Ngành năng lượng tái tạo: Khung giá mới ai hưởng lợi?
Thị trường - Ngày đăng : 14:47, 16/01/2023
|
Khung giá mới sau khi cơ chế giá hỗ trợ hết hạn
Ngày 7/1/2023, Bộ Công Thương đã ban hành khung giá năng lượng tái tạo cho các nhà máy điện chuyển tiếp với mức thấp hơn khoảng 21 - 29% so với mức giá trong biểu giá điện hỗ trợ (FIT).
Dựa trên những tính toán từ EVN, Bộ Công Thương đã ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tại ngày 7/1/2023 có hiệu lực ngay tại ngày quyết định. Theo đó, khung giá mới cho các nguồn điện của các nhà máy điện chuyển tiếp thấp hơn từ 21- 29% so với cơ chế giá FIT.
Khung giá mới sẽ áp dụng cho khoảng 16 dự án điện mặt trời và 62 dự án điện gió trong diện chuyển tiếp, tức là những dự án đã tiến hành đầu tư, triển khai nhưng chưa kịp hoàn thành trước hạn giá FIT (đối với điện mặt trời là từ ngày 1/1/2021, đối với điện gió là từ ngày 1/11/2021).
Các chuyên gia nghiên cứu của VNDIRECT cho rằng khung giá mới là những tín hiệu giải cứu đầu tiên cho các nhà phát triển năng lượng, khi các dự án đã bị đình trệ một khoản thời gian dài sau khi giá FIT hết hạn. Tuy nhiên, với khung giá này, không phải dự án nào cũng sẽ ghi nhận được mức sinh lời hiệu quả.
VNDIRECT đã tiến hành đánh giá hiệu quả tỉ suất sinh lời nội tại (IRR) của các dự án năng lượng tái tạo trong điều kiện vận hành bình thường và đưa ra kết quả rằng: mức giá mới sẽ làm giảm đáng kể IRR của các dự án này. Cụ thể, IRR của các dự án điện mặt trời mặt đất chỉ đạt 5,1%, trong khi đó, IRR của điện gió trên bờ và gần bờ sẽ giảm xuống lần lượt là 8,0% và 7,9% từ mức hơn 12,0% theo giá FIT cũ. Vì vậy, doanh nghiệp cần nỗ lực trong việc cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí đầu tư và lãi vay để tăng hiệu quả sinh lời với khung giá mới. Những doanh nghiệp có năng lực phát triển, vận hành dự án cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn rẻ sẽ có lợi thế trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, trong 5 năm tới, Việt Nam dự kiến sẽ sẽ huy động khoảng 15,5 tỷ USD từ gói hỗ trợ tài chính do các nước G7 và Liên minh châu Âu. Đây là nguồn vốn dồi dào với mức lãi suất rẻ và là cơ hội cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tái cấu trúc nợ trong thời gian tương lai. Theo dự thảo Quy hoạch điện 8, xu hướng chi phí đầu tư của các dự án năng lượng tái tạo sẽ giảm nhanh trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 cũng là yếu tố hỗ trợ cho công đoạn phát triển của các dự án, phần nào bù đắp được việc phải huy động ở mức giá thấp cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.
PC1, BCG, GEG sẽ được hưởng lợi
Theo VNDIRECT, PC1 sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi đầu tiên khi tham gia vào lĩnh lực xây lắp, đặc biệt là EPC điện gió và xây lắp đường dây, trạm biến áp. Ngoài ra, một số những nhà phát triển năng lượng nổi bật bao gồm BCG, GEG sẽ có thể tăng trưởng công suất cũng như giải tỏa những áp lực dòng tiền khi đang triển khai các dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp.
Đối với PC1, giá năng lượng tái tạo chuyển tiếp được ban hành sẽ giúp công ty được hưởng lợi sớm nhất khi doanh nghiệp là một trong những nhà xây lắp điện và thầu EPC điện gió hàng đầu. Khi Quy hoạch điện 8 và chính sách giá năng lượng tái tạo mới được ban hành sẽ càng tiếp thêm động lực cho mảng kinh doanh này của doanh nghiệp bùng nổ. PC1 sẽ tiếp tục mở rộng danh mục điện tái tạo, bao gồm 81MW thủy điện nhỏ trong giai đoạn 2023-25. Ngoài ra, doanh nghiệp đang tiến hành khảo sát hơn 1.000MW điện gió cả trên bờ và ngoài khơi, thực hiện hóa tham vọng phát triển thêm 350MW năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2025.
Cùng với đó, các dự án điện gió của PC1 là một trong những dự án nổi bật của Đông Nam Á, đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn quản trị, môi trường (ESG) và đang được hưởng chính sách lãi vay rất ưu đãi (5-6%/năm) thấp hơn nhiều so với các dự án vay nội tệ (~10-11%). Đây là một lợi thế rất lớn không chỉ cho tính hiệu quả của dự án mà đồng thời tạo tiền đề để doanh nghiệp tiếp tục được tài trợ các khoản vay chi phí vốn thấp trong tương lai.
GEG là một trong những doanh nghiệp năng lượng tái tạo lớn trong ngành, sở hữu tổng công suất 456MW bao gồm 81MW thủy điện nhỏ, 245MW điện mặt trời và 130MW điện gió. Doanh nghiệp hiện đang sở hữu 130MW dự án điện gió đang được triển khai và sẵn sàng đi vào hoạt động từ năm 2023 bao gồm VPL 2 Bến Tre (30MW) và Tân Phú Đông 1 (100MW). Khi chính sách giá năng lượng tái tạo được ban hành sẽ thúc đẩy triển vọng tươi sáng hơn cho doanh nghiệp này. Doanh nghiệp cũng đang đầu tư một dự án điện mặt trời trong diện chuyển tiếp – Đức Huệ 2 có công suất 48MW.
BCG hiện tại đang là công ty năng lượng tái tạo niêm yết có quy mô công suất lớn nhất ngành và đã đưa vào hoạt động 592MW bao gồm 4 dự án BCG Long An 1 (40,6MW), BCG Long An 2 (100,5MW), Phù Mỹ 1 (216MW) và BCG Vĩnh Long (49,3MW) cùng một số dự án điện mặt trời mái nhà (72MW – cập nhật đến 31/12/2022). Ngoài ra, BCG cũng đang sở hữu một danh sách các dự án điện gió đang được triển khai bao gồm Khai Long Cà Mau (GD1) và Trà Vinh (GD1) với tổng công suất 180MW. Chính sách giá năng lượng tái tạo chuyển tiếp sẽ là cơ hội cho BCG khi doanh nghiệp đang sở hữu dự án trễ FIT bao gồm Phù Mỹ 2, Krong Pa 2 đã sẵn sàng để hòa lưới điện khi có cơ chế giá chuyển tiếp, giúp giảm áp lực dòng tiền cho BCG. Ngoài ra, trong dự thảo QHD8 mới nhất, Phù Mỹ cũng là một trong số ít những dự án được đề suất tiếp tục phát triển, dự kiến khi đi vào hoạt động, chuỗi dự án này sẽ đóng góp tích cực cho BCG.
Bên cạnh đó, Trung Nam và T&T Group (chưa niêm yết) cũng sẽ là một số những doanh nghiệp được hưởng lợi khi cũng sở hữu các dự án đã hoàn thành và nằm trong diện chuyển tiếp. Chính sách giá năng lượng tái tạo chuyển tiếp sẽ là tiền đề để Bộ Công Thương có cơ sở đánh giá cũng như điều chỉnh khung giá cho các dự án năng lượng tái tạo mới một cách cẩn thận và hợp lý. Với những cam kết mạnh mẽ trong COP26, Việt Nam cần có chính sách giá chính thức đủ hấp dẫn nhưng vẫn mang tính cạnh tranh, dài hạn và thu hút các nhà đầu tư có đầy đủ năng lực tham gia vào lĩnh vực này.