Đã có 35 ngân hàng triển khai mở tài khoản bằng eKYC
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 13:39, 17/01/2023
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Đây là một trong những điểm nhấn trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri về “tăng cường công tác quản lý việc đăng ký mở tài khoản, kịp thời kiểm tra, phát hiện các hành vi gian lận, không đúng quy định của pháp luật về hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán, phòng ngừa đối tượng lợi dụng để thực hiện tội phạm và vi phạm liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Đồng thời thực hiện tốt công tác bảo mật thông tin khách hàng không để các đối tượng lợi dụng lấy thông tin để thực hiện hành vi phạm tội” vừa được Ngân hàng Nhà nước gửi tới cử tri tỉnh Tuyên Quang.
Tại văn bản, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán (TKTT) tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCƯDVTT) đã được quy định tại Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt – Nghị định 101 (đã được sửa đổi, bổ sung), Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng TKTT tại TCCƯDVTT - Thông tư 23 (đã được sửa đổi, bổ sung).
Theo đó, với quy trình mở TKTT, đã quy định chặt chẽ về hồ sơ, thủ tục mở TKTT, trong đó, các TCCUDVTT phải áp dụng đầy đủ các biện pháp nhận biết và xác minh thông tin khách hàng mở TKTT, đảm bảo tuân thủ quy định về phòng, chống rửa tiền1; đồng thời, đã có quy định chặt chẽ về quy trình mở và sử dụng TKTT: (i) quy định rõ quyền và nghĩa vụ của chủ TKTT, TCCƯDVTT; (ii) quy định về các hành vi bị cấm trong mở, sử dụng TKTT bao gồm mở hoặc duy trì tài khoản nặc danh, mạo danh, chủ TKTT không được cho thuê, cho mượn TKTT của mình và không được sử dụng TKTT để thực hiện cho các giao dịch nhằm mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Đối với việc mở tài khoản bằng phương thức điện tử (eKYC), Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngoài việc tuân thủ các quy định chung về mở, sử dụng TKTT, tại Thông tư số 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 23 còn bổ sung các quy định chặt chẽ về quy trình mở TKTT bằng phương thức điện tử, cụ thể:
Đối tượng áp dụng: chỉ áp dụng đối với khách hàng cá nhân là người Việt Nam, không áp dụng đối với khách hàng cá nhân là người nước ngoài và các đối tượng quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều 11 Thông tư 233.
Quy trình mở TKTT, phải đáp ứng các yêu cầu: (i) có giải pháp, công nghệ để thu thập, kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng với các thông tin, yếu tố sinh trắc học tương ứng trên giấy tờ tùy thân của khách hàng; (ii) xây dựng quy trình quản lý, kiểm soát, đánh giá rủi ro, trong đó có biện pháp ngăn chặn các hành vi mạo danh, can thiệp, chỉnh sửa, làm sai lệch việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng trước, trong và sau khi mở TKTT cho khách hàng; biện pháp để kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng đảm bảo khách hàng thực hiện giao dịch trên TKTT được mở bằng phương thức điện tử là chủ TKTT đó.
Áp dụng hạn mức giao dịch (ghi Nợ) qua TKTT được mở bằng phương thức điện tử (eKYC): không vượt quá 100 triệu đồng/tháng/khách hàng (khoản 3 Điều 14a).
“Thực tế qua theo dõi, có khoảng 35 ngân hàng triển khai mở TKTT bằng phương thức điện tử, các ngân hàng đã tăng cường các giải pháp nhận biết, định danh khách hàng mở TKTT”, Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Ngân hàng Nhà nước đã tích cực phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng phương án cho phép ngành Ngân hàng kết nối cơ sở dữ liệu (CSDL) Quốc gia về dân cư, CSDL Căn cước công dân (CCCD), thẻ CCCD gắn chip để phục vụ xác minh thông tin nhận biết khách hàng.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành các văn bản chỉ đạo toàn ngành trong việc tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa hành vi gian lận liên quan mở và sử dụng TKTT và văn bản yêu cầu các ngân hàng tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro, đặc biệt công tác hậu kiểm để kịp thời phát hiện các sai lệch thông tin định danh và dấu hiệu bất thường trong quá trình khách hàng mở và sử dụng TKTT bằng phương thức điện tử (eKYC).
Về công tác bảo mật thông tin khách hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngoài việc yêu cầu các ngân hàng tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật (Luật Các TCTD, Nghị định số 117/2018/NĐ-CP…), Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên chỉ đạo toàn ngành về việc đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán: ban hành văn bản chỉ đạo về đảm bảo an ninh an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng; tổ chức hội nghị về công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin ngành ngân hàng và các văn bản thông báo, cảnh báo, phòng ngừa, phát hiện các hành vi, thủ đoạn gian lận trong hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng.
Bên cạnh các giải pháp quyết liệt từ phía ngành Ngân hàng, khách hàng có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn thông tin cá nhân và an toàn khi giao dịch ngân hàng điện tử. Do đó, ngoài việc chỉ đạo các TCTD triển khai các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn, bảo mật, NHNN cũng thực hiện và chỉ đạo các TCTD, thực hiện các chương trình truyền thông, tuyên truyền, cảnh báo người sử dụng về các rủi ro, các thủ đoạn gian lận trong hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán và thanh toán trực tuyến.