Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Chưa tính chuyển nguồn, đang tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 15:30, 10/01/2023
|
Trao đổi với báo chí về nguyên nhân gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chậm giải ngân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương cho biết, với gói hỗ trợ này, cơ quan chủ trì là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính tham gia trong quá trình cấp vốn hỗ trợ.
Qua quá trình tổng hợp, chúng tôi nhận thấy một số vướng mắc chính sau: Đầu tiên do bản thân doanh nghiệp họ chưa mặn mà và họ cũng rất quan ngại: Nếu nhận tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước sau này bị thanh tra, kiểm toán nên họ không muốn. Nguyên nhân tiếp theo là do điều kiện để các doanh nghiệp được hỗ trợ là phải có khả năng phục hồi. Việc đánh giá khả năng phục hồi như thế nào còn đang gặp khó, chúng tôi báo cáo cấp thẩm quyền chỉnh sửa việc này", ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang báo cáo cấp thẩm quyền chỉnh sửa quy định này. Hiện các quy định liên quan như việc thanh toán trước 85% tiền hỗ trợ lãi suất cho những ngân hàng đang triển khai gói 2%, phía Bộ Tài chính đang thực hiện rất nhanh chóng để khi ngân hàng thương mại và NHNN có hồ sơ đề nghị, Bộ Tài chính xúc tiến làm sớm.
Liên quan đến một số ý kiến đề xuất điều chuyển nguồn gói vay hỗ trợ lãi suất này sang chương trình cho vay giải ngân qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, đặc biệt cho vay giải quyết việc làm hoặc chuyển số tiền chưa giải ngân của gói vay này sang chương trình miễn giảm thuế hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Dương cho hay, Bộ Tài chính chưa bàn sâu về việc này mà đang tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn của gói hỗ trợ. Hiện nay, NHNN đang tổng hợp để báo cáo Chính phủ tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
Trước đó, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết: “Theo quy định, để được hưởng hỗ trợ, các doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi. Các doanh nghiệp và ngân hàng cho rằng, dù đánh giá doanh nghiệp có khả năng trả nợ, tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế có sự biến động lớn hiện nay, việc đánh giá doanh nghiệp có khả năng phục hồi hay không là rất khó khăn. Nếu tại thời điểm thanh kiểm toán, doanh nghiệp được đánh giá không có khả năng phục hồi thì có thể bị thu hồi lại phần tiền đã được hỗ trợ hoặc bị quy trục lợi chính sách”.
Hiện tại, NHNN đã rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định 31 và đang lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.