Thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2022 là 6,7 triệu đồng, tăng 927.000 đồng so với năm trước

Kết nối - Ngày đăng : 21:02, 19/01/2023

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, thị trường lao động Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập của người lao động đều tăng lên; tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ lao động phi chính thức đều có xu hướng giảm.

Theo đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2022 đạt 51,7 triệu người, cao hơn 1,1 triệu người so với năm trước. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 19,1 triệu người, chiếm 37,1 điểm phần trăm; lực lượng lao động nữ đạt 24,2 triệu người, chiếm 46,8% lực lượng lao động của cả nước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2022 là 68,5%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với năm trước.

Lực lượng lao động đã qua đào tạo từ trình độ “sơ cấp” trở lên năm 2022 ước tính là 13,5 triệu người, chiếm 26,2%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với năm trước.

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2022 là 50,6 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với năm 2021, tuy nhiên vẫn thấp hơn năm 2019 là 56,8 nghìn người. Trong đó, số lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người (tăng 877,3 nghìn người so với năm trước), lao động ở khu vực nông thôn là 31,9 triệu người (tăng 627,2 nghìn người so với năm trước).

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước trong năm 2022 là 65,6%, giảm 2,9 điểm phần trăm so với năm trước. So với năm 2021, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức giảm ở cả khu vực thành thị và nông thôn, tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 49,9% và khu vực nông thôn là 74,7%, giảm lần lượt là 2,1 điểm phần trăm và 3,2 điểm phần trăm.

Thiếu việc làm trong độ tuổi năm 2022 là khoảng 991,5 nghìn người, giảm 454,5 nghìn người so với năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2022 là 2,21%, giảm 0,89 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 1,70% và 2,51%). Chia theo ba khu vực kinh tế, nông nghiệp là khu vực có tỷ lệ này cao nhất với 4,03%, tiếp theo là khu vực dịch vụ với 1,79%, và khu vực công nghiệp và xây dựng đạt tỷ lệ thấp nhất với 1,79%.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2022 là 6,7 triệu đồng, tăng 927 nghìn đồng so với năm trước và tăng 759 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2019. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 7,6 triệu đồng, tăng 950 nghìn đồng so với năm trước và tăng 830 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2019; thu nhập bình quân tháng của lao động nữ là 5,6 triệu đồng, tăng 914 nghìn đồng so với năm trước và tăng 709 nghìn đồng so với cùng năm 2019.

Năm 2022, chứng kiến sự tăng trưởng ở hầu hết các ngành kinh tế, thu nhập của người lao động tăng ở cả ba khu vực kinh tế so với năm 2021, trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng thu nhập cao nhất. Thu nhập của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh nhất, tăng 17,6% (tương ứng tăng 1,1 triệu đồng/người/tháng); lao động làm việc trong ngành dịch vụ tăng 15,4% (tương ứng tăng 1,0 triệu đồng/người/tháng). Thu nhập bình quân của lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 9,8%, tương ứng tăng 448 nghìn đồng.

So với cùng kỳ năm 2021, một số ngành kinh tế có tốc độ tăng thu nhập bình quân của người lao động tăng trưởng khá nổi bật: lao động làm việc trong ngành vận tải kho bãi có tốc độ tăng thu nhập bình quân là 21,2%, tương ứng tăng 1,6 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ngành dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 21,0%, tương ứng tăng 1,1 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,2%, tương ứng tăng 1,1 triệu đồng; thu nhập của lao động ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 17,2%, tương ứng tăng 1,1 triệu đồng/người/tháng.

Thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương năm 2022 là 7,5 triệu đồng, tăng 15,1% so với năm trước, tương ứng tăng 992 nghìn đồng. So với cùng kỳ năm 2019, khi COVID-19 chưa xuất hiện, thu nhập của lao động làm công hưởng lương tăng 12,7%, tương ứng tăng khoảng 847 nghìn đồng. Lao động nam làm công hưởng lương có thu nhập bình quân là 8,0 triệu đồng, cao hơn 1,14 lần thu nhập bình quân của lao động nữ (7,0 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động làm công hương lương làm việc ở khu vực thành thị cao hơn 1,23 lần thu nhập bình quân của lao động làm việc ở khu vực nông thôn, tương ứng 8,4 triệu đồng so với 6,9 triệu đồng.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2022 là gần 1,07 triệu người, giảm 359,2 nghìn người so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2022 là 2,32%, giảm 0,88 điểm phần trăm so với năm trước.

Số thanh niên từ 15-24 tuổi thất nghiệp năm 2022 là khoảng 409,3 nghìn người, chiếm 37,6% tổng số người thất nghiệp từ 15 tuổi trở lên. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong năm 2022 là 7,72%, giảm 0,83 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,70%, giảm 2,13 điểm phần trăm so với năm trước.

Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu năm 2022 là gần 4,4 triệu người, giảm 0,7 triệu người so với năm trước. Số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn.

Gần 2/3 số lao động tự sản tự tiêu là nữ giới (chiếm 63,1%). Số lao động nữ giới làm công việc tự sản tự tiêu năm 2022 giảm gần 100 nghìn người so với năm trước. Đây là nhóm lao động yếu thế và chịu nhiều ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ngay cả khi thị trường lao động mở cửa trở lại. Trong tổng số hơn 4,5 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, khoảng 2,3 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 52,9%).

Q.L