4.700 giáo viên.

Khảo sáo của Euromonitor và WHO  tại một số quốc gia ASEAN cho thấy, năm 2019, tổn thất tài chính do rượu bia bất hợp pháp ở Việt Nam là 441 triệu USD, chỉ đứng sau Philippines (438 triệu USD), vượt xa Thái Lan (83 triệu USD) hay Indonesia (69 triệu USD), Myanmar (50 triệu USD)

Cụ thể tại thị trường Việt Nam, Báo cáo  của APISWA dẫn khảo sát của WT cho biết, 63% lượng rượu bia tiêu thụ ở Việt Nam vẫn chưa dược quản lý, điều này có nghĩa chỉ có 30% thị trường đang nộp thuế.

“Đồ uống có cồn phi chính thức và bất hợp pháp luôn là vấn đề nhức nhối, ở Việt Nam lượng rượu phi chính thức nằm ngoài sự quản lý của nhà nước chiếm tới 63% tổng khối lượng lít cồn nguyên chất được tiêu thụ tại Việt Nam. Không chỉ tại Việt Nam, khu vực ASEAN cũng được dự báo là khu vực có mức tiêu thụ rượu bia không kiểm soát tăng cao vào năm 2025. Với xu hướng tiêu thụ vô cùng lớn như vậy, các sản phẩm phi chính thức sẽ gây ra nhiều tổn thất đáng kể về kinh tế, xã hội đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả ngân sách nhà nước…”, PGS.TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA phát biểu.

Cùng theo Chủ tịch VBA, các chính sách chưa hướng tới giải quyết vấn đề gốc rễ này, chưa có giải pháp toàn diện. “Doanh nghiệp mong muốn các công cụ quản lý nhà nước, đặc biệt chính sách quản lý thị trường hay chính sách thuế đạt được các tiêu chí phù hợp, hiệu quả, công bằng, tạo điều kiện để doanh nghiệp chân chính phát triển bền vững….”, Chủ tịch VBA bày tỏ.

Tại Tọa đàm, đại diện của Cục Nghiệp vụ - Tổng Cục Quản lý thị trường và Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian qua, các hoạt động sản xuất, đăng ký, kinh doanh rượu trên cả nước đã được tổ chức ổn định và công tác kiểm tra, hậu kiểu, kết hợp với công tác tuyên truyền, giáo dục đã góp phần chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh.

“Tuy vậy, tình trạng rượu nhập lậu, rượu giả, rượu không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, do đó gây thất thu thuế cho nhà nước, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chân chính và đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng…”,  Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường thừa nhận.

Để giải quyết hiệu quả những tồn tại, hạn chế trên, đại diện Bộ Công Thương đề xuất một số giải pháp, bao gồm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh rượu, bia, đặc biệt là các quy định quản lý đối với rượu sản xuất thủ công; tăng cường nguồn lực và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chú trọng vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

 “Với tư cách là những hiệp hội và liên minh thương mại hoạt động vì lợi ích của các công ty trong lĩnh vực rượu vang, rượu mạnh tại thị trường quốc tế và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chúng tôi đặc biệt đề cao trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng và đồng hành với các cơ quan hữu quan trong việc tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh đồ uống có cồn bất hợp pháp…”- Đại diện APISWA nhấn mạnh.

Từ những thực tiễn tốt nhất trong ASEAN, Báo cáo của APISWA đề xuất 4 khuyến nghị tới các cơ quan hữu quan của  Việt Nam: Tăng cường hợp tác và phối hợp giữa các cấp thực thi; Xây dựng các chính sách thuế có tác dụng hạn chế buôn bán bất hợp pháp; Xây dựng pháp luật đầy đủ để bảo vệ an toàn của người tiêu dùng; Xây dựng niềm tin và nhận thức của người tiêu dùng trực tuyến…

Thanh Thanh